Nghiên cứu - Trao đổi

"Cởi trói" để doanh nghiệp nhà nước thực sự đóng vai trò tiên phong, nòng cốt của nền kinh tế

Minh Đức 07/08/2024 - 17:33

Các chuyên gia kỳ vọng, Dự thảo Luật thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) sẽ góp phần "cởi trói" cho doanh nghiệp nhà nước, tạo không gian rộng hơn để phát huy hiệu quả nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp, để doanh nghiệp nhà nước thực sự đóng vai trò tiên phong, nòng cốt trong nền kinh tế.

quang-canh.jpg
Quang cảnh toạ đàm Nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong quá trình xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Chiều ngày 6/8, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã tổ chức toạ đàm Nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong quá trình xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, Luật số 69/2014/QH13 được ban hành từ năm 2014 đã góp phần tạo môi trường pháp lý cho hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; tạo tiền đề thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhà nước ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai thực hiện, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng vướng mắc khi triển khai thực hiện.

“Đến nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua về việc bổ sung dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 tại Nghị quyết số 129/2024/QH15 ngày 08/6/2024. Có thể thấy rằng đây là nỗ lực rất lớn của Bộ Tài chính trong thời gian qua đã tích cực, chủ động làm việc, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và doanh nghiệp trong tổng hợp các khó khăn, bất cập và kiến nghị cấp có thẩm quyền nhằm sớm xem xét sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13. Lãnh đạo Ủy ban xác định đây là Dự án Luật quan trọng có tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến hoạt động của Ủy ban và các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, do đó đã đặc biệt quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thuộc Ủy ban và các doanh nghiệp trực thuộc tập trung rà soát, nghiên cứu, tham gia ý kiến góp ý đối với Dự thảo Luật” – Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh.

chu-tich-ub-qlvnn.jpg
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh

Theo người đứng đầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong quá trình tham gia, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Luật, Ủy ban đã có 6 văn bản góp ý chính thức, tổ chức nhiều buổi làm việc với Bộ Tài chính, một số cơ quan của Quốc hội và các Bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp thuộc Ủy ban. Trên cơ sở đó, đã phân tích, tổng hợp các khó khăn vướng mắc từ thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của doanh nghiệp và thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu của Ủy ban thời gian qua.

Bà Vũ Thị Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) cho biết, qua quá trình nghiên cứu, tổng hợp ý kiến, Ủy ban thấy rằng, hiện nay, tên Luật và phạm vi điều chỉnh không bao gồm nội dung liên quan đến “sử dụng vốn” đang được quy định tại Luật số 69/2014/QH13. Do vậy, trong trường hợp không quy định hoặc quy định không cụ thể về “sử dụng vốn” tại Luật này có thể dẫn đến khoảng trống về mặt pháp lý liên quan đến nội dung này. Do đó, Ủy ban đề nghị lưu ý, cân nhắc, thuyết minh làm rõ hoặc xem xét có quy định chuyển tiếp về nội dung này.

Đối tượng áp dụng của Luật đã mở rộng so với Luật số 69/2014/QH13, bao gồm cả Doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp (gọi tắt là doanh nghiệp cấp 1) và Doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác (gọi tắt là doanh nghiệp cấp 2) không phân biệt tỷ lệ vốn góp của nhà nước, tỷ lệ vốn góp của doanh nghiệp cấp 1. Mặt khác, các quy định tại Dự thảo Luật cũng quy định theo hướng bổ sung thủ tục so với quy định tại Luật số 69/2014/QH13.

pho-vu-truong-vpc-ub.jpg
Bà Vũ Thị Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp)

Trong khi đó, theo Nghị quyết số 12-NQ/TW quan điểm chỉ đạo: “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối...”. Do đó, để làm rõ phạm vi, đối tượng áp dụng, Ủy ban đã đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát các định hướng của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ để hoàn thiện, đánh giá tác động khi bổ sung quy định về đối tượng áp dụng nêu trên, xem xét điều chỉnh đối tượng áp dụng theo hướng: Doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ theo nội dung đã báo cáo các thành viên Chính phủ cho ý kiến.

Về thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của cơ quan đại diện chủ sở hữu, một trong các bất cập của quy định pháp luật hiện hành (Điều 24, 42 và 44 Luật số 69/2014/QH13) về thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định với giá trị vượt quá 50% vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp tại thời điểm gần nhất với thời điểm quyết định dự án hoặc vượt quá mức vốn của dự án nhóm B là chưa làm rõ nội hàm “phê duyệt” của cơ quan đại diện chủ sở hữu ở đây là phê duyệt nội dung gì và trình tự thực hiện trước hay sau quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền theo Luật Đầu tư. Khó khăn vướng mắc, bất cập này đã nhiều lần được Ủy ban trao đổi, góp ý và báo cáo tại các diễn đàn trong quá trình tham gia xây dựng Luật.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý và đại diện chủ sở hữu vốn đã cùng trao đổi về các nội dung quan trọng của dự thảo luật như nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp trong quản lý và đầu tư vốn gắn với các chủ trương, định hướng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về doanh nghiệp nhà nước; phân tích đánh giá, góp ý quy định tại các điều khoản Dự thảo Luật gắn với mục tiêu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho đại diện chủ sở hữu nhà nước và phân cấp mạnh hơn nữa cho doanh nghiệp, hạn chế tối đa việc can thiệp hành chính trực tiếp vào hoạt động quản lý điều hành của doanh nghiệp theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2022.

Đồng thời, các đại biểu cũng đánh giá, phân tích đa chiều về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng tại dự thảo Luật vì đây là một điểm mới so với quy định hiện hành. Nhiều ý kiến cũng tập trung vào những nội dung quan trọng liên quan tới công tác quản lý, công tác thanh tra, kiểm toán với các đối tượng này như thế nào…

Bên cạnh đó, ý kiến các đại biểu tham dự bày tỏ kỳ vọng Dự thảo Luật được xây dựng và ban hành trên nguyên tắc kế thừa các quy định còn phù hợp với thực tiễn và phát huy hiệu quả tích cực, tháo gỡ và điều chỉnh những quy định không còn phù hợp với thực tiễn ở Luật số 69/2014/QH13. Từ đó, góp phần "cởi trói" cho doanh nghiệp nhà nước, tạo không gian rộng hơn để phát huy hiệu quả nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp, để doanh nghiệp nhà nước thực sự đóng vai trò tiên phong, nòng cốt trong nền kinh tế.

Minh Đức