Tỷ lệ cung ứng nội địa của doanh nghiệp Việt Nam còn khá thấp
Tỷ lệ cung ứng nội địa của Việt Nam chỉ chiếm 41,9%, tuy nhiên, trong số này không chỉ đến từ doanh nghiệp Việt Nam mà có doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam, hay những doanh nghiệp ở các nước lân cận. Tỷ lệ cung ứng nội địa đến từ các doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ chiếm 17,2%, khá thấp so với các nước trong khu vực.
Tỷ lệ cung ứng nội địa từ các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 17,2%
Triển lãm “Công nghiệp phụ trợ Việt Nam - Supporting Industry Show 2024” và “Matalex Vietnam 2024”, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản, Văn phòng TP. Hồ Chí Minh (JETRO) và RX Trader Vietnam phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại TP. Hồ Chí Minh (ITPC) và Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh (CSID) tổ chức được kỳ vọng giúp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện JETRO cho biết, theo khảo sát, có 56,7% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có nguyện vọng muốn mở rộng kinh doanh trong vòng 1-2 năm tới, trong đó ngành sản xuất công nghiệp chiếm 47,1%.
Tính đến tháng 6/2024, vốn đầu tư của Nhật Bản là 1,225 triệu USD, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ, trở thành quốc gia đứng thứ ba về giá trị đầu tư tại Việt Nam (đứng thư hai nếu tính cả vốn góp mua cổ phần).
Tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam năm 2023 được mở rộng là 41,9%, tăng 4,6% so với năm 2022, với tốc độ tăng trưởng 10 năm đứng thứ hai sau Ấn Độ.
Tỷ lệ thu mua từ các doanh nghiệp địa phương Việt Nam tăng trưởng dần qua các năm đạt 17,2%, tăng 2,2 % với cùng kỳ.
Về triển vọng nội địa hóa trong tương lai, có 43,2% doanh nghiệp Nhật Bản phản hồi sẽ mở rộng tại Việt Nam, cao hơn nhiều so với mức trung bình là 28,8% của Asean.
Sự quan tâm của doanh nghiệp Nhật đối Việt Nam luôn đặt lên hàng đầu và không hề hạ nhiệt, cho nên doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm tham dự sự kiện Metalex Vietnam 2024 và Supporting Industry Show 2024.
“Về cung ứng nội địa, Việt Nam hiện chiếm tỷ lệ 41,9%, so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan hay Indonesia thì tỷ lệ này còn thấp. Trong số 41,9% này không chỉ đến từ doanh nghiệp Việt Nam mà có doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam, hay những doanh nghiệp ở các nước lân cận.
Tỷ lệ cung ứng nội địa đến từ các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 17,2%, khá thấp so với các nước trong khu vực. Mong muốn tăng tỷ lệ nội địa hóa không chỉ đến từ doanh nghiệp mà Chính phủ Việt Nam cũng nỗ lực hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ”, ông Matsumoto Nobuyuki nói.
Kinh tế dần hồi phục và doanh nghiệp Nhật Bản đang tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nên khả năng tăng tỷ lệ cung ứng nội địa từ các doanh nghiệp Việt Nam là có thể.
Những ngành được doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng cung ứng nội địa cao, đó là: Thực phẩm, sản xuất thiết bị chính xác, thiết bị y tế, các thiết bị liên quan đến vận tải,...
Tại triển lãm lần này, JETRO mang đến 18 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam với tư cách là bên mua (Buyer), cùng 20 doanh nghiệp Việt Nam với tư cách bên cung ứng (Supplier).
Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tiếp cận các công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản, giúp nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, học hỏi kinh nghiệm quản lý, kỹ thuật và chiến lược từ các đối tác Nhật Bản, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Doanh nghiệp lĩnh vực CNHT được tham gia vào chương trình hỗ trợ lãi suất của TP.Hồ Chí Minh
Dẫn báo cáo của Tổng cục Thống kê, ông Vũ Trọng Tài, Tổng Giám Đốc RX Trader Vietnam cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm 2024 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến và chế tạo tăng trưởng 9,5%, với điện tử là ngành then chốt. Và Việt Nam đang nổi lên như một điểm sáng trong lĩnh vực đầu tư mới như bán dẫn trí tuệ nhân tạo và công nghiệp công nghệ cao.
Triển lãm Metalex Vietnam 2024 sẽ là nền tảng cung ứng toàn cầu với sự tham gia của 350 thương hiệu đến từ 20 quốc gia, cùng với khu gian hàng Nhật Bản và các khu gian hàn các quốc gia khác, với mục tiêu cung cấp cho doanh nghiệp các công nghệ tiên tiến đáp ứng những tiêu chuẩn sản xuất ngày càng cao.
“Triển lãm dự kiến sẽ có gần 350 thương hiệu máy móc và công nghệ hàng đầu đến từ trên 20 quốc gia. Triển lãm sẽ kết nối các doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm kiếm các đối tác tại Việt Nam, giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa nhờ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sau vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ban tổ chức cũng sẽ lồng ghép các hoạt động nâng cao kiến thức và mở rộng mạng lưới kinh doanh cho các doanh nghiệp, như hội thảo chuyên ngành hoạt động nâng cao nghề nghiệp, kết nối doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản”, ông Tài nói.
Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC cho biết, trong gần 20 lĩnh vực nhà đầu tư FDI quan tâm nhiều nhất thì ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất, chiếm tới 35,16% tổng vốn đầu tư FDI trên địa bàn thành phố.
Hiện có 125 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư trên địa bàn thành phố, với tổng số dự án còn hiệu lực là 13.030 dự án, trong đó, nhà đầu tư Nhật Bản đứng vị trí thứ ba với tổng số 1.724 dự án có tổng vốn đầu tư là hơn 5 tỷ USD đứng thứ ba, đứng đầu là Singapore với 15 tỷ USD.
“Nhằm tiếp sức cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT), Sở Công Thương đã ban hành Quyết định số 42 vào tháng 7/2024, để triển khai Nghị quyết 09 về chính sách hỗ trợ đối với ngành CNHT.
Trong lĩnh vực 4 ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố thì lĩnh vực CNHT sẽ được tham gia vào chương trình hỗ trợ lãi suất đối với các dự án kích cầu đầu tư vì đây là lĩnh vực được thành phố ưu tiên phát triển nhằm tiếp sức cho doanh nghiệp, tạo thêm động lực để họ mạnh dạn đầu tư đáp ứng các cơ hội thị trường”, bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc CSID cho biết.