Agribank tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong triển khai chính sách
Với vai trò là ngân hàng luôn tiên phong, đi đầu trong triển khai các chính sách của Đảng và Chính phủ, Agribank cam kết sẵn sàng nguồn vốn tín dụng và lãi suất ưu đãi để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đồng hành cùng khách hàng tháo gỡ vướng mắc, khơi thông dòng vốn tạo sức bật cho nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2024.
Theo Agribank, trong 6 tháng đầu năm 2024, ngân hàng đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn hệ thống triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm theo Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 17/1/2024 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm tháo gỡ khó khăn, phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2024 được giao.
Trong điều kiện sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, Agribank đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả. Cụ thể:
(1) Thay đổi mạnh mẽ tư duy trong quan hệ với khách hàng, đặc biệt trong công tác tín dụng, chủ động tìm kiếm và có chính sách thu hút đối với các khách hàng có phương án/dự án kinh doanh khả thi, có hiệu quả.
(2) Cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong quy trình cho vay nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ, tiết giảm tối đa thời gian thẩm định, phê duyệt tín dụng.
(3) Tiếp tục có các chính sách hỗ trợ phù hợp về lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng vay gặp khó khăn kéo dài do nguyên nhân khách quan theo chủ trương, chính sách của Chính phủ, NHNN.
(4) Kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng đối với các chi nhánh, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, có giải pháp quản lý hiệu quả đối với cho vay nhóm khách hàng liên quan, cho vay liên chi nhánh…
(5) Chủ động giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 0,5% - 2%/năm, đặc biệt đối với các khoản giải ngân mới; lãi suất cho vay trung, dài hạn giảm 1-2,5%/năm...
Hiện nay, Agribank đang chủ động dành khoảng 250.000 tỷ đồng để triển khai các chương trình tín dụng, ưu đãi lãi suất tới nhiều đối tượng khách hàng: doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án đầu tư trung, dài hạn, khách hàng xuất nhập khẩu, khách hàng đầu tư sản xuất kinh doanh các sản phẩm OCOP và khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ hoạt động kinh doanh, tiêu dùng...
Thời điểm cuối tháng 6, sau 11 tháng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản, Agribank đã thực hiện cấp tín dụng 7.183 tỷ đồng với khoảng 5.000 lượt giải ngân tới các khách hàng, tập trung vào hoạt động khai thác nuôi trồng thủy sản; thu mua tiêu thụ thủy sản; chế biển bảo quản lâm sản...
Bên cạnh đó, Agribank triển khai cấp tín dụng ưu đãi cho chủ đầu tư dự án và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ. Tính đến hết quý II/2024, Agribank đã phê duyệt 11 dự án nhà ở xã hội với tổng số tiền phê duyệt là 3.023 tỷ đồng, dư nợ tại thời điểm 30/6/2024 là 657 tỷ đồng, tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu về doanh số giải ngân của chương trình. Ngoài ra, Agribank đang tiếp cận 13 dự án nhà ở xã hội với tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng.
Nhờ đó, đến ngày 30/6/2024, dư nợ toàn hệ thống Agribank tăng 2,6% so với 31/12/2023; tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 giảm 0,02% so với cuối năm 2023…
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Agribank trong việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch kinh doanh, các nhiệm vụ chính trị được giao trong thời gian qua và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các mặt hoạt động. Nhờ đó, Agribank tiếp tục là ngân hàng có hệ thống mạng lưới đứng đầu và quy mô tín dụng đứng thứ hai toàn hệ thống ngân hàng.
Đặc biệt, ngân hàng luôn tiên phong, phát huy tốt vai trò chủ đạo trong triển khai các chủ trương, chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN. Nhất là trong hoạt động cho vay và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn. Agribank là một trong các ngân hàng có tiến độ xây dựng, trình NHNN phê duyệt phương cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 sớm nhất, đến nay, ngân hàng đã triển khai đồng bộ 11 nhóm mục tiêu, giải pháp và bước đầu đạt được những chuyển biến tích cực.
Đồng thời, Agribank luôn chú trọng, đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần quan trọng trong việc thay đổi nhận thức, thói quen của người dân nông thôn trong hoạt động thanh toán, nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại và giảm thiểu rủi ro trong thanh toán.
Mặt khác, Agribank luôn đi đầu trong công tác hỗ trợ an sinh xã hội theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN; Công tác quản trị hoạt động, công tác tổ chức, cán bộ, công tác Đảng, đoàn thể… cũng đang được Agribank nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả.