Chiến lược hành động sau cú thủng 1.200 điểm của thị trường: Bắt dao rơi hay hồi là bán?
Ngay sau phiên để thủng mốc 1.200 điểm, tâm lý nhà đầu tư trong nước đã trở nên bi quan hơn với thị trường. Các quan điểm từ các chuyên gia và bộ phận phân tích của các CTCK đã được tổng hợp nhanh để giúp nhà đầu tư có những sự gợi ý trong giao dịch.
Xu hướng khó đoán định
Ông Trần Thăng Long - Giám đốc phân tích Chứng khoán BIDV (BSC)
Hầu như không có thị trường nào không điều chỉnh hôm nay. Với thị trường Nhật Bản, ông Long cho rằng với mức giảm lên tới 13-14% là rất mạnh và "khủng khiếp". Mức giảm sốc, nhanh như vậy, ảnh hưởng tâm lý cho giới đầu tư toàn cầu, trong đó có cả Việt Nam.
Theo vị chuyên gia từ BSC, các thị trường tài chính toàn cầu luôn có sự liên thông. Khi tăng có thể không đồng loạt, nhưng khi giảm tạo tâm lý tiêu cực lan tỏa rất nhanh.
Theo đó, giới đầu tư sẽ đặt câu hỏi: Chuyện gì khiến một thị trường lớn như Nhật Bản lại giảm sâu như vậy, tiềm ẩn rủi ro ra sao? Dù không có mối liên hệ trực tiếp, nhưng mức độ thận trọng của nhà đầu tư Việt Nam hay bất kỳ thị trường nào khác cũng sẽ lên cao và lan nhanh.
Nhìn nhận về xu hướng thị trường sắp tới, ông Long cho rằng rất khó đoán định. Vì thông thường với các diễn biến, tác nhân từ trong nước sẽ có thể phân tích dựa trên nhiều yếu tố để đưa ra nhận định, tuy nhiên lần này là các vấn đề từ quốc tế.
Doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt cũng bị tâm lý thị trường chi phối
Bà Nguyễn Thị Thuý - chuyên gia phân tích KB Việt Nam (KBSV)
Có hai nguyên nhân chính khiến chứng khoán toàn thế giới “nhuốm đỏ” là: rủi ro suy thoái tại Mỹ bao trùm (sau khi số liệu về tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt vào tối thứ 6 tuần qua (2/8/20204) và nguy cơ bùng phát chiến tranh tại khu vực Trung Đông (sau khi thông báo của Iran sẽ quyết trả đũa Israel). Đà bán tháo không chỉ dừng lại ở thị trường cổ phiếu, mà còn lan rộng sang cả thị trường tiền ảo.
Tuy nhiên, chúng ta đang thấy thị trường châu Á có phần phản ứng mạnh hơn, một phần chịu chi phối từ câu chuyện đang xảy ra tại thị trường Nhật Bản. Đó là việc BOJ đã bất ngờ tiến hành tăng lãi suất sau khi đồng yên bị mất giá kỷ lục trong thời gian vừa qua. Hành động này của NHTW Nhật Bản ngay lập tức đã khiến cho hoạt động "carry trade" (hành động vay đồng tiền có lãi suất thấp sau đó đổi lấy đồng tiền có lãi suất cao hơn - PV) bị ảnh hưởng mạnh và kích thích đà bán tháo của các nhà đầu tư cũng như các tổ chức tài chính.
Theo quan điểm cá nhân, bà Thúy cho biết không nên bắt "dao rơi" khi thị trường chưa tìm được điểm cân bằng.
VN-Index bước vào nhịp điều chỉnh và phân hóa mạnh sau khi kết thúc mùa báo cáo tài chính quý II/2024. Nhưng những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt vẫn bị bán mạnh, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã bị ảnh hưởng rất nhiều sau các thông tin tiêu cực đang tác động đến thị trường. Lời khuyên là nhà đầu tư nên quan sát vận động của thị trường và chờ đợi những tín hiệu tích cực trở lại (ví dụ rõ nhất là có các phiên mà bên mua áp đảo), kết hợp với tình hình vĩ mô, chính trị quốc tế ổn định trở lại.
Hạn chế bán đuổi
Phòng Phân tích và Nghiên cứu, CTCK Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS)
VN-Index ghi nhận phiên giao dịch rung lắc mạnh với diễn biến trượt giá bao phủ phần lớn thị trường và về quanh mốc 1.190.
Ở khung đồ thị ngày, VN-Index giảm dưới mốc 1.200, và xác suất cao sẽ kiểm tra lại vùng đáy cũ quanh 1.180, tương ứng với mốc 1 của thang đo Fibonacci mở rộng. Hầu hết các chỉ báo đều đang hướng xuống cùng với việc DI- và ADX dâng cao cho thấy thị trường vẫn đang chịu áp lực bán mạnh và chưa cho tín hiệu tạo đáy.
Ở khung đồ thị giờ, các chỉ báo RSI, CMF, MACD cũng vận động đồng thuận với khung 1D. Nếu dòng tiền không có diễn biến đảo chiều trong các phiên tiếp theo thì cần chú ý mốc hỗ trợ tiếp theo ở vùng 1.180.
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư hạn chế bán đuổi trong những phiên giảm điểm mạnh. Hiện tượng call margin từ nhiều tài khoản cũng gia tăng tác động tiêu cực lên thị trường và có thể VN-Index sẽ sớm có nhịp phục hồi trở lại khi chạm vùng hỗ trợ mạnh quanh 1.180. Tuy vậy, các nhà đầu tư vẫn nên rà soát lại danh mục, chờ đợi những phiên phục hồi kĩ thuật để bán giảm những cổ phiếu có xu hướng xấu hơn thị trường hơn là bắt đáy các cổ phiếu vừa mới bước vào pha giảm giá trong giai đoạn này.
Thế giới rung chuyển
Trung tâm phân tích, CTCK Mirae Asset (Việt Nam)
Trước những biến động bất ổn trên thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt từ thị trường Nhật Bản khi Nikkei 225 giảm hơn 12% khi kết thúc. VN-Index đã có một phiên giao dịch đầy biến động khi hòa chung nhịp giảm cùng các thị trường toàn cầu. Áp lực bán mạnh mẽ đã khiến chỉ số mất hơn 48 điểm khi đóng cửa. Kết phiên, VN-Index giảm 48,53 điểm (tương đương 3,92%) đạt mức 1.188 điểm.
Phiên giao dịch giảm điểm khiến điểm số kỹ thuật giảm từ mức -2 về mức -5, trạng thái đánh giá trong ngắn hạn là TIÊU CỰC. Hệ số P/E của VN-Index ở mức 13,9x.
Có thể có nhịp hồi kỹ thuật
Phòng chiến lược thị trường, CTCK VPBanks
Một phiên giảm điểm bất ngờ đối với nhà đầu tư khi chịu tác động của thị trường thế giới và điểm nhấn là nhịp trượt dốc trong phiên chiều. Đây cũng là phiên thị trường chứng kiến cả trăm cổ phiếu đóng cửa giá sàn. Về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật quan trọng MA200 ngày, đồng thời mất cả ngưỡng tâm lý 1.200 điểm trong phiên hôm nay.
Tuy nhiên, các nhịp giảm vẫn là cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn như các tổ chức. Với nhà đầu tư ngắn hạn không nên trung bình giá, hạn chế sử dụng margin, thông thường sau các phiên giảm sâu như hôm nay (5/8) thị trường sẽ có nhịp hồi kỹ thuật, nhà đầu tư có thể tận dụng để cơ cấu danh mục hoặc giữ tỷ trọng ở mức thấp.