Chuyên gia: Nên để thị trường tự điều tiết, doanh nghiệp tự quyết định giá xăng dầu
Việc sửa quy định mới về kinh doanh xăng dầu cần hướng vào việc thay đổi cơ chế. Cơ chế quản lý hiện nay là cơ chế quản lý hành chính Nhà nước, nên chuyển sang công cụ thị trường, để thị trường điều tiết, giá kinh doanh xăng dầu cũng để cho các doanh nghiệp tự xác định. Cùng với đó, cần thiết thành lập sàn giao dịch xăng dầu để khắc phục những bất ổn của thị trường thời gian qua.
Đó là nhận định của các chuyên gia tại tọa đàm: "Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây.
Để thị trường tự điều tiết
Trước những bất cập trong cơ chế điều hành xăng dầu hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cho rằng cần có cơ chế xác định cái gì thuộc về thị trường để các doanh nghiệp quyết định.
"Với quản lý Nhà nước, theo tôi đầu tiên là bảo đảm an ninh năng lượng, bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu cho nền kinh tế này. Thứ hai, bảo đảm quản lý về mặt bằng giá chung để làm sao không có tác động mạnh hoặc khi thế giới biến động mạnh thì chúng ta sử dụng những chính sách tài khóa thông qua thuế, cơ chế về bình ổn để xử lý. Còn lại, hãy để thị trường vận hành", ông Bùi Ngọc Bảo nêu quan điểm.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, nhận định, xăng dầu là mặt hàng mang tính chiến lược. Nếu giá xăng dầu tăng sẽ tác động đến chi phí vận chuyển, đầu vào sản xuất... Việt Nam bình ổn giá xăng dầu thông qua 3 công cụ: Điều hành thông qua giá cơ sở; công cụ thuế; trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu. “Chúng ta đang sử dụng công cụ khá tổng hợp như nhiều quốc gia. Trong đó, nhà nước có vai trò lớn trong việc điều hành giá xăng dầu. Điều này thể hiện trong nhiều lần biến động lớn của giá xăng dầu trên thế giới, nhưng với các công cụ bình ổn, chúng ta đã không tạo ra cú sốc bất thường trên thị trường”, ông Hoàng Văn Cường phân tích.
Tuy nhiên, theo ông Cường, công tác quản lý điều hành xăng dầu hiện nay còn nhiều bất cập. Mặc dù Nhà nước kiểm soát giá nhưng vẫn phải theo sự biến động bất thường của giá thị trường thế giới. Bên cạnh đó, Nhà nước vẫn dùng công cụ hành chính nhà nước áp đặt cho công ty kinh doanh xăng dầu dẫn đến việc không đảm bảo lợi nhuận như doanh nghiệp tính toán.
“Việc dùng công cụ thuế hay trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu thực chất là chúng ta đang dùng sức mạnh về ngân sách, nguồn lực của người dân để bình ổn giá mà chưa dùng công cụ thị trường. Điều này dẫn đến chính sách hơi ''cào bằng'', doanh nghiệp kinh doanh tốt hay kém đều bán với giá như nhau. Việc này sẽ không tạo ra được giá bán cạnh tranh trên thị trường”, ông Cường nhìn nhận.
Ủng hộ quan điểm cần sửa đổi những tồn tại trong Nghị định 83/2014/NĐ-CP về điều hành xăng dầu, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng: Việc sửa đổi chính sách quản lý phải hướng vào việc thay đổi cơ chế. Cơ chế quản lý hiện nay là cơ chế quản lý hành chính Nhà nước nên chuyển sang công cụ thị trường, để thị trường điều tiết, giá kinh doanh thế nào cũng để cho các doanh nghiệp tự xác định giá.
“Nhà nước không can thiệp nhưng Nhà nước cần có công cụ điều tiết. Nếu như doanh nghiệp bán với giá phi thị trường hay liên kết với nhau để bán với giá cao thì phải chịu sự điều tiết của Nhà nước. Hai công cụ thuế là thuế nhập khẩu và thuế thu nhập có thể dùng để điều tiết, buộc doanh nghiệp phải nghĩ đến chuyện tăng lượng bán lên, bán với giá thấp hơn thì lợi ích nhiều hơn là chuyện khống chế lượng bán để tăng giá. Muốn có được công cụ thị trường để cạnh tranh thì chúng ta phải có thị trường cạnh tranh mà muốn có thị trường cạnh tranh thì việc mua bán để thị trường quyết định, trăm người bán, vạn người mua”, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường nói.
Thành lập Sàn giao dịch xăng dầu tạo cơ hội cho tất cả các nhà đầu tư
Trước các bất cập của thị trường xăng dầu có nhiều ý kiến cho rằng nên thành lập sàn giao dịch xăng dầu. Ngày 18/7 Văn phòng Chính phủ có Công văn số 5124/VPCP-TH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc nghiên cứu thông tin báo chí phản ánh kiến nghị về việc thành lập Sàn giao dịch xăng dầu nhằm tăng tính công khai, minh bạch, khắc phục những bất ổn của thị trường xăng dầu thời gian qua, trên cơ sở đó có giải pháp triển khai phù hợp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nêu quan điểm: Việc thành lập Sàn giao dịch xăng dầu là cần thiết. Bởi sàn giao dịch xăng dầu sẽ giúp tăng cường tính minh bạch, công khai về giá cả, giao dịch, giảm thiểu rủi ro. Đồng thời, tạo cơ hội cho tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều có quyền tham gia.
Thêm vào đó, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng việc quản lý rủi ro trên sàn giao dịch này bằng các phương thức giao dịch như hợp đồng, hợp đồng phái sinh sẽ tốt hơn. Và lợi ích cuối cùng, đó là sàn giao dịch xăng dầu được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh đối với các sàn giao dịch khác cũng như thúc đẩy sự phát triển cơ sở hạ tầng tài chính, dịch vụ tài chính Ngân hàng, chứng khoán…
“Sàn giao dịch sẽ tạo ra thị trường xăng dầu công khai, minh bạch hơn và giảm độc quyền. Hiện nay, có 39 doanh nghiệp kinh doanh đầu mối, trong đó 6 doanh nghiệp lớn nhất chiếm thị phần tương đối lớn khoảng 88%. Phần lớn các doanh nghiệp này đều có vốn của Nhà nước, cho nên khi có Sàn giao dịch thị phần sẽ được chia lại, khu vực tư nhân sẽ tham gia sâu hơn vào thị trường xăng dầu. Đồng thời, mức độ cạnh tranh sẽ tăng lên được lợi cho người tiêu dùng và nền kinh tế”, chuyên gia Ngô Trí Long phân tích.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm thì chuyên gia Ngô Trí Long cũng nêu một số thách thức như: chi phí ban đầu lớn, cần cơ chế quản lý giám sát chặt chẽ ngăn chặn được sự thao túng thị trường, năng lực tham gia của các doanh nghiệp, rủi ro về thị trường và phải tương thích với các quy định quốc tế. “Việc thành lập Sàn giao dịch xăng dầu là đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên để quản lý, vận hành sàn giao dịch một cách hiệu quả, đáp ứng được mục tiêu và mục đích đặt ra cần phải có thời gian nghiên cứu, đánh giá hết sức kỹ lưỡng, sự đồng thuận, quyết tâm của Chính phủ và các cơ quan liên quan. Trước mắt, theo tôi nên cho phép giao dịch lưu thông các mặt hàng năng lượng tại Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam như trước kia để đáp ứng nhu cầu bảo hiểm và nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp”, chuyên gia Ngô Trí Long đề nghị.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường đồng tình với việc nên có sàn giao dịch xăng dầu. Tuy nhiên, ông Cường cho rằng sàn giao dịch phải cho phép được giao dịch mua bán tự do và có thể tính đến việc người bán lẻ có được quyền mua của nhiều nhà cung cấp. Từ đó, khuyến khích các nhà đầu mối phân phối tìm cách dự trữ xăng dầu tốt nhất. Như vậy, dù giá xăng dầu thế giới có biến động vẫn có thể bán ra với giá thấp hơn và có sự cạnh tranh với những nhà phân phối khác, góp phần tạo ra sự cạnh tranh để giá xăng đầu thấp hơn mà không đẩy giá lên cao ngay khi giá thế giới tăng.