Chứng khoán

Hoàn thiện hành lang pháp lý để nâng cao chất lượng thị trường chứng khoán, tiến tới mục tiêu nâng hạng

Q.L 27/07/2024 09:29

Dự thảo Thông tư sửa 4 thông tư (Thông tư 120/2020/TT-BTC, Thông tư 119/2020/TT-BTC, Thông tư 121/2020/TT-BTC, Thông tư 96/2020/TT-BTC) đang được Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và các bên liên quan sớm hoàn thiện nhằm nâng cao chất lượng thị trường chứng khoán.

Ngày 26/7/2024, tại trụ sở Bộ Tài chính, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chủ trì Hội nghị thảo luận về dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

ac.png
Toàn cảnh hội nghị

Trao đổi tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, dự thảo Thông tư sửa 4 Thông tư sau khi tiếp thu ý kiến của các tổ chức, cá nhân, các thành viên thị trường đã được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và UBCKNN.

“Mục tiêu chính của chúng ta là đưa thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển và có bước phát triển về chất, còn nâng hạng thị trường chỉ là hệ quả tất yếu khi chúng ta đạt được mục tiêu trên”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết, hiện nay mục tiêu của thị trường chứng khoán Việt Nam là tập trung nâng hạng theo tiêu chí của tổ chức xếp hạng FTSE Russel. Nếu nhìn vào thị trường chứng khoán các nước đã được xếp ở thứ hạng cao hơn, thì thấy rằng Việt Nam xứng đáng được xếp hạng ở mức cao hơn. Hiện nay, yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) là trở ngại lớn nhất với quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông Hải cũng đã chia sẻ thêm thông tin về hai vấn đề trọng tâm tại dự thảo Thông tư.

Thứ nhất, về tiêu chí không yêu cầu phải có đủ tiền khi đặt lệnh mua cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN). Quy định này áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài cá nhân thì vẫn áp dụng mức ký quỹ như theo quy định hiện tại. Dự thảo Thông tư quy định cụ thể cách thức đặt lệnh, nhận lệnh, cơ chế xử lý khi NĐTNN thiếu tiền, trong đó, để quản lý rủi ro cho hệ thống thanh toán và quá trình kết nối thanh toán giữa các bên, dự thảo Thông tư cũng có quy định công ty chứng khoán đánh giá rủi ro thanh toán, mức độ tín nhiệm khách hàng và mức độ thanh toán của từng công ty chứng khoán để xác định hạn mức nhận lệnh giao dịch mua cổ phiếu.

Thứ hai, về tiêu chí đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng trong hoạt động đầu tư của NĐTNN, tại dự thảo Thông tư đã đưa ra quy định việc tổ chức niêm yết, công ty đại chúng có trách nhiệm công bố thông tin (CBTT) tiếng Việt, tiếng Anh theo lộ trình, đối tượng và thông tin công bố cụ thể.

Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch UBCKNN cho biết, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Tài chính, UBCKNN đã sớm xây dựng, lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, và có nhiều buổi làm việc, trao đổi với các thành viên thị trường, các chuyên gia, các tổ chức quốc tế để hoàn thiện dự thảo Thông tư.

“Trong quá trình xây dựng dự thảo Thông tư, UBCKNN đã cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo tính công bằng đối với tất cả nhà đầu tư, các thành viên thị trường khi tham gia trên TTCK”, bà Phương chia sẻ.

Bà Phương cho biết thêm, để đáp ứng tiêu chí về yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) theo tiêu chuẩn nâng hạng của các tổ chức xếp hạng đề ra, thì giải pháp không yêu cầu ký quỹ đủ tiền trước giao dịch là giải pháp ngắn hạn; còn về dài hạn sẽ triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP). Hiên nay, các đơn vị đang phối hợp xây dựng các quy trình nghiệp vụ kỹ thuật liên quan để triển khai đồng bộ ngay khi thông tư có hiệu lực thi hành.

Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính đánh giá cao sự đồng thuận từ đại diện các bộ ngành và các thành viên thị trường, các ngân hàng thanh toán, lưu ký, tổng công ty lưu ký, công ty chứng khoán, những tổ chức có liên quan và giao cơ quan chủ trì soạn thảo sớm tổng hợp, hoàn thiện dự thảo thông tư và chuẩn bị sẵn các quy trình nghiệp vụ để đồng thời áp dụng ngay khi Thông tư được ký ban hành.

Q.L