Phát triển thanh toán điện tử dựa trên nền tảng công nghệ ngân hàng số ở Việt Nam hiện nay
Phù hợp với xu hướng chung của thế giới cũng như các quốc gia trong khu vực, hệ thống Ngân hàng Việt Nam cùng các tổ chức trung gian thanh toán đang đẩy mạnh phát triển công nghệ ngân hàng số, trọng tâm và nổi bật là thanh toán điện tử với những kết quả rất ấn tượng.
Tóm tắt: Phù hợp với xu hướng chung của thế giới cũng như các quốc gia trong khu vực, hệ thống Ngân hàng Việt Nam cùng các tổ chức trung gian thanh toán đang đẩy mạnh phát triển công nghệ ngân hàng số, trọng tâm và nổi bật là thanh toán điện tử với những kết quả rất ấn tượng. Bài viết khái quát chủ trương, chính sách của Chính phủ Việt Nam về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, kết quả triển khai công nghệ ngân hàng số trong lĩnh vực dịch vụ thanh toán điện tử tại các ngân hàng Việt Nam hiện nay, đưa ra một số đánh giá. Trên cơ sở đó, đưa ra một số giải pháp và khuyến nghị chính sách nhằm phát triển công nghệ ngân hàng số ở Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: thanh toán không dùng tiền mặt, ngân hàng số
DEVELOPING E-PAYMENTS BASED ON DIGITAL BANKING TECHNOLOGY IN VIETNAM
Abstract: In line with global as well as regional trend, Vietnamese banks and other payment intermediaries are boosting the use of digital banking technology, focusing on e -payment with very impressive results. The article outlines guidelines and policies of Vietnam government on the development of cashless payments; the results of digital banking technology implementation in the field of e - payment services at banks in Vietnam, then gives some evaluation. On that basis, offers some solutions and policy recommendations to further develop digital banking technology in Vietnam are offered.
Keywords: cashless payment development, digital banking
1. GIỚI THIỆU
Trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ số đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, hệ thống Ngân hàng Việt Nam đã và đang tập trung thực hiện nhiều biện pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong nền kinh tế. Mục tiêu này được triển khai đồng bộ từ hệ thống Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đến các Ngân hàng thương mại (NHTM) và tổ chức trung gian thanh toán. Các biện pháp được triển khai khá toàn diện, từ hoàn thiện môi trường pháp lý, các quy trình nghiệp vụ, đến đẩy mạnh đầu tư công nghệ và hạ tầng kỹ thuật thanh toán dựa trên nền tảng công nghệ số.
Bài viết dựa trên phương pháp nghiên cứu định tính truyền thống, tiến hành phân tích, tổng hợp, thống kê, mô tả, đánh giá, nhận xét dựa trên nguồn tư liệu và tư liệu thứ cấp của các cơ quan, tổ chức, từ đó đưa ra khuyến nghị hàm ý chính sách theo mục tiêu của bài viết.
2. CHỦ TRƯƠNG PHÁT TRIỂN TTKDTM TRONG XU HƯỚNG CHUYỂN ĐỔI SANG NỀN KINH TẾ SỐ Ở VIỆT NAM
Ngày 28/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1813/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025”. Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về TTKDTM trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao. Đồng thời, đưa việc sử dụng các phương tiện TTKDTM trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm các khoản chi phí rất lớn cho nền kinh tế, cho các doanh nghiệp và cá nhân liên quan đến tiền mặt. Bên cạnh đó, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của CMCN lần thứ 4 để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ TTKDTM, đáp ứng nhu cầu thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả của tổ chức, cá nhân, thúc đẩy nền kinh tế hội nhập nhanh hơn với cộng đồng kinh tế quốc tế (Chính phủ, 2021-2023).
Mục tiêu cụ thể, đến cuối năm 2025 giá trị TTKDTM gấp 25 lần GDP; TTKDTM trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng cơ sở chấp nhận TTKDTM lên trên 450.000 điểm (Chính phủ, 2021-2023).
Chính phủ cũng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch TTKDTM đạt bình quân 20-25%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50-80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80-100%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân số lượng và giá trị giao dịch qua kênh Internet đạt 35-40%/năm; tỉ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện TTKDTM qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40% (Chính phủ, 2021-2023).
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu TTKDTM đối với dịch vụ công: Từ 90-100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức TTKDTM; cụ thể là từ 90 - 100% các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đô thị triển khai thanh toán học phí trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; 60% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức TTKDTM; 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức TTKDTM (Chính phủ, 2021-2023).
Như vậy, các giải pháp phát triển TTKDTM được đề ra trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ rất cụ thể, đều dựa trên nền tảng công nghệ số và đối tượng, nhóm đối tượng cần được ưu tiên hướng đến chủ yếu là các tổ chức có đông người thực hiện thanh toán, chi trả.
3. THỰC TRẠNG TRIỂN KHAI THANH TOÁN ĐIỆN TỬ DỰA TRÊN NỀN TẢNG CÔNG NGHỆ NGÂN HÀNG SỐ
Trước hết, đối với NHNN Việt Nam, cơ quan được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động thanh toán, tham mưu cho Chính phủ về lĩnh vực này:
Trong những năm gần đây, NHNN đã tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho sự ra đời, phát triển các dịch vụ ngân hàng số, thanh toán số, đổi mới tiện ích, ứng dụng các công nghệ mới tiên tiến để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ. NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định TTKDTM, Quyết định cho triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money; sửa đổi bổ sung các Thông tư, hướng dẫn Nghị định; xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng. NHNN cũng đã ban hành quy định mở tài khoản thanh toán trực tuyến dựa trên định danh khách hàng bằng phương thức điện tử eKYC, ban hành áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn trong lĩnh vực thanh toán, mã QR, thẻ chip, các quy định và biện pháp đảm an ninh, an toàn hệ thống thanh toán và giao dịch thanh toán điện tử của các doanh nghiệp, của người dân… (SBV, 2020-2023).
Đối với toàn bộ hệ thống ngân hàng nói chung và các NHTM nói riêng chịu trách nhiệm triển khai các dịch vụ thanh toán với khách hàng:
Hệ thống ngân hàng tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật thanh toán, bao gồm: hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch và bù trừ điện tử, hệ thống các điểm chấp nhận thanh toán thẻ (POS); hệ thống máy giao dịch ngân hàng tự động ATM; hệ thống giao dịch ngân hàng số; hệ thống giao dịch thanh toán bằng phương thức điện tử eKYC và sử dụng mã QR,… Thanh toán điện tử dựa trên nền tảng công nghệ số hiện đại nhất nhưng phù hợp với thực tiễn các NHTM và nền kinh tế Việt Nam được chú trọng đầu tư, nâng cấp, mở rộng dịch vụ. Một số NHTM đã tiên phong ứng dụng công nghệ số như kết hợp công nghệ xác thực eKYC, Big data (dữ liệu lớn) và AI (trí tuệ nhân tạo) trong việc phê duyệt yêu cầu mở thẻ tín dụng hạn mức cao của khách hàng, nên đã được thực hiện nhanh chóng mà vẫn có độ tin cậy cao.
Theo Thông tư 16/2020/TT-NHNN, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, thì việc mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử (eKYC) mới chính thức được quy định và áp dụng từ ngày 5/3/2021. Trước đó, một số NHTM đã từng bước thí điểm phương thức này trong năm 2020, song phải đến thời điểm khung pháp lý quy định nói trên có hiệu lực, cạnh tranh ứng dụng eKYC mới thực sự bắt đầu sôi động (SBV, 2020-2023).
Trong nhiều năm qua, hệ thống thanh toán điện tử dựa trên nền tảng công nghệ số của các NHTM Việt Nam và tổ chức trung gian thanh toán ở Việt Nam hoạt động an toàn, ổn định, thông suốt, thuận tiện trong giao dịch đối với các doanh nghiệp và người dân. Hệ thống này đảm bảo kết nối liên thông giữa các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán, ví điện tử, đơn vị cung ứng dịch vụ công và doanh nghiệp, tổ chức bán hàng, cung ứng dịch vụ khác, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán của người dân, doanh nghiệp trong xu thế phát triển kinh tế số và nhất là trong bối cảnh giãn cách xã hội do tác động của đại dịch COVID-19. Giai đoạn hậu COVID-19, hệ thống thanh toán điện tử dựa trên nền tảng công nghệ số tiếp tục phát triển rất mạnh.
Ngoài ra, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán đã tích cực nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ nguồn lực tài chính vào phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ, lựa chọn các giải pháp kỹ thuật tối ưu, tích hợp kết nối các dịch vụ khác, như: Viễn thông, y tế, bệnh viện, trường học, điện lực, nước sạch, thuế, hải quan, bảo hiểm, các dịch vụ công khác… trong nền kinh tế. Các NHTM và tổ chức trung gian thanh toán cũng đã thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, tiện ích, nâng cao sự trải nghiệm, sự hài lòng của khách hàng. Nhiều phương thức, giải pháp thanh toán mới, hiện đại, tiết kiệm chi phí đã ra đời với nhiều tiện ích, an toàn bảo mật, đem lại lợi ích to lớn và giá trị thiết thực cho khách hàng, cho các trung tâm thương mại, dịch vụ.
Đến nay, trong toàn quốc có khoảng gần 40 bệnh viện triển khai thanh toán viện phí điện tử; 50 NHTM hoàn thành kết nối thanh toán thuế điện tử với cơ quan thuế; hải quan trên 63 tỉnh, thành phố, 95% số thu hải quan thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; 27 NHTM và 10 tổ chức trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện. Doanh thu tiền điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thanh toán qua ngân hàng lên tới gần 90%. Các ví điện tử cũng phối hợp với các NHTM thực hiện thu tiền nước sạch, cước phí viễn thông, bảo hiểm nhân thọ,… hàng tháng qua ngân hàng (Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, 2020 - 2023).
4. KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN THANH TOÁN ĐIỆN TỬ DỰA TRÊN NỀN TẢNG CÔNG NGHỆ SỐ
Kết quả triển khai các biện pháp nói trên đã được phản ánh qua số liệu tăng trưởng hàng năm khá cao về các dịch vụ thanh toán điện tử dựa trên nền tảng công nghệ số trong những năm gần đây.
Về thanh toán trên thiết bị di động tại Việt Nam, như: Điện thoại di động, Ipad, Laptop đạt tốc độ tăng trưởng mạnh hàng năm, bình quân lên tới 90% về số lượng giao dịch và 150% về giá trị thanh toán. Nhiều NHTM đạt tốc độ tăng trưởng trên 90% giá trị giao dịch thanh toán điện tử được khách hàng thực hiện trên kênh số. Trong cả nước, chỉ từ tháng 3/2021 đến giữa tháng 4/2023 đã có thêm hơn 2,8 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng được mở trực tuyến theo phương thức mới eKYC tại các NHTM, trong tổng số hơn 100 triệu tài khoản của khách hàng thanh toán đang hoạt động tại các NHTM ở Việt Nam (SBV, 2020-2023).
Chỉ tính riêng trong năm 2021, so với năm 2020, giao dịch thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng trên 45% về giá trị; qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng gấp hơn 2 lần về số lượng giao dịch và gần 1,5 lần về giá trị tiền sử dụng trong thanh toán (SBV, 2020-2023).
Tiếp đó trong năm 2022, doanh số thanh toán của khách hàng qua thiết bị di động (điện thoại thông mình, Laptop, Ipad), phương thức mã QR tăng trên 100% so với năm 2021. Tính đến hết năm 2022, gần 75% số người Việt Nam trong độ tuổi trưởng thành có tài khoản tại các NHTM trong cả nước, hầu hết là tại các NHTM trong nước. Bên cạnh đó, người Việt Nam còn có hơn 3,71 triệu tài khoản Mobile Money; trong số đó, khoảng hơn 70% tài khoản loại này thuộc người dân đang sinh sống tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.... Đặc biệt là hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập kết nối giữa dịch vụ ngân hàng với nhiều dịch vụ khác trong nền kinh tế, như các dịch vụ công, du lịch, hàng không, y tế, trường học, điện lực, nước sạch, viễn thông, giao thông, bán lẻ xăng dầu, ăn uống, siêu thị, sửa xe, xử phạt hành chính, thuế, hải quan, Bảo hiểm xã hội… Nhiều NHTM Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số (SBV, 2020-2023).
Tính đến nay, 100% tổ chức tín dụng (TCTD) tại Việt Nam đã có/đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số (CĐS). Khoảng 80 NHTM triển khai dịch vụ Internetbanking, 50 ngân hàng cung cấp dịch vụ Mobile Banking, 45 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (ví điện tử) (SBV, 2020-2023).
Điểm quan trọng trong hoạt động chuyển đổi số ngân hàng thời gian qua là hệ sinh thái thông minh, thanh toán số đã được thiết lập với việc kết nối dịch vụ ngân hàng số với các dịch vụ số khác trong nền kinh tế, như: Thuế, hải quan, điện lực, nước sạch, bưu chính viễn thông và các dịch vụ công khác, đem đến trải nghiệm liền mạch trên mọi lĩnh vực cho người dùng dịch vụ trên không gian số, tiết kiệm chi phí tài chính và nhân lực, bộ máy cho các cơ quan và tổ chức.
5. MỘT SỐ ĐÁNH GIÁ VÀ NHẬN XÉT
5.1. Những kết quả đạt được
Một là, khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán tiếp tục được NHNN phối hợp cùng các bộ ngành có liên quan hoàn thiện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng công nghệ mới, hiện đại. Hạ tầng thanh toán của NHNN, như: Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; hệ thống chuyển mạch, bù trừ; cũng như hệ thống thanh toán của các NHTM và tổ chức trung gian thanh toán tiếp tục được nâng cấp và hoàn thiện.
Hai là, hệ sinh thái thanh toán điện tử đã được hình thành với sự kết nối, tích hợp với các ngành, lĩnh vực khác cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến đối với hóa đơn điện, nước, viễn thông, mua sắm trực tuyến tại các trang thương mại điện tử, nộp thuế điện tử và một số khoản phí, lệ phí khi thực hiện một số dịch vụ hành chính công, góp phần thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và thương mại điện tử.
Thực tế, hiện nay người tiêu dùng có thể mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ và sau đó thanh toán hoàn toàn trên kênh số. Dịch vụ này tiết kiệm thời gian và chi phí cho nền kinh tế, cho người dân và cho chính các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trong các lĩnh vực: điện lực, nước sạch, truyền hình cáp, viễn thông, thu phí giao thông đường cao tốc, hàng không, du lịch, khách sạn, nhà hàng, siêu thị và trung tâm thương mại,… thấy rõ lợi ích kinh tế, tiết kiệm nhân lực và tài chính trong thanh toán điện tử dựa trên công nghệ số. Tương tự, các trường đại học ứng dụng trong thu học phí của sinh viên, bệnh viện thu các dịch vụ khám chữa bệnh, thuế và hải quan, dịch vụ công, xử phạt vi phạm hành chính mà đặc biệt là vi phạm giao thông đường bộ,… cũng thấy rất rõ những khoản tiết kiệm chi phí bộ máy, trụ sở và phương tiện làm việc, chi phí tài chính khác,… khi áp dụng thanh toán điện tử. Việc chi trả lương của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; chi trả lương hưu và trợ cấp xã hội qua hệ thống tài khoản, sử dụng thanh toán điện tử,… cho thấy rõ lợi ích của nền kinh tế, của xã hội và của người thụ hưởng.
Ba là, hầu hết các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 đã được ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam, được nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ công, nhiều doanh nghiệp chủ động hợp tác với các NHTM và tổ chức trung gian thanh toán, đáp ứng nhu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của mình. Ví dụ như, việc phát triển eKYC từ LiveBank lên nền tảng di động cũng góp phần hoàn thiện hệ sinh thái ngân hàng số của một số NHTM sử dụng ứng dụng này. Điều này đồng thời, giúp khẳng định vị thế tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động tài chính cũng như thể hiện mục tiêu không ngừng nâng cao trải nghiệm khách hàng, phát triển những sản phẩm, dịch vụ mang tính ứng dụng với chất lượng ngày càng cao.
Đối với eKYC giúp doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán tiết kiệm thời gian xử lý trong thanh toán, giảm sai sót chủ quan do con người, giảm chi phí nhân sự... Về phía người dùng, eKYC giúp họ tiết kiệm thời gian và được trải nghiệm tốt hơn những tiện ích mà quá trình này mang lại. Trước đây, việc định danh người dùng có thể mất đến 24 giờ nếu nhân sự xử lý thủ công. Tuy nhiên, hiện nay công tác này có thể được xử lý tức thời nhờ giải pháp eKYC ứng dụng công nghệ AI, nên lĩnh vực ngân hàng số (Digital Banking) đã phát triển rất mạnh từ đầu năm 2020 đến nay.
Bốn là, vấn đề an ninh, an toàn trong thanh toán luôn được cả NHNN, các NHTM và tổ chức trung gian thanh toán quan tâm, đầu tư, đưa ra giải pháp hiệu quả; khách hàng được đặt là vị trí trung tâm ưu tiên trong việc quá trình cung ứng các sản phẩm, dịch vụ; đồng thời, quyền lợi hợp pháp luôn được đảm bảo. Bên cạnh đó, chuyển đổi số tại các NHTM Việt Nam không chỉ giới hạn ở việc số hóa dữ liệu giao dịch mà thông qua đó phải tập trung nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Các NHTM Việt Nam đặt mình vào vị trí của khách hàng để nắm bắt nhu cầu của khách hàng và cung cấp các trải nghiệm số ưu việt trong hành trình trải nghiệm.
Năm là, hiện đại hóa và tự động hóa các giao dịch nội bộ NHTM đang được triển khai mạnh mẽ tại nhiều ngân hàng
5.2. Hạn chế và nguyên nhân
Một là, hành lang pháp lý chưa đầy đủ, chưa kịp thời.Một số quy định liên quan đến hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chậm được sửa đổi bổ sung, ví như: Nghị định về TTKDTM thay thế Nghị định 101, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Fintech Sandbox).
Hai là, thói quen sử dụng tiền mặt, tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới của người dân. Còn một tỷ lệ nhất định người dân không có điện thoại thông mình, chậm tiếp cận với công nghệ, nhất là những người lớn tuổi, những người ở vùng sâu, vùng xa. Thực tế này gây khó khăn trong triển khai thanh toán điện tử, chi trả từ Kho bạc Nhà nước cho những người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng thanh toán chưa phát triển mạnh ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đơn vị chấp nhận thanh toán chưa có đủ kiến thức cũng như lợi ích thiết thực khi chấp nhận TTKDTM so với tiền mặt...
Ba là, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán điện tử gần đây có những diễn biến phức tạp với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn. Do đó, các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho các dịch vụ thanh toán dựa trên công nghệ cao cần tiếp tục được quan tâm và tăng cường.
6. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH
Phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng là mục tiêu chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025 và định hướng năm 2030, là giải pháp hiệu quả phát triển TTKDTM theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ những nội dung phân tích ở trên, để thực hiện thành công đề án TTKDTM của Thủ tướng Chính phủ, tác giả xin đề xuất:
Một là, NHNN cần tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, cụ thể với các bộ, ngành liên quan tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo thuận lợi cho các hoạt động chuyển đổi số và thúc đẩy TTKDTM đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là việc triển khai các mô hình cung ứng dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ mới.
Trong đó, trước mắt tập trung vào việc hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định về TTKDTM thay thế Nghị định 101, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Fintech Sandbox) và ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai.
Hai là, ngành Ngân hàng có chiến lược cụ thể tiếp tục đầu tư các nguồn lực cho phát triển hạ tầng số, kết nối, chia sẻ dữ liệu ngân hàng với các dữ liệu ngành, lĩnh vực khác; hình thành các mô hình ngân hàng số, nâng cao công tác an ninh, an toàn bảo mật… Ngành Ngân hàng cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp và tăng cường tiện ích, chất lượng dịch vụ đối với hạ tầng thanh toán quốc gia, Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến, xử lý tức thời, hoạt động liên tục 24/7 cho mọi người dân và doanh nghiệp.
Ba là, cần đẩy nhanh hoàn thiện các tiêu chuẩn kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân, cho phép ngành Ngân hàng khai thác thông tin trên chip thẻ căn cước công dân, đặc biệt là các yếu tố sinh trắc học, qua đó, hỗ trợ định danh, xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử, tăng độ chính xác trong định danh, xác thực khách hàng. Bộ Tài chính và Bộ Công Thương phối hợp mở rộng sử dụng hóa đơn điện tử, chữ ký điện tử, giao dịch thương mại điện tử.
Bốn là, các NHTM cần tiếp tục chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng ưu tiên kỹ thuật số, hoặc theo mô hình tương tác gắn kết đa kênh tích hợp xoay quanh triển khai nhanh gọn, linh hoạt công nghệ trí tuệ nhân tạo và năng lực máy học.
Tóm lại, có thể nhận định rằng, TTKDTM nói chung và thanh toán số nói riêng tại Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được sự gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới, góp phần xây dựng một xã hội số, minh bạch hơn, thuận tiện hơn và giảm thời gian, chi phí cũng như rủi ro cho người dân, doanh nghiệp.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2021-2023): Cổng thông tin của Chính phủ: Truy cập tại: http://chinhphu.vn/ thời gian truy cập, từ ngày 20/7 đến ngày 4/8/2023.
2. SBV (2020-2023): Cổng thông tin điện tử của NHNN, truy cập tại https://www.sbv.gov.vn, thời gian truy cập, từ ngày 20/7 đến ngày 4/8/2023.
3. Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, truy cập tại: https://www.thitruongtaichinht...; thời gian truy cập, từ ngày 20/7 đến ngày 4/8/2023.
4. TCTK (2020-2023): Truy cập tại https://www.gso.gov.vn; thời gian truy cập, từ ngày 20/7 đến ngày 4/8/2023.
Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 14 năm 2023