Hoạt động ngân hàng

Cà Mau: Lan tỏa tín dụng chính sách ủy thác qua hội đoàn thể

ThS. Trần Trọng Triết 05/08/2024 - 17:02

Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Cà Mau và các hội, đoàn thể, đặc biệt là thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn, nguồn vốn tín dụng chính sách lan tỏa đến với người dân kịp thời, thuận lợi, hiệu quả.

lam-thu-tuc-vay-von-tin-dung-chinh-sach-o-huyen-cho-moi-tinh-an-giang..jpg
Cà Mau: Lan tỏa tín dụng chính sách ủy thác qua hội đoàn thể

Thực tế cho thấy, NHCSXH Cà Mau là ngân hàng duy nhất thực hiện ủy thác vốn tín dụng chính sách cho các tổ chức chính trị - xã hội.

Phương thức ủy thác vốn tín dụng chính sách qua các đoàn thể chính trị - xã hội trong quy trình cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác mà NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội đang thực hiện là cách làm sáng tạo, ưu việt, phù hợp với đặc điểm chính trị, kinh tế, xã hội đất nước nên đã phát huy tích cực, hiệu quả sử dụng vốn của ngân hàng.

Đáng chú ý, sự phối hợp giữa NHCSXH nơi cho vay và các cấp hội đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc chuyển tải vốn đến hội viên, nông dân, mang lại lợi ích thiết thực. Ðây được xem là điều kiện quan trọng để nông dân có cơ hội đầu tư mở rộng sản xuất, thâm canh, tăng năng suất, tăng thu nhập cho gia đình, vươn lên thoát nghèo và làm giàu; con em những gia đình khó khăn có cơ hội học tập; bộ mặt nông thôn thay đổi, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Giám đốc NHCSXH Cà Mau, nhận định: “Các hội, đoàn thể (Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN), Hội Cựu chiến binh và Ðoàn Thanh niên) thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc làm cầu nối giữa NHCSXH và người dân.

Thông qua các hội, đoàn thể, nguồn vốn tín dụng chính sách được phân bổ nhanh chóng và hiệu quả đến các đối tượng thụ hưởng, đặc biệt là những hộ gia đình nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác”.

Trong số 841 hộ dân được Hội Nông dân xã Khánh Thuận, huyện U Minh đứng ra làm cầu nối để được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH huyện U Minh. Ðến nay, Hội quản lý nguồn vốn uỷ thác với tổng dư nợ hơn 26 tỷ đồng.

Hội Nông dân xã xác định, điều quan trọng là làm cầu nối giữa hội viên nông dân và NHCSXH, để làm sao những người dân có nhu cầu vay vốn đều tiếp cận được nguồn vốn chính sách để đầu tư sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Hiện nay, Hội Nông dân xã Khánh Thuận quản lý 16 tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ này phân bố đều khắp các ấp. Nguồn vốn được giải ngân nhiều nhất là vốn vay dành cho hộ sản xuất vùng khó khăn, với gần 9,5 tỷ đồng. Các khoản vay khác cũng có số dư nợ cao, như: cho vay hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch vệ sinh môi trường... Mặc dù tổng dư nợ vay khá cao, nhưng tỷ lệ nợ quá hạn chiếm thấp, với 44 triệu đồng, tương đương 0,17% - tỷ lệ nợ quá hạn thấp nhất trong các hội nhận ủy thác của huyện U Minh.

Còn tại Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cái Nước đã cho vay gần 357 tỷ đồng, với 12.458 lượt hộ vay. Nguồn vốn được ủy thác thông qua hội, đoàn thể, nhưng người quản lý trực tiếp hộ vay là các tổ tiết kiệm và vay vốn. Hiện toàn huyện có 315 tổ tổ tiết kiệm và vay vốn, phần lớn các tổ được xếp loại khá, tốt; chỉ còn 4 tổ trung bình, không còn tổ yếu. Bình quân mỗi tổ tổ tiết kiệm và vay vốn quản lý khoảng 53 hộ vay.

Nhờ nguồn vốn này mà người dân có điều kiện phát triển kinh tế hiệu quả, với nhiều mô hình như: nuôi cá chình, cá bống tượng, cua, tôm, kết hợp trồng lúa... Ðến nay, các hộ vay đều thực hiện khá tốt việc đóng lãi, gửi tiết kiệm hằng tháng.

Vai trò của các hội, đoàn thể trong việc nhận nguồn vốn ủy thác từ NHCSXH là vô cùng quan trọng và thiết thực. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, nguồn vốn tín dụng chính sách được sử dụng đúng mục đích, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Việc phát huy vai trò của các hội, đoàn thể sẽ tiếp tục là một trong những giải pháp quan trọng để lan toả tín dụng chính sách, giúp nâng cao đời sống người dân và xây dựng cộng đồng vững mạnh.

ThS. Trần Trọng Triết