Hoạt động ngân hàng

Tín dụng chính sách tiếp tục lan tỏa tại tỉnh Long An

ThS. Trần Trọng Triết 08/08/2024 - 15:34

Tín dụng chính sách là công cụ tài chính hữu hiệu cùng với các chính sách khác góp phần thực hiện tốt các mục tiêu giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Long An luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, quan tâm phát triển.

z5709689702248_bede285cef6f73782dfac0df8ed63ecf.jpg

Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Tân Trụ, tỉnh Long An đạt được kết quả khả quan, tổng nguồn vốn thực hiện đạt khoảng 362 tỷ đồng, đạt 98,22% so với kế hoạch.

Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện đã tham mưu UBND huyện Tân Trụ kiện toàn tổ chức và duy trì hoạt động theo quy chế. Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tân Trụ đã bám sát chỉ đạo của NHCSXH chi nhánh tỉnh Long An, của Huyện ủy, UBND huyện, chủ động báo cáo và tích cực tham mưu UBND huyện, Ban đại diện Hội đồng quản trị huyện chỉ đạo, điều hành triển khai hoạt động tín dụng chính sách. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ các ngành, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện khá tốt các chỉ tiêu tín dụng và các nhiệm vụ được giao.

Còn hoạt động Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bến Lức được cấp ủy chính quyền địa phương cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách huyện chuyển sang Phòng Giao dịch NHCSXH huyện để cho vay và cùng với nguồn vốn trung ương, tỉnh được Trưởng ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh phân bổ đã đáp ứng kịp thời một phần nhu cầu vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đến nay, tổng nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách huyện để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn hơn 33,8 tỷ đồng, chiếm 7,82% nguồn vốn cho vay trên toàn huyện, tăng 6,6 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2023.

Ngay khi nhận được nguồn vốn ủy thác, Phòng giao dịch NHCSXH huyện phối hợp các ban, ngành liên quan và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tham mưu UBND, Trưởng ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện xem xét, phân bổ vốn cho các xã, thị trấn để cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, nguồn vốn được bổ sung cho chương trình 6,6 tỷ đồng và phân bổ cho các xã, thị trấn trên địa bàn để cho vay sản xuất, kinh doanh theo các dự án giải quyết việc làm. Với nguồn vốn ủy thác từ huyện, tổng số tiền giải ngân trong 6 tháng đầu năm đạt 12,67 tỷ đồng, tạo việc làm cho 210 lao động. Nguồn vốn tập trung cho vay một số dự án, đề án điển hình, thu hút nhiều lao động. Hiện tổng nguồn vốn cho vay đạt 31,7 tỷ đồng, tổng doanh số cho vay từ đầu năm đến ngày 30/6/2024 đạt 12,67 tỷ đồng với 210 lượt khách hàng vay vốn,

Theo kế hoạch thời gian tới, Phòng giao dịch NHCSXH huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 16-CT/TU, Chỉ thị số 66-CT/TU của Tỉnh ủy, Chỉ thị số 65-CT/HU của Huyện ủy và các văn bản chỉ đạo có liên quan nhằm tăng cường sự lãnh đạo, quản lý đối với tín dụng chính sách. Trọng tâm là chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách và hỗ trợ, tạo điều kiện để NHCSXH vận động, huy động các nguồn tiền gửi từ tổ chức, cá nhân và các dịch vụ khác.

Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng chính sách dành cho học sinh, sinh viên giải ngân thuận lợi, mức cho vay được điều chỉnh tăng phù hợp với tình hình thực tế, trở thành “người bạn” đồng hành, tiếp sức cho các em theo đuổi ước mơ học tập, tạo dựng tương lai.

Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bến Lức Trương Trần Tuấn chia sẻ, thời gian qua, các chính sách tín dụng ưu đãi được triển khai bám sát chủ trương, kế hoạch, mục tiêu của địa phương, đáp ứng nhu cầu của người dân và mang lại hiệu quả cao. Trong quá trình giải ngân, cán bộ tín dụng còn lồng ghép tuyên truyền một số nội dung cần lưu ý khi vay vốn, mục đích, ý nghĩa của các chương trình tín dụng để người dân nắm biết.

Với phương châm không để bất kỳ một học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nào phải bỏ học vì thiếu tiền đóng học phí, thời gian qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bến Lức đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người dân. Đơn vị phối hợp chặt chẽ các xã, thị trấn, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn,... thực hiện tốt việc bình xét cho vay. Đến nay, trên địa bàn huyện còn hơn 1.600 hộ dư nợ chương trình vay vốn học sinh, sinh viên với tổng số tiền hơn 92 tỷ đồng.

Sự quan tâm của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, chương trình vay vốn học sinh, sinh viên từ NHCSXH đã phát huy hiệu quả. Nguồn vốn này giúp học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn viết tiếp ước mơ đến trường, bảo đảm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Mục tiêu của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bến Lức là đáp ứng kịp thời nguồn vốn cho vay học sinh, sinh viên đến đúng các đối tượng được thụ hưởng để sau này các em có cuộc sống tốt đẹp hơn.

ThS. Trần Trọng Triết