Chứng khoán

Ngân hàng, chứng khoán nổi sóng, VN-Index hồi phục mạnh

Q.L {Ngày xuất bản}

Dòng tiền giải ngân bắt đáy giúp VN-Index có cú lội ngược dòng ngoạn mục và kết tuần bằng một phiên giao dịch khởi sắc.

uegf.jpg
Diễn biến VN-Index

Mở cửa phiên cuối tuần (2/8), VN-Index giảm điểm ngay đầu phiên với sắc đỏ bao phủ diện rộng. Xuyên suốt thời gian giao dịch trong phiên sáng, chỉ số chung vận động giằng co với thanh khoản thấp thể hiện sự thờ ơ của nhà đầu tư.

Tuy nhiên vào phiên chiều, lực cầu bắt đáy có tín hiệu gia tăng cùng sắc xanh trở lại ở một số cổ phiếu blue-chips như HPG, GVR, DGC, BID và một số nhóm cổ phiếu mid-cap giúp thị trường dần thu hẹp biên độ giảm và lấy lại sắc xanh. Diễn biến này cho thấy thị trường đang có dấu hiệu chấp nhận vùng giá này và bắt đầu giải ngân bắt đáy.

0802.jpg
Bản đồ thị trường

Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu chứng khoán dẫn dắt thị trường khi hàng loạt mã đều tìm đến mức giá cao nhất trong ngày, thậm chí BSI, CTS, FTS đều kéo trần thành công, tiếp theo là AGR tăng 4,9%, VDS tăng 4,6%..., cổ phiếu VIX vẫn giao dịch sôi động nhất thị trường với 24,82 triệu đơn vị khớp lệnh.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đua nhau khởi sắc với MBB tăng 1,7%, VPB tăng 1,1%, TCB tăng 2,2%, STB tăng 1,2%, TPB và CTG cùng tăng nhẹ, thanh khoản các mã này đều đạt hơn chục triệu đơn vị.

Thanh khoản hôm nay sụt giảm so với phiên hôm qua, giá trị giao dịch cả 3 sàn đạt khoảng 17.813 tỷ đồng.

Khối ngoại đóng góp vào sắc xanh của thị trường chung bằng một phiên mua ròng với tổng giá trị ròng đạt 794,67 tỷ đồng, tập trung mua VNM, POW, HPG.

image(6).png
Giao dịch thị trường

Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, sàn HOSE có 267 mã tăng và 160 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 9,64 điểm (+0,79%) lên 1.236,6 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 696,66 triệu đơn vị, giá trị 16.387,2 tỷ đồng, giảm 22,35% về khối lượng và 23,41% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp xấp xỉ 39 triệu đơn vị, giá trị hơn 720 tỷ đồng.

Sàn HNX có 94 mã tăng và 71 mã giảm, HNX-Index tăng 2,33 điểm (+1,02%) lên 231,56 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 56,5 triệu đơn vị, giá trị 1.025 tỷ đồng, giảm 41% về khối lượng và 43% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,6 triệu đơn vị, giá trị 115 tỷ đồng.

Sàn UPCoM có 163 mã tăng và 152 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,25 điểm (+0,27%) lên 93,77 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 27 triệu đơn vị, giá trị 400,68 tỷ đồng, giảm 47% về khối lượng và 46% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 23,2 triệu đơn vị, giá trị 325 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều biến động nhẹ, với 2 mã tăng, 1 mã giảm và 1 mã đứng giá tham chiếu, trong đó VN30F2408 tăng 0,9 điểm, tương đương +0,1% lên 1.275,9 điểm, với giao dịch sôi động nhất, đạt hơn 2,7 triệu đơn vị khớp lệnh, khối lượng mở 55.375 đơn vị.

Thị trường trong tuần ghi nhận diễn biến rung lắc biên độ rộng và lùi về khu vực quanh 1.210 trước khi hồi lại lên mốc 1.235 điểm. Sau 3 phiên đầu tuần duy trì được vận động ở khu vực 1.240-1.250, VN-Index bất ngờ có biến động điều chỉnh mạnh ở 2 phiên cuối tuần.

CTCK Vietcombank (VCBS) đánh giá, áp lực bán trong tuần qua chưa phải ở mức xả hàng mạnh mẽ nhưng lực cầu dần suy yếu qua các phiên cho thấy những lo lắng hiện hữu của nhà đầu tư và sự thụ động của dòng tiền. Tuy nhóm cổ phiếu blue-chips cũng đã nỗ lực đóng góp cho chỉ số nhưng cũng không đủ để nâng đỡ cả thị trường. Về phía khối ngoại, trong tuần này giao dịch khối này đã nghiêng nhiều hơn về mua ròng cho thấy dấu hiệu bán ròng đang dần hạ nhiệt.

VCBS khuyến nghị, các nhà đầu tư nên tận dụng những phiên hồi phục cơ cấu lại danh mục, loại bỏ những mã giảm vi phạm vùng cắt lỗ, cũng như không duy trì được vùng nền hỗ trợ và chỉ nên giữ lại các cổ phiếu có diễn biến hồi phục theo thị trường ở tỉ trọng nhỏ để phòng ngừa rủi ro hiệu quả hơn. Tại thời điểm các chỉ báo kỹ thuật chưa hoàn toàn đồng thuận về xu hướng của thị trường, nhà đầu tư nên thận trọng trước những quyết định giải ngân và không nên sử dụng margin trong giao dịch.

CTCK Rồng Việt (VDSC) thận trọng: "Quán tính hồi phục vẫn còn nhưng dự kiến nguồn cung sẽ gia tăng trở lại nên có khả năng thị trường sẽ có trạng thái tranh chấp quanh trong thời gian tới trước khi có tín hiệu cụ thể hơn. Do vậy, vẫn cần thận trọng trước trạng thái bất ổn của thị trường và hạn chế mua đuổi theo giá tăng. Đồng thời vẫn cần cân nhắc những đợt hồi phục của thị trường để chốt lời hoặc cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro".

Q.L