An Giang: “Điểm sáng” thực hiện Chỉ thị 40/CT-TW về tín dụng chính sách
Qua hơn 10 năm triển khai Chỉ thị 40/CT-TW của Ban Bí thư về tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh An Giang đã là “cánh tay nối dài” thực hiện các chính sách tín dụng xã hội tới những đối tượng chính sách, người yếu thế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội duy trì và thúc đẩy nhịp phát triển kinh tế của địa phương.
Chỉ thị 40/CT-TW “bà đỡ” của người nghèo
Xác định tín dụng chính sách là một nguồn lực quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Tỉnh ủy An Giang đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong tổ chức, triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW, ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách.
Các cấp ủy, các đơn vị, địa phương, đặc biệt đã tổ chức thực hiện tốt việc huy động nguồn ngân sách địa phương bổ sung nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Trên cơ sở quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành và NHCSXH về tín dụng chính sách, Tỉnh ủy, chính quyền tỉnh An Giang đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trên địa bàn xây dựng, lồng ghép các mô hình làm ăn tập thể; các chương trình dự án phát triển nông nghiệp theo định hướng thực hiện công nghiệp trong nông nghiệp…, chương trình phát triển các dự án khởi nghiệp nhằm định hướng phát triển kinh tế cho hộ gia đình, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách.
Đáng chú ý, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 27/2016/NQ-HĐND, ngày 3/8/2016, Nghị quyết số 18/2018/NQ-HĐND, ngày 19/7/2018 về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Đề án “Tăng cường đưa lao động An Giang đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2016-020” và Nghị quyết số 17/2020/NQ-HĐND, ngày 8/12/2020 về quy định chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh An Giang.
Để tăng thêm nguồn lực cho NHCSXH, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội đã chuyển nguồn tài chính gửi NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện để tạo nguồn vốn cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; vận động cán bộ, người thân tham gia gửi tiết kiệm tại NHCSXH…
Những thành quả đạt được
Thông qua NHCSXH tỉnh An Giang qua hơn 10 năm qua việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư đã góp phần tích cực mở rộng, phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, nhất là những vùng nghèo, vùng khó khăn… từ đó, phát huy vai trò tích cực tín dụng chính sách.
Trong hơn 10 năm qua, việc triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư trên địa bàn An Giang thông qua NHCSXH tỉnh, đã đóng góp quan trọng vào việc mở rộng và nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, đặc biệt là ở những vùng nghèo, vùng khó khăn,… theo đó đã phát huy vai trò tích cực của tín dụng chính sách.
Ông Trần Thế Loan, Giám đốc NHCSXH tỉnh An Giang chia sẻ, đơn vị đã phối hợp tốt với các sở, ngành, chính quyền các cấp triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, là kênh cung cấp tín dụng ưu đãi quan trọng cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đến nay đã triển khai 21 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, tăng 8 chương trình so với trước khi có Chỉ thị số 40/CT-TW.
Theo số liệu thống kê từ NHCSXH tỉnh cho thấy, trong 10 năm qua (2014 - 2024), doanh số cho vay đạt 9.786 tỷ đồng với 365.257 lượt khách hàng; doanh số thu nợ đạt 5.717 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn đạt 5.268,3 tỷ đồng, trong đó dư nợ nguồn vốn trung ương là 4.931,4 tỷ đồng, chiếm 93,61% tổng dư nợ; dư nợ nguồn vốn ủy thác địa phương là 336,9 tỷ đồng chiếm 6,39% tổng dư nợ.
Các chương trình có dư nợ lớn, gồm: cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 978,2 tỷ đồng, chiếm 18,57%; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 949,9 tỷ đồng, chiếm 18,03%; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 839,8 tỷ đồng, chiếm 15,94%; hộ mới thoát nghèo là 804,9 tỷ đồng, chiếm 18,28%; hộ cận nghèo 767,8 tỷ đồng, chiếm 14,57%; hộ nghèo 242,4 tỷ đồng, chiếm 4,60%; hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 232,4 tỷ đồng, chiếm 4,41%; nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP là 203,9 tỷ đồng, chiếm 3,87%…
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, 365.257 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã được vay vốn, giúp 62.883 hộ thoát nghèo; hỗ trợ 91.311 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục học tập tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và trường nghề, đồng thời tạo việc làm cho 35.387 lao động tại địa phương.
Ngoài ra, 854 người lao động đã được vay vốn để trang trải chi phí làm việc có thời hạn ở nước ngoài và 112.884 hộ đã nhận vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn. Đặc biệt, 4.751 hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã tiếp cận được vốn vay ưu đãi để xây dựng nhà ở, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và góp phần ngăn chặn tình trạng “tín dụng đen” trên địa bàn.
Thành quả của tín dụng chính sách là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” của hệ thống chính sách giảm nghèo, khẳng định sự đúng đắn và hiệu quả của mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù của NHCSXH, khác biệt so với các tổ chức tín dụng tại địa phương. Thông qua NHCSXH, tín dụng chính sách đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi và “tín dụng đen”.
Đặc biệt, tín dụng chính sách có ý nghĩa thiết thực đối với vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, là một công cụ kinh tế giúp Nhà nước thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đến với những đối tượng dễ bị tổn thương. Đây cũng là một trong những đòn bẩy kinh tế, kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác có điều kiện phát triển sản xuất và cải thiện cuộc sống.
Giải pháp thời gian tới
Phát huy kết quả đạt được, nhiệm vụ và giải pháp thời gian tới tỉnh An Giang tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng chính sách tiếp tục triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW, ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, các nghị quyết, văn bản cụ thể từ tỉnh đến cơ sở, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân.
Tiếp tục tập trung bố trí và huy động nguồn lực để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần giảm nghèo bền vững, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới thông qua thực hiện tín dụng chính sách.
Tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH trên địa bàn. Việc bình xét cho vay sẽ tiếp tục được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng đối tượng, quy trình, thủ tục và mức vay phù hợp. Đặc biệt, các hộ vay cần có phương án rõ ràng, hiểu và thực hiện đúng trách nhiệm và quyền lợi khi vay vốn. Bên cạnh đó, NHCSXH sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giúp người vay sử dụng vốn đúng mục đích và hiệu quả.