Cho vay nông nghiệp công nghệ cao: 7 khó khăn cần tháo gỡ
Là ngân hàng chủ lực cho vay nông nghiệp, nông thôn nói chung, nông nghiệp công nghệ cao (CNC) nói riêng, đến nay doanh số cho vay nông nghiệp CNC từ khi bắt đầu triển khai chương trình của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) đã đạt trên 25.000 tỷ đồng, dư nợ còn trên 2.000 tỷ đồng với hơn 300 khách hàng còn dư nợ . Tuy nhiên nhiều khó khăn vướng mắc phát sinh.
Khó khăn, vướng mắc…
Tại "Diễn đàn Nông nghiệp 2024: Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức vừa qua, ông Lê Văn Tuấn, Phó trưởng Ban Chính sách tín dụng Agribank đã chỉ ra 7 khó khăn vướng mắc trong triển khai cho vay nông nghiêp CNC.
Thứ nhất, chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp CNC ở nước ta thời gian qua còn một số bất cập như: Việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng làm thủ tục thế chấp vay ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn; Tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch còn chung chung, chưa quy định cơ quan nào xác nhận các tiêu chí của dự án, nên ngân hàng thương mại thiếu căn cứ để xác định cho vay theo Chương trình.
Thứ hai, thiếu nguồn vốn đầu tư để phát triển nông nghiệp CNC. Đây là một yếu tố quan trọng, bởi lẽ, để phát triển nông nghiệp CNC, trước tiên phải có vốn đầu tư lớn cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng, xử lý môi trường, đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, máy móc, công nghệ, đào tạo người lao động, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm… Ước tính, ngoài chi phí vốn đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng, giống, đào tạo người lao động… để xây dựng được một trang trại chăn nuôi quy mô vừa theo mô hình nông nghiệp CNC, cần khoảng 140-150 tỷ đồng (gấp 4-5 lần so với trang trại chăn nuôi truyền thống); 1 ha nhà kính hoàn chỉnh với hệ thống tưới nước, bón phân có kiểm soát tự động theo công nghệ của Israel cần ít nhất từ 10 tỷ đồng đến 15 tỷ đồng.
Thứ ba, việc tích tụ đất đai và kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn còn nhiều bất cập. Để sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, cần phải có diện tích đất quy mô lớn, ở vị trí thuận lợi cho sản xuất và lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, việc phát triển nông nghiệp còn thiếu quy hoạch, quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất còn chậm. Chính sách đất nông nghiệp chưa khuyến khích nông dân bảo vệ đất và đầu tư dài hạn vào đất. Thêm vào đó, đất sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện nay vẫn còn rất manh mún. Với tình trạng này, nếu Nhà nước và các cấp chính quyền không có những giải pháp thúc đẩy tích tụ tập trung những diện tích đất đai nhỏ lẻ để xây dựng cánh đồng mẫu lớn, thì khó có thể khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất, xây dựng nông trang, ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp.
Những năm gần đây do thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn ở nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Song, so với yêu cầu của sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, ứng dụng CNC, thì vẫn còn khoảng cách khá xa. Hệ thống đường nông thôn chưa theo kịp với tốc độ phát triển và tiềm lực của các vùng kinh tế sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp sẽ là một trở ngại lớn cho các doanh nghiệp khi muốn đầu tư phát triển nông nghiệp CNC.
Thứ tư, khó khăn về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Thực tế cho thấy, năng lực nội sinh lĩnh vực khoa học công nghệ trong nông nghiệp của nước ta còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất. Bất cập trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; Công nghệ chế biến sâu chưa làm chủ được, các doanh nghiệp vẫn phải nhận chuyển giao từ nước ngoài... là những rào cản cho phát triển nông nghiệp CNC thời gian qua.
Thứ năm, tính tuân thủ của các bên khi tham gia chuỗi giá trị và thị trưởng bảo hiểm nông nghiệp vẫn chưa phát triển tương xứng. Việc tuân thủ hợp đồng nông nghiệp của các đơn vị trong chuỗi giá trị còn nhiều bất cập, thiếu biện pháp xử lý để tăng tính ràng buộc. Bên cạnh đó, lĩnh vực nông nghiệp có rủi ro lớn nhưng số lượng doanh nghiệp tham gia bảo hiểm còn hạn chế, sản phẩm bảo hiểm còn đơn điệu. Mặt khác, bản chất của ngành nông nghiệp là gắn liền với rủi ro nên các doanh nghiệp bảo hiểm cũng chưa mặn mà.
Thứ sáu, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn hẹp, không ổn định, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế sản xuất một số sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư. Sản xuất nông nghiệp CNC sẽ tạo ra một số lượng nông sản lớn, nếu không tính toán kỹ về thị trường sản phẩm làm ra sẽ không tiêu thụ hoặc khó tiêu thụ được. Phần lớn nông sản của Việt Nam xuất khẩu mới chỉ ở dạng thô, sơ chế, giá trị gia tăng thấp, nhiều loại nông, lâm, thủy sản chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế, khả năng cạnh tranh thấp.
Thứ bảy, chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, lao động nông nghiệp trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo là 12,57 triệu người, chiếm 89,97% tổng số lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản trong độ tuổi lao động. Trình độ lao động đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp cận với khoa học và công nghệ hiện đại. Trong khi đó, việc đào tạo đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta còn nhiều bất cập, chưa bám sát yêu cầu của thực tế.
Đâu là giải pháp?
Khẳng định phát triển nông nghiệp CNC là cần thiết đối với các quốc gia trên thế giới và đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, theo đại diện Agribank, thực tế cho thấy, quá trình ứng dụng CNC trong nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt để giải quyết
Tại Diễn đàn, Agribank đề nghị cần có cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp CNC. Theo đó, các bộ ngành cần nhanh chóng ban hành các khung pháp lý, quy định và hướng dẫn liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp CNC, tài chính xanh nhằm khơi thông hành lang pháp lý cho các DN cũng như tổ chức tài chính tham gia vào thị trường nông nghiệp CNC, tài chính xanh. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ chi phí thiết kế đồng ruộng, cơ sở hạ tầng, tạo vùng sản xuất tập trung chuyên canh sản xuất hàng hóa, thuận tiện cho áp dụng cơ giới hóa để sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC; Hỗ trợ chi phí đo đạc, lập hồ sơ, chuyển đổi đất đai giữa các tổ chức, hộ nông dân, doanh nghiệp tham gia đầu tư trong vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC,….
Cùng với đó, phát triển thị trường, dịch vụ hỗ trợ hoạt động ứng dụng CNC trong tiêu thụ nông sản. Đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần được hỗ trợ xúc tiến thị trường thông qua nhiều hình thức, như: tham gia hội nghị, hội thảo, hội chợ ở nước ngoài, hỗ trợ các doanh nghiệp và nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp CNC; hỗ trợ và khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác quảng bá và bán sản phẩm thông qua các ứng dụng mua sắm trực tuyến, mạng xã hội.
Đặc biệt, về khoa học - công nghệ, cần tiến hành xây dựng các mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ để đưa vào phục vụ nông nghiệp. Phối hợp với các sở, ngành, viện, trường, các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp, các tổ chức nước ngoài tập hợp các dữ liệu, tài liệu, mô hình đã có.
Cần xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp từng bước phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế (Global Gap); tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe cộng đồng.
Về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực , đại diện Agribank đề xuất, các trường đại học, viện, học viện cần có các chương trình đào tạo đảm bảo chất lượng, thu hút được lao động trẻ, có năng lực, trình độ nghiên cứu về ứng dụng CNC trong nông nghiệp (công nghệ sinh học, chế tạo máy móc phục vụ sản xuất, sơ chế, kỹ thuật nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chế biến các sản phẩm nông- lâm - thủy sản,…).
Bên cạnh đó, cần đào tạo nâng cao kỹ thuật, kỹ năng sử dụng vận hành công nghệ và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, kỹ năng ứng dụng CNC trong nông nghiệp cho cán bộ quản lý khoa học - công nghệ, cán bộ kỹ thuật, cán bộ nghiên cứu, nhân lực của DN, kỹ thuật viên của hợp tác xã, tổ hợp tác; đào tạo tay nghề ngắn hạn và thường xuyên cho nông dân, tập huấn cho các doanh nghiệp, nông dân về kiến thức CNC trong nông nghiệp.
Ngay khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 813/QĐ-NHNN (ngày 24/4/2017) chỉ đạo các ngân hàng thương mai triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch. Agribank đã hưởng ứng mạnh mẽ triển khai ngay lập tức gói tín dụng 50.000 tỷ đồng và là ngân hàng có mức cam kết cho vay cao nhất trong tổng các ngân hàng thương mại đăng ký tham gia. Theo đó, Agribank giảm lãi suất cho vay từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm cho khách hàng tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch. Bên cạnh đó, khách hàng vay vốn theo chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch của Agribank được miễn phí chuyển tiền trong hệ thống Agribank, giảm 50% theo mức phí quy định hiện hành của Agribank đối với chuyển tiền ngoài hệ thống Agribank…
Kết quả đến nay, doanh số cho vay từ khi bắt đầu triển khai chương trình của Agribank đã đạt trên 25.000 tỷ đồng, dư nợ còn trên 2.000 tỷ đồng với hơn 300 khách hàng còn dư nợ (trong đó, hơn 98% khách hàng là cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại,...).
Một số dự án lớn Agribank đã đầu tư như: Dự án nhà máy chế biến rau quả thực phẩm, nông sản xuất khẩu tại An Giang, Vĩnh Long (doanh số cho vay hon 4.100 tỷ đồng); các Dự án nuôi tôm giống, tôm thịt, nuôi bò sữa tại Ninh Thuận (doanh số cho vay hơn 3.700 tỷ đồng); Dự án chế biến và kinh doanh lúa gạo tại tỉnh Đồng Tháp (doanh số cho vay gần 2.300 tỷ đồng); Các Dự án sản xuất thức ăn chăn nuôi sạch tại tỉnh Hà Nam (doanh số cho vay gần 5.000 tỷ đồng); Các Dự án chế biến thủy, hải sản tại Hải Phòng, Kiên Giang (doanh số cho vay của Agribank trên 3.500 tỷ đồng).
Các mô hình do Agribank đầu tư đã mang lại hiệu quả thiết thực như: trồng rau, hoa, quả (Lâm Đồng), chế biến rau quả (Ninh Bình), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), chăn nuôi (Bắc Ninh, Lào Cai, Hà Nam, Đồng Nai,…), trồng hoa lan, nuôi bò sữa (Củ Chi), thức ăn, chăn nuôi heo, gà đẻ trứng (Bình Phước, Thanh Hóa), chanh dây, hoa quả và rau an toàn ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên (Đăk Nông, Kon Tum), thanh long theo tiêu chuẩn VietGap (Bình Thuận)…