Nhu cầu thuê đất gia tăng, các chủ đầu tư khu công nghiệp ráo riết chuẩn bị dự án tương lai để đón sóng đầu tư mới
Sự tham gia của Việt Nam vào thương mại toàn cầu thông qua các FTA, tăng cường các mối quan hệ đối tác chiến lược và chiến lược Trung Quốc+1 của các nhà sản xuất lớn sẽ tiếp tục thúc đẩy thị trường bất động sản công nghiệp.
Nhu cầu thuê đất khu công nghiệp đến từ nhiều ngành nghề khác nhau
Báo cáo Thị trường Marketbeat TP. Hồ Chí Minh quý II/2024 vừa phát hành của Cushman & Wakefield cho thấy, Việt Nam đang tham gia ngày càng sâu, rộng vào thương mại toàn cầu thông qua các FTA, tăng cường các mối quan hệ đối tác chiến lược và chiến lược Trung Quốc +1 của các nhà sản xuất lớn. Mặt khác, nhu cầu thị trường đang dần phục hồi trở lại nhờ dòng vốn FDI mới vào Việt Nam và tiêu dùng nội địa tăng.
Do vậy, các chủ đầu tư khu công nghiệp (KCN) đang chuẩn bị dự án cho tương lai để đón làn sóng đầu tư mới. Dự kiến từ nay đến năm 2027, khoảng 6.200 ha đất khu công nghiệp sẽ gia nhập thị trường.
Tại TP. Hồ Chí Minh trong nhiều năm liền không có nguồn cung mới, thị trường bất động sản công nghiệp tại đây xem như đã chạm ngưỡng giá thuê trung bình ở mức 230 USD/m2/kỳ hạn và tỷ lệ lấp đầy trung bình trong KCN đạt 90%.
Trong khi đó, diễn biến thị trường tích cực trong quý với diện tích hấp thụ ròng đạt 79 ha. Bình Dương, Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu mỗi tỉnh đều ghi nhận lượng hấp thụ thuần trên 20 ha.
Nhu cầu thuê đất KCN trong quý này đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, từ các ngành giá trị gia tăng cao như điện tử, dược phẩm, đến các ngành truyền thống như nhựa, sản xuất phương tiện và thức ăn chăn nuôi.
Trong bối cảnh nhu cầu đất KCN cao, giá chào sơ cấp trung bình KCN ghi nhận ở mức 176 USD/m2/thời hạn, tăng 2,9% theo quý và 4,8% theo năm.
Cùng với thị trường đất KCN, thị trường nhà xưởng xây sẵn (RBF) đã hưởng lợi rất nhiều từ làn sóng đầu tư, với tổng diện tích hấp thụ thuần được ghi nhận vào khoảng 172.000 m2.
Bình Dương dẫn đầu về lượng hấp thụ nhà xưởng xây sẵn
Nhu cầu thuê nhà xưởng xây sẵn trong quý này đến từ các ngành vốn là thế mạnh hiện có của khu kinh tế trọng điểm miền Nam như: Sản xuất phương tiện, Máy móc & Thiết bị và Dệt may. Trong đó, tỉnh Bình Dương dẫn đầu về lượng hấp thụ với tỷ lệ đóng góp là 59%.
Một dự án nhà xưởng xây sẵn mới ra mắt tại tỉnh Bình Dương là dự án BW Bàu Bàng 06, đưa gần 300.000 m2 vào thị trường và dự án nhà kho xây sẵn (RBW) mới đã được triển khai trong quý này, đó là dự án BW Đồng An 2, với quy mô tổng diện tích sàn (GFA) là 19.000 m2.
Bên cạnh đó, 2 dự án tại Bình Dương và Long An được chuyển đổi chức năng từ nhà kho thành nhà xưởng khiến nguồn cung giảm trong quý.
Trong quý II/2024, lượng hấp thụ thuần loại hình RBW được ghi nhận vào khoảng 74.000 m2. Tỉnh Đồng Nai dẫn đầu về nhu cầu nhà kho với hơn 23.000 m2 được hấp thụ. Giá thuê trung bình của RBW được ghi nhận ở mức 4,5USD/m2/tháng, ổn định theo quý và tăng 1,2% theo năm.
Xu hướng chuyển đổi dự án sẽ còn tiếp diễn
Về triển vọng thị trường trong thời gian tới, Cushman & Wakefield cho rằng, sự tham gia của Việt Nam vào thương mại toàn cầu thông qua các FTA, tăng cường các mối quan hệ đối tác chiến lược và chiến lược Trung Quốc+1 của các nhà sản xuất lớn sẽ tiếp tục thúc đẩy thị trường bất động sản công nghiệp. Hiện các chủ đầu tư KCN đang chuẩn bị dự án tương lai để đón làn sóng đầu tư. Dự kiến từ nay đến năm 2027, khoảng 6.200 ha đất khu công nghiệp sẽ gia nhập thị trường.
Ngoài ra, các nhà đầu tư và nhà sản xuất đang có xu hướng tìm đến các tỉnh xa hơn, ở miền Trung và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhờ giá đất cạnh tranh và hệ thống cơ sở hạ tầng không ngừng được cải thiện.
Trong giai đoạn 2024 – 2027, thị trường nhà xưởng xây sẵn sẽ chào đón nguồn cung tương lai khoảng 1,4 triệu m2 sàn. Theo làn sóng đầu tư vào đất công nghiệp, nhu cầu thuê xưởng dự kiến vẫn duy trì tốt do chi phí đầu tư ban đầu thấp, tiết kiệm thời gian và linh hoạt hơn cho các nhà đầu tư.
Sẽ có khoảng 1,9 triệu m2 sàn nguồn cung nhà kho xây sẵn gia nhập thị trường trong giai đoạn 2024 – 2027 với 55% nguồn cung mới tương lai sẽ toạ lạc tại tỉnh Đồng Nai, nơi đặt Sân bay Quốc tế Long Thành.
“Trong khi nhu cầu về kho bãi chậm lại trong thời gian gần đây, nhu cầu thuê xưởng vẫn duy trì tốt theo dòng vốn FDI vào Việt Nam, các chủ đầu tư đã chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi này để vận hành ổn định tài sản và đảm bảo dòng tiền”, báo cáo nhấn mạnh.