Quy định về vay vốn ưu đãi thông qua VDB để phát triển nhà ở xã hội
Ngày 26/7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, trong đó bao gồm vay vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) để phát triển nhà ở xã hội.
Theo Nghị định này, VDB thực hiện cho vay ưu đãi tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động cho vay của VDB đối với khách hàng là chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không bằng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn quy định tại khoản 2 Điều 85 của Luật Nhà ở.
Điều kiện vay vốn, mức vốn vay, thời hạn vay, lãi suất vay, bảo đảm tiền vay và các nội dung khác có liên quan đối với khoản vay tại VDB theo quy định hiện hành của pháp luật về tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Đối với nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội, Chính phủ quy định VDB sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để cho vay, không được Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý.
Trường hợp VDB sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để cho vay nhà ở xã hội theo các chương trình cho vay của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ, Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho VDB.
Được biết, theo quy định hiện hành về tín dụng đầu tư của Nhà nước tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 và Nghị định số 78/2023/NĐ-CP ngày 7/11/2023 của Chính phủ, khách hàng có dự án đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở xã hội nhóm A, B và C thuộc đối tượng vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức vốn vay tối đa bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động) và thời hạn vay vốn do VDB quyết định căn cứ vào kết quả thẩm định dự án, đặc điểm sản xuất, kinh doanh, khả năng thu hồi vốn của từng dự án và khả năng trả nợ của khách hàng.
Cũng theo quy định tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP và Nghị định số 78/2023/NĐ-CP, để được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tại VDB, khách hàng có dự án đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở xã hội phải đáp ứng được một số điều kiện cụ thể, trong đó bao gồm cả điều kiện về hiệu quả của dự án, khả năng tài chính để trả nợ, mức vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động) để tham gia trong quá trình thực hiện dự án, đồng thời phải thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm...