Hòa Phát lãi sau thuế 3.320 tỷ đồng trong quý II, gấp gần 2,3 lần cùng kỳ
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Hòa Phát ghi nhận 71.029 tỷ đồng doanh thu, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2023 và lợi nhuận sau thuế 6.189 tỷ đồng, gấp gần 3,4 lần cùng kỳ.
Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 với doanh thu thuần đạt 39.936 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.320 tỷ đồng, gấp gần 2,3 lần cùng kỳ.
Kết quả tích cực này chủ yếu đến từ doanh thu tăng mạnh, biên lợi nhuận cải thiện (từ 11% lên 13%) và sự chi phí tài chính giảm 21% so với cùng kỳ xuống 1.065 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu, nhóm thép vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với đóng góp 96% cho doanh thu và 91% cho lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Hòa Phát. Nông nghiệp đứng thứ hai về doanh thu và lợi nhuận sau thuế với tỷ trọng lần lượt là 4% và 7%. Bất động sản đóng góp đứng thứ ba với 0,3% doanh thu và 2% lợi nhuận sau thuế.
Trong quý II/2024, sản lượng thép xây dựng của Hòa Phát đạt 1,27 triệu tấn, tăng 33% so với quý trước. Tổng sản lượng ống thép Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường trong quý II là 188 nghìn tấn, tăng 43% so với quý I. Tôn mạ các loại đạt sản lượng 124.000 tấn, tăng 27% với lượng xuất khẩu duy trì tốt, đạt 72.000 tấn.
Tuy nhiên, tiêu thụ thép cuộn cán nóng biến động ngược lại với mức giảm 10% từ 805 nghìn tấn xuống 724 nghìn tấn, nguyên nhân đến từ những khó khăn trong tiêu thụ tại cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Cụ thể, trong nước, lượng thép cuộn cán nóng nhập khẩu giá thấp trong nửa đầu năm 2024 tăng mạnh (6 triệu tấn, tăng gấp rưỡi cùng kỳ 2023 và vượt mức tăng trưởng toàn thị trường) gây nên sức ép lớn cho việc tiêu thụ thép cuộn cán nóng của Hòa Phát tại thị trường nội địa. Cùng với đó, giá HRC tại thị trường Việt Nam tuy có tăng lên một nhịp ngắn trong tháng 2/2024 nhưng đã giảm liên tục từ tháng 3 đến hết quý II/2024.
Thị trường xuất khẩu cũng có nhiều thử thách đến từ tình trạng dư thừa thép cuộn cán nóng cũng như việc tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại tại các quốc gia nhập khẩu. Như vậy tiêu thụ thép xây dựng là động lực giúp tăng trưởng doanh thu của Hòa Phát trong quý này, bù đắp lại sự sụt giảm doanh thu của mặt hàng HRC.
Hòa Phát cho biết, dù giá vốn và các chi phí hoạt động khác vẫn đang được duy trì ổn định nhưng giá thép giảm đã làm các chỉ tiêu biên lợi nhuận quý II của tập đoàn mỏng đi so với quý trước.
Theo đó, biên EBITA giảm từ mức 19,4% trong quý I/2024 xuống 16,4% trong quý II, biên lợi nhuận gộp cũng giảm nhẹ từ 13,4% xuống 13,1% và biên lợi nhuận thuần giảm từ 9,2% xuống 8,3%. Do dó, so với quý I/2024 dù doanh thu hợp nhất quý II tăng 8.844 tỷ đồng, tương ứng tăng 28% nhưng lợi nhuận sau thuế hợp nhất chỉ tăng 450 tỷ đồng, tương ứng với 16%, đạt 3.320 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hòa Phát đã sản xuất 4,37 triệu tấn thép thô, tăng 53% so với lượng sản xuất cùng kỳ năm ngoái. Tổng tiêu thụ thép đạt 4,31 triệu tấn. Doanh thu lũy kế 6 tháng theo đó đạt 71.028 tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 6.189 tỷ đồng, gấp gần 3,4 lần cùng kỳ.
Năm 2024, Hòa Phát đặt mục tiêu đạt doanh thu 140.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 10.000 tỷ đồng, lần lượt tăng tăng 18% và tăng 47% so với kết quả năm 2023. Như vậy, sau nửa năm, công ty đã thực hiện được 50,7% kế hoạch doanh thu và 61,9% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Về tình hình tài chính, tại thời điểm ngày 30/6/2024, tổng tài sản của doanh nghiệp đứng đầu ngành thép đạt hơn 18.800 tỷ đồng, tương ứng 10% so với đầu năm lên 206.609 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho chiếm 40.164 tỷ đồng, tăng 16,4% so với đầu năm; lượng tiền mặt và tiền gửi ở mức 28.346 tỷ đồng, giảm 17,4% so với đầu năm và giảm 18,3% so với con số 34.700 tỷ đồng cuối quý I.
Cùng với việc giảm lượng tiền gửi, bối cảnh lãi suất tiền gửi thấp, cũng khiến lãi tiền gửi của Hòa Phát trong quý này chỉ đạt 287 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ.
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của công ty tăng 15,3% so với đầu năm lên 97.933 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn giảm 1.667 tỷ đồng còn 53.315 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ vay dài hạn tăng mạnh 9.275 tỷ đồng lên 19.675 tỷ đồng. Như vậy, tổng nợ vay tài chính của công ty đến hết quý II/2024 ở mức 72.990 tỷ đồng, tăng 11,6% so với đầu năm nhưng đã giảm hơn 4.500 tỷ đồng so với mức cao kỷ lục hơn 77.500 tỷ đồng vào cuối quý I.
Theo Hòa Phát dư nợ vay dài hạn tăng lên đến từ việc giải ngân đầu tư cho dự án của tập đoàn. Hiện Hòa Phát đang dồn lực triển khai xây dựng dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, quy mô 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm. Đến nay, tiến độ của dự án đã đạt 80% phân kỳ 1 và 50% của phân kỳ 2.
Dự kiến cuối năm 2024 sẽ có những sản phẩm đầu tiên của phân kỳ 1 đưa ra thị trường. Khi hoàn thành dự án Dung Quất 2, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát sẽ đạt trên 14 triệu tấn/năm, tương đương top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.