MWG báo lãi gần 1.200 tỷ đồng, Bách Hóa Xanh bắt đầu “mang tiền về cho mẹ”
Kết thúc quý II/2024, MWG lãi sau thuế 1.172 tỷ đồng, cao gấp 67 lần cùng kỳ. Đáng chú ý là chuỗi Bách hóa Xanh đã có lãi khoảng 7 tỷ đồng trong quý II vừa qua.
Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với doanh thu thuần đạt 34.234 tỷ đồng, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2023. Giá vốn tăng chậm hơn giúp lãi gộp tăng 34% so với cùng kỳ, lên 7.308 tỷ đồng, kéo biên lãi gộp cải thiện lên mức 21,4%, từ mức 18,5% của cùng kỳ.
Doanh thu tài chính giảm nhẹ 5 tỷ đồng so với cùng kỳ, xuống 580 tỷ đồng. Chi phí tài chính và chi phí bán hàng cũng giảm không đáng kể, lần lượt ở mức 294 và 5.056 tỷ đồng. Riêng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến gấp 3,5 lần lên hơn 813 tỷ đồng, chủ yếu do tăng chi phí nhân viên.
Sau khi trừ chi phí và thuế, MWG báo lãi sau thuế 1.172 tỷ đồng trong quý II, gấp 67 lần cùng kỳ năm 2023. Đây là quý thứ 4 liên tiếp lợi nhuận của MWG tăng trưởng dương so với quý liền trước và cũng là mức lãi sau thuế cao nhất trong 9 quý gần đây.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, MWG ghi nhận doanh thu thuần đạt 65.621 tỷ đồng, tăng 16% so với bán niên 2023 và lợi nhuận sau thuế đạt 2.075 tỷ đồng, gấp 53,6 lần cùng kỳ.
Năm 2024, MWG đặt mục tiêu doanh thu 125.000 tỷ đồng, tăng 5% và lợi nhuận sau thuế 2.400 tỷ đồng, gấp hơn 14 lần thực hiện 2023. Như vậy, sau nửa đầu năm, “ông lớn” bán lẻ này đã thực hiện được gần 52,5% kế hoạch doanh thu và 86,5% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Xét về cơ cấu doanh thu trong 6 tháng đầu năm, chuỗi Điện máy Xanh (ĐMX) vẫn đóng góp tỷ trọng lớn nhất, chiếm 46,9%, tiếp đến là Bách Hóa Xanh (BHX) đóng góp 29,7%, Thế Giới Di Động đã bao gồm TopZone (TGDĐ) đóng góp 20,6%.
Cụ thể, 2 chuỗi TGDĐ và ĐMX ghi nhận tổng doanh thu đạt 44.200 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 6 vừa qua, 2 chuỗi này đạt tổng doanh thu 7.300 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ và giảm nhẹ so với tháng liền trước do qua mùa cao điểm máy lạnh.
Theo MWG, trong tháng 6 hầu hết các ngành hàng đang ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan, đặc biệt là sản phẩm điện thoại tiếp tục tăng trưởng doanh số so với tháng liền trước và tivi tăng trưởng 2 chữ số so với tháng 5 nhờ hưởng lợi từ sự kiện bóng đá.
Với chuỗi BHX, lũy kế 6 tháng đầu năm doanh thu đạt 19.400 tỷ đồng, tăng trưởng 42% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 6, chuỗi bán lẻ này thu về 3.600 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 5% so với tháng 5 liền trước với đà tăng từ cả hai ngành hàng chính gồm hàng tươi sống và FMCGs.
Đặc biệt trong tháng 6 vừa qua, doanh thu bình quân của BHX thiết lập ngưỡng kỷ lục 2,1 tỷ đồng/cửa hàng/tháng. Với con số này, chuỗi bách hóa của MWG đã bắt đầu “mang tiền về” cho công ty mẹ. Theo đó, tại phần thuyết minh báo cáo tài chính quý II/2024, khoản lỗ thuế của BHX phát sinh trong năm 2024 ghi nhận tại thời điểm ngày 30/6/2024 là hơn 98 tỷ đồng, giảm khoảng 7 tỷ đồng so với con số hơn 105 tỷ đồng ghi nhận trên báo cáo tài chính quý I/2024, cho thấy chuỗi này đã có lãi khoảng 7 tỷ đồng trong quý II vừa qua.
Về tình hình tài chính, đến cuối quý II, tổng tài sản của MWG đạt 65.870 tỷ đồng, tăng gần 5.760 tỷ (tương đương 9,6%) so với đầu năm. Trong đó, số dư tiền, tương đương tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 6.600 tỷ đồng so với đầu năm lên gần 31.000 tỷ đồng, chiếm 47% tổng tài sản. Các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng 38% so với đầu năm lên 7.120 tỷ đồng, trong khi hàng tồn kho giảm gần 800 tỷ đồng, xuống 21.040 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối, MWG có gần 39.400 tỷ đồng nợ phải trả, tăng 7% so với đầu năm và chiếm khoảng 60% tổng nguồn vốn. Tổng nợ vay ở mức hơn 23.000 tỷ đồng, giảm khoảng 2.000 tỷ đồng (tương ứng 8%) so với đầu năm, trong đó vay ngắn hạn gần 16.900 tỷ đồng, giảm 12%.
Tính đến cuối tháng 6, MWG đang vận hành 1.046 cửa hàng TGDĐ (bao gồm Topzone), giảm 24 cửa hàng so với cuối tháng 5. Tương tự, chuỗi ĐMX cũng đóng cửa 87 cửa hàng, thu hẹp quy mô còn 2.093 cửa hàng. Trong khi chuỗi nhà thuốc An Khang giảm mạnh 45 cửa hàng trong tháng 6, còn 481 cửa hàng hoạt động.
Ngược lại chuỗi Bách Hóa Xanh tăng 3 cửa hàng so với tháng trước lên 1.701 cửa hàng, chuỗi EraBlue cũng tăng 2 cửa hàng lên 61 cửa hàng, trong khi chuỗi AVAKids vận hành ổn định với 64 cửa hàng.