Văn hóa

Nghĩa tình Trường Sa

Phan Thị Thanh Bình 27/07/2024 06:09

Sống trong những ngày tháng 7 tri ân này, những kỷ niệm và cảm xúc về chuyến đi Trường Sa cùng Đoàn công tác 20 lại ùa về trong tôi nguyên vẹn. Chiều ngày thứ ba của hải trình, trong ráng chiều hoàng hôn trầm mặc, Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc được tổ chức trang nghiêm và hùng tráng.

z5651030306943_9a785ee1aec5b29f8049c7c2ac537166.jpg
Lễ tưởng niệm anh hùng liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc

Tiếng người sỹ quan hải quân vang lên trong tiếng sóng vỗ mạn tàu, những lời văn đậm nghĩa tình như nhắn gửi tới các anh hùng liệt sỹ rằng đất nước và nhân dân sẽ không bao giờ quên công ơn của những người đã chiến đấu và hy sinh để bảo vệ từng tấc đảo của tổ quốc. Chúng tôi đều hiểu rằng, để có được chủ quyền biển đảo như ngày hôm nay, rất nhiều thế hệ cán bộ chiến sỹ hải quân đã hy sinh mồ hôi, xương máu và cả tính mạng của mình. Ngay cả trong những ngày đất nước được sống trong hòa bình, ngoài khơi xa kia vẫn luôn có những mối đe dọa đối với chủ quyền biển đảo của tổ quốc và ở ngoài xa kia, vẫn luôn có các cán bộ, chiến sỹ hải quân ngày đêm rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Trong suốt hải trình, đi đến đâu, chúng tôi cũng bắt gặp những gương mặt chiến sỹ tuổi đời còn rất trẻ nhưng rắn rỏi và kiên cường. Tôi có dịp được trò chuyện với Binh nhất Nguyễn Văn Sơn, quê ở Quảng Ngãi, sinh năm 2003 bằng tuổi con tôi - cũng đang học xa nhà. Dù tôi có thể liên lạc được với con thường xuyên mà có lúc còn thương đến thắt ruột thắt gan lại thầm nghĩ đến ba mẹ Sơn ở quê chắc cũng đầy lo lắng và thương con khi làm nhiệm vụ ở nơi đảo xa với biết bao nhiều khó khăn, gian khổ.

Như hiểu được nỗi lòng tôi, Sơn cười hiền kể, mỗi tuần con đều được gọi điện về nhà, nên ba mẹ cũng yên tâm. Dù không được đầy đủ như các bạn cùng trang lứa nhưng con rất tự hào khi được công tác ở Trường Sa.

Tôi đã thay mẹ Sơn ôm con thật chặt, dặn dò luôn phải giữ sức khỏe, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ và hẹn ngày tái ngộ ở đất liền.

z5650694405160_de8a81541f933116a7e9197fcc6ae507.jpg
Tác giả chụp ảnh cùng chiến sỹ Nguyễn Văn Sơn

Tình cảm đất liền – biển đảo của chúng tôi cứ như vậy lan tỏa suốt hải trình. Đi đến đâu, chúng tôi cũng được chào đón như những người thân lâu ngày gặp mặt. Từ bến xuồng vào đảo, tôi bắt gặp những chậu nước ngọt cùng chiếc khăn tay màu lính được kê ngay ngắn dọc đường.

Tôi đã được nghe kể về những chậu nước ngọt này. Chuyện kể là ngày xưa, nước ngọt trên đảo rất hiếm và vô cùng quý, nhưng mỗi khi có khách ghé thăm đảo, lính đảo luôn chuẩn bị chậu nước ngọt trong mát cho khách đến rửa mặt, rửa tay. Đi thăm đảo nào trong quần đảo Trường Sa, bạn cũng sẽ bắt gặp những chậu nước nghĩa tình này. Chậu nước ngọt đã trở thành biểu tượng cho lòng hiếu khách của lính đảo Trường Sa...

Hiện đã có nhiều phương pháp trữ nước ngọt hơn nhưng nước ngọt trên đảo dẫu gì vẫn rất quý và hiếm bởi vào mùa khô có những đợt 4-5 tháng đảo không có một cơn mưa. Có nhiều đảo chỉ toàn cát san hô, không có nước ngọt, không có đất, chỉ hợp với những cây nước lợ như phong ba, bão táp, bàng vuông, phi lao....

Để trồng những luống rau xanh cải thiện bữa ăn, các chiến sỹ trên đảo đã tận dụng từng tải đất được mang từ đất liền ra, tận dụng từng chậu nước từ sinh hoạt hàng ngày. Đến đâu, chúng tôi cũng bắt gặp những vườn rau xanh mướt, có những cây rau mùng tơi lá to hơn lòng bàn tay. Để đạt được thành quả đó là sự cố gắng rất lớn của các chiến sỹ trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt.

873ebfc6e7f342ad1be2.jpg
Đoàn đại biểu của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với cán bộ Quân chủng Hải quân tại cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa

Sự ngưỡng mộ của tôi đối với anh em chiến sỹ trên đảo tăng lên gấp nhiều lần khi tận mắt chứng kiến vườn lan đủ màu khoe sắc trên đảo Trường Sa lớn. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở đảo xa, vườn lan đầy hoa đủ thấy sự chăm bẵm kỳ công và tình yêu với thiên nhiên, yêu đời của anh em chiến sỹ trên đảo.

Thật vậy, ngồi tâm sự với anh em chiến sỹ về cuộc sống trên đảo, tôi tuyệt nhiên không nghe thấy một lời than vãn nào về điều kiện sống, về sự vất vả trong huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Tôi chỉ thấy nhiều nhất là những nụ cười, những lời hỏi thăm chân tình của người lính đảo, những câu chuyện thú vị về cuộc sống trên đảo.

Chúng tôi đã cùng nắm tay hát những bài hát mang nhiều ý nghĩa, tiếng hát, tiếng cười rộn ràng, các chiến sỹ không giấu được niềm vui khi có người ở đất liền ra thăm. Khi chúng tôi ra về, đảo sẽ lại trở lại những ngày yên tĩnh của thao trường và tinh thần sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Chỉ hy vọng những niềm vui nhỏ bé này sẽ tiếp thêm sức mạnh cho các anh vững vàng hoàn thành nhiệm vụ, như những cây phong ba hiên ngang trước Biển.

Trước khi tạm biệt, người lính đảo quay vào trong lấy tặng tôi hai quả bàng vuông, đặc sản của Trường Sa, món quà mộc mạc nhưng bất kỳ ai đi Trường Sa về cũng mong muốn có được…

Chia tay Trường Sa, chúng tôi người trên tàu, người dưới bến cùng hòa giọng vào những bài hát đầy tình cảm và tự hào “Không xa đâu Trường Sa ơi, vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh, vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em…”.

z5651064715790_0bf75b2646d5e7f2bb85cda080b2b8e4.jpg

Tàu từ từ rời cảng, ba hồi còi vang lên thay cho lời tạm biệt, chúng tôi hô vang “Cả nước vì Trường Sa” và nghe tiếng các anh đáp lại “Trường Sa vì Tổ quốc” xa dần, xa dần trong tiếng sóng biển.

Chào nhé Trường Sa, chúng tôi yêu Trường Sa, cả nước sẽ sát cánh cùng Trường Sa.

Phan Thị Thanh Bình