Ngành cao su đang đối mặt hai vấn đề lớn
Kim ngạch xuất khẩu cao su trong nửa đầu năm nay tuy thuận lợi, song doanh nghiệp cao su vẫn đang đối mặt với 2 vấn đề lớn là bị nợ hoàn thuế VAT và quy định Chống phá rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu.
Ngành cao su đề xuất đưa thuế VAT về 0%
Ông Võ Hoàng An, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho biết, cây cao su có ba dòng sản phẩm từ hai nguồn nguyên liệu chính là mủ và gỗ cao su.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu cao su trên ba dòng sản phẩm chính đạt khoảng 5 tỷ USD, tăng khoảng 20%, so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu có nhiều yếu tố tích cực và không tích cực đan xen nhau, đối với ngành cao su nếu những tháng cuối năm thị trường không xuất hiện những đột biến lớn, và vẫn diễn ra như 6 tháng đầu năm, thì kim ngạch xuất khẩu cao su sẽ đạt khoảng trên dưới 11 tỷ USD, tăng 17,02% so với năm 2023.
“Kim ngạch xuất khẩu cao su trong nửa đầu năm nay tuy có thuận lợi, nhưng có rất nhiều doanh nghiệp còn bị nợ hoàn thuế VAT, vì vậy, doanh nghiệp mong Tổng cục Thuế - Bộ Tài Chính có hướng xử lý sớm, vì vấn đề này đã diễn ra trong nhiều năm qua khiến doanh nghiệp ngành cao su bị kẹt vốn lớn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.
Doanh nghiệp khi xuất khẩu phải đóng thuế VAT sau đó sẽ được hoàn thuế lại, để không làm tốn nhiều công sức cho cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp, hiệp hội đã có đề xuất nên đưa thuế VAT về bằng 0%”, ông An bày tỏ và nêu đề xuất.
Doanh nghiệp cao su mong sớm có những hướng dẫn cụ thể để đáp ứng quy định EUDR
Bên cạnh việc hoàn thế, vấn đề nổi cộm và liên quan đến rất nhiều ngành cao su đó là khi xuất khẩu hàng hóa vào châu Âu phải chấp hành quy định EUDR và tất cả các sản phẩm phải được truy xuất nguồn gốc từ lô đất trồng sản phẩm đó do Liên minh châu Âu quy định.
Khi xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp như vỏ xe, găng tay,... có sử dụng nguyên liệu cao su đều phải có truy xuất nguồn gốc đất trồng cao su, xem có vi phạm quy định EUDR không. Đây là vấn đề không đơn giản đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cao su, bởi:
Thứ nhất, cao su Việt Nam tuy có thuận lợi là cây đại điền và đang được doanh nghiệp nhà nước quản lý, việc truy xuất nguồn gốc thuận lợi vì được quản lý từ vườn cao su đến khai thác chế biến và xuất khẩu nên phải qua rất ít trung gian trong chuỗi giá trị.
“Dù thuận lợi nhưng để chứng minh được nguồn gốc cũng là một việc không đơn giản , các doanh nghiệp phải qua nhiều bước để làm được các hồ sơ, thủ tục chứng minh với EU là đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của họ đưa ra đối với quy định EUDR”, Tổng thư ký VRA nói.
Thứ hai, Việt Nam đang sản xuất khoảng 1,3 tấn cao su/năm, trong đó có 60% diện tích cây cao su thuộc các tiểu điền với khoảng 265.000 hộ nông dân và khu vực đại điền nhà nước chiếm 40%.
Hiện rất khó xác nhận truy xuất nguồn gốc ở khu vực tiểu điền, vì vậy, cần các cơ quan chức năng kết nối hỗ trợ, có thể bao gồm Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, Hội Nông dân các cấp từ tỉnh đến huyện, xã kết nối với nông dân, giúp bà con làm hồ sơ truy xuất được nguồn gốc các lô đất trồng cao su đáp ứng theo quy định EUDR.
Theo quy định EUDR, bất cứ sản phẩm nào xuất khẩu sang EU mà có một phần trong đó không truy xuất nguồn gốc được thì xem như không đáp ứng đủ các tiêu chí của châu Âu và vừa qua chúng ta cũng đã ráo riết thực hiện vấn đề này.
Các doanh nghiệp cho biết, hiện có nhiều công ty tư vấn nói có thể thực hiện các dịch vụ đáp ứng các tiêu chí của EUDR, nhưng để có thể trao đổi hay đàm phán thì chi phí này rất lớn. Trong khi đó, trên thực tế làm như thế nào để có được chứng nhận EUDR thì đến nay EU cũng chưa xác nhận.
Theo ông An, nếu lãnh đạo Bộ NN-PTNT làm việc trực tiếp với các cơ quan liên quan của Liên minh châu Âu về nội dung này có thể thông tin cho doanh nghiệp cao su biết họ cần những văn bản, chứng từ cụ thể gì ngoài những thông tin chung chung là phải có truy xuất nguồn gốc, phải có định vị lô đất hay với diện tích từ 1- 2 ha thì chỉ cần định vị tọa độ…
Vì không biết nên hiện nay, mỗi doanh nghiệp sẽ làm theo cách của họ, như thế sẽ rất tốn kém mà chưa chắc được châu Âu thông qua. Trước đây Bộ NN&PTNT từng thông báo, có thể vào tháng 7/2024 EU sẽ phổ biến về hướng dẫn kỹ thuật nhưng đến nay vẫn chưa có những thông tin cụ thể.
“Đề nghị Bộ sau khi đã trao đổi với các cơ quan liên quan của EU có thể hỗ trợ doanh nghiệp, hướng dẫn những bước đi, thủ tục đầy đủ, như vậy sẽ tiết kiệm công sức và chi phí cho các doanh nghiệp cũng như các hộ nông dân tiểu điền”, Tổng thư ký VRA nhấn mạnh.