Bạc Liêu: Ngân hàng tiếp tục “bơm vốn” cho nền kinh tế địa phương
Xác định doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và tham gia giải quyết các công tác an sinh xã hội, nhất là việc làm và tạo thu nhập cho người lao động, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bạch Liêu đã tập trung thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tạo môi trường thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng thông qua chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp.
Ông Lê Văn Măng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bạc Liêu chia sẻ, với quyết tâm tăng trưởng cao, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã tích cực đầu tư vốn cho nền kinh tế với tổng vốn cho vay đến nay đạt hơn 43.172 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm 2023, lãi suất cho vay từ đầu năm 2024 đến nay không cao, ở nhiều lĩnh vực thế mạnh lãi suất cho vay vẫn ở mức khoảng 7%/năm.
Dù tỷ lệ nợ xấu ở một số ngân hàng thương mại hiện nay khá cao và vượt 3% tổng dư nợ. Đây thật sự trở thành áp lực trong việc tái đầu tư, nhưng nhiều ngân hàng vẫn mạnh dạn cho vay mới để doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Đồng thời, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, ngoài giảm lãi suất cho vay, còn gia hạn thời gian thanh toán nợ. Nhờ vậy, các lĩnh vực thế mạnh về kinh tế được duy trì và phát huy, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, với sự tham gia tích cực của Ngân hàng Agribank Bạc Liêu đầu tư cho phát triển sản xuất đến nay hơn 11.740 tỷ đồng.
Để giải quyết những khó khăn hiện nay và tiếp tục “bơm vốn” vào nền kinh tế, các chi nhánh ngân hàng thương mại đã có giải pháp và quyết tâm thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024. Đặc biệt, đối với các ngân hàng trong những tháng đầu năm có tăng trưởng âm đã nỗ lực đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm thông qua các giải pháp kích cầu đầu tư và khuyến khích doanh nghiệp vay vốn phục vụ cho thị trường cuối năm.
Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng và có giải pháp hiệu quả đẩy mạnh triển khai các chương trình chính sách tín dụng theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP. Đồng thời, cân đối nguồn vốn, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay.
Bên cạnh đó, hoạt động cho vay tín dụng chính sách trên địa bàn cũng được phát huy hiệu quả. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2024, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tích cực triển khai cho vay các Chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng được thụ hưởng chính sách giảm nghèo khác trên địa bàn tỉnh với tổng dư nợ cho vay hơn 330,2 tỷ đồng, với 9.907 lượt hộ vay. Từ các nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo có điều kiện sản xuất, tự tạo việc làm, góp phần tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống và chống tái nghèo.
Từ nay đến cuối năm 2024, NHCSXH tỉnh đảm bảo cung cấp tín dụng ưu đãi theo quy định của Chính phủ cho các hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo có nhu cầu vốn để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao mức sống, hạn chế thấp nhất tái nghèo và phát sinh hộ nghèo.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bạc Liêu đã quán triệt các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm về công tác tín dụng và hoạt động ngân hàng theo Chỉ thị 01.
Tiếp tục triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế địa phương.
Thực hiện tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay để nỗ lực phấn đấu giảm 1% -2%/năm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Đẩy mạnh tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng nhiều hình thức; đồng thời tích cực triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng.