Chứng khoán

129 mã nằm sàn, VN-Index trượt gần 50 điểm

Q.L 05/08/2024 16:17

Chịu ảnh hưởng từ diễn biến thị trường chứng khoán toàn cầu, VN-Index ghi nhận phiên giao dịch lao dốc không phanh về quanh mốc 1.190 điểm.

jwflekgf.png
Diễn biến VN-Index

VN-Index bất ngờ rơi gần 23 điểm ngay khi mở cửa phiên đầu tuần với diễn biến trượt giá diện rộng toàn thị trường. Điểm số trượt sâu nhưng thanh khoản không tăng thể hiện sự chủ động rút lui của dòng tiền cũng như sự thụ động từ phía lực cầu. Nhóm blue-chips không nằm ngoài diễn biến rung lắc khiến chỉ số chung mất đi trụ nâng đỡ.

Áp lực bán tiếp tục tăng mạnh trong phiên chiều, nhóm cổ phiếu VIC, VRE, VHM đồng loạt giảm kéo chỉ số chung giảm thủng vùng hỗ trợ 1.250 điểm và nhanh chóng rơi xuống mốc 1.190 điểm. Hiện tượng trượt giá không có tín hiệu chững lại và có nhiều mã đã giảm xuống giá sàn. Một số cổ phiếu giữ được sắc xanh hiếm hoi như BSI, FTS cũng thu hẹp biên độ tăng do áp lực rung lắc từ thị trường chung.

image_2024-08-05_160456473.png
Bản đồ thị trường

Tất cả các ngành hôm nay đều chìm trong biển đỏ với mức giảm ít nhất là dược phẩm cũng mất hơn 1%, còn lại đều trên 2%. Trong đó, nhóm tài chính, ngân hàng và chứng khoán dẫn đầu đà lao dốc, tác động mạnh nhất thị trường.

Thanh khoàn hôm này tăng mạnh, cho thấy tâm lý bán tháo ồ ạt bao trùm thị trường. Giá trị giao dịch cả 3 sàn đạt khoảng 26.296 tỷ đồng.

Cùng chiều vận động với khối nội, khối ngoại cũng bán ròng với tổng giá trị bán ròng đạt 750,63 tỷ đồng, tập trung bán HPG, FPT, MWG.

jwhbefcwe.png
Giao dịch khối ngoại

Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, sàn HOSE chỉ còn 24 mã tăng và có tới 448 mã giảm (92 mã giảm sàn), chỉ số VN-Index giảm 48,53 điểm (-3,92%), xuống 1.188,07 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1.038 triệu đơn vị, giá trị đạt 23.782 tỷ đồng, tăng 49% về khối lượng và 45% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 95,5 triệu đơn vị, giá trị đạt 2.523 tỷ đồng.

Sàn HNX có 33 mã tăng và 171 mã giảm (19 mã sàn), HNX-Index giảm 8,85 điểm (-3,82%), xuống 222,71 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 86,4 triệu đơn vị, giá trị 1.662 tỷ đồng, tăng 53% về khối lượng và 62% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,7 triệu đơn vị, giá trị 366,8 tỷ đồng.

Sàn UPCoM có 84 mã tăng và 225 mã giảm (18 mã sàn), UPCoM-Index giảm 2,98 điểm (-3,18%), xuống 90,79 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 61,6 triệu đơn vị, giá trị 852 tỷ đồng, tăng 128% về khối lượng và giảm 113% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 4 triệu đơn vị, giá trị 31 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm mạnh hơn 40 điểm, trong đó VN30F2408 giảm 42,9 điểm, tương đương -3,4% xuống 1.233 điểm, với giao dịch sôi động nhất, đạt hơn 3,66 đơn vị khớp lệnh, khối lượng mở 56.345 đơn vị.

Diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ và châu Á đang tương đối tiêu cực và đây có thể là nguyên nhân ảnh hưởng đến hành động của nhà đầu tư trong phiên hôm nay.

Chứng khoán Nhật Bản vừa trải qua ngày tồi tệ nhất trong gần 4 thập kỷ kể từ ngày “thứ Hai đen tối” năm 1987, chứng khoán Hàn Quốc phải tạm dừng giao dịch vì bán tháo mạnh. Chốt phiên giao dịch hôm nay, Nikkei 225 giảm 12,4% xuống còn 31.458,42 điểm, đánh dấu mức giảm sâu nhất từ trước đến nay. Kết quả là, toàn bộ mức tăng của Nikkei trong năm nay bị thổi bay và đưa chỉ số này sang trạng thái lỗ tính từ đầu năm đến nay.

CTCK Vietcombank (VCBS) khuyến nghị, các nhà đầu tư hạn chế bán đuổi trong những phiên giảm điểm mạnh. Hiện tượng call margin từ nhiều tài khoản cũng gia tăng tác động tiêu cực lên thị trường và có thể VN Index sẽ sớm có nhịp phục hồi trở lại khi chạm vùng hỗ trợ mạnh quanh 1180.

“Tuy vậy, các nhà đầu tư vẫn nên rà soát lại danh mục, chờ đợi những phiên phục hồi kĩ thuật để bán giảm những cổ phiếu có xu hướng xấu hơn thị trường hơn là bắt đáy các cổ phiếu vừa mới bước vào pha giảm giá trong giai đoạn này”, chuyên gia VCBS cho biết.

Q.L