Chủ tịch kiêm Giám đốc Quỹ tương hỗ lớn thứ tư Trung Quốc bị điều tra
Một Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành về tài chính kỳ cựu của Trung Quốc đại lục đang bị chính quyền điều tra, trường hợp mới nhất về việc chính quyền trung ương thắt chặt giám sát đối với lĩnh vực chứng khoán.
Zhao Xuejun, Chủ tịch Quỹ tương hỗ Harvest Fund Management, đã từ chức khỏi Quỹ tương hỗ vì cuộc điều tra, theo thông báo được công ty có trụ sở tại Bắc Kinh công bố ngày 9/8. Đồng Chủ tịch An Guoyong đã đảm nhận chức vụ Quyền Chủ tịch.
“Hội đồng quản trị đã có những sắp xếp phù hợp để giữ cho đội ngũ quản lý, đầu tư và nghiên cứu ổn định”, quỹ lớn thứ tư đại lục cho biết trong tuyên bố. “Hoạt động kinh doanh của chúng tôi vẫn bình thường.”
Tuyên bố không nêu chi tiết về những hành vi vi phạm của nguyên Chủ tịch Zhao cũng như không nêu tên cơ quan thực thi pháp luật thực hiện lệnh giam giữ.
Ông Zhao, 58 tuổi, có bằng Tiến sĩ kinh tế tại Trường Quản lý Quang Hoa của Đại học Bắc Kinh, trở thành Chủ tịch của Harvest vào năm 2000. Năm 2017, ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành.
Ông được xem là một chuyên gia có tư duy cởi mở với tầm nhìn quốc tế về thị trường chứng khoán đại lục. Dưới sự lãnh đạo của ông, Harvest đã phát triển từ một công ty quản lý quỹ tương hỗ thuần túy thành một tập đoàn quản lý tài sản có hoạt động kinh doanh đa dạng, từ đầu tư bất động sản và vốn cổ phần đến các dịch vụ nghiên cứu đầu tư thông minh.
Theo trang web của công ty, Harvest quản lý khối tài sản trị giá 1,57 nghìn tỷ Nhân dân tệ (219 tỷ USD) và đã tạo ra gần 200 tỷ Nhân dân tệ lợi nhuận cho các nhà đầu tư của mình.
Động thái trên càng bổ sung thêm bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đang quyết tâm tăng cường chấn chỉnh lĩnh vực chứng khoán trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang suy yếu.
Theo các nguồn tin cung cấp cho tờ SCMP, Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc đã cử các đoàn thanh tra đến các công ty quỹ tương hỗ hàng đầu, nhằm loại bỏ hành vi bất hợp pháp của các tổ chức này.
Hầu hết các công ty môi giới và quản lý tài sản hàng đầu của Trung Quốc đều thuộc sở hữu nhà nước.
Cổ phiếu hạng A niêm yết ở đại lục đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm chất xúc tác mới khi nền kinh tế phải vật lộn với những trở ngại từ chi tiêu tiêu dùng yếu và sự suy thoái kéo dài trên thị trường bất động sản. Nhu cầu về cổ phiếu cũng suy yếu sau lần phục hồi do sự can thiệp của nhà nước gây ra đã mất đà, khi các nhà đầu tư chuyển trọng tâm chú ý sang triển vọng tăng trưởng và thu nhập doanh nghiệp. Chỉ số CSI 300 đã giảm gần 10% từ mức cao nhất trong tháng 5.
Ngành dịch vụ tài chính được coi là “ngành tinh hoa” ở Trung Quốc vì ngành này trả lương cao cho nhân viên. Điều này dường như không phù hợp với sáng kiến thịnh vượng chung của Chủ tịch Tập Cận Bình, vốn nhấn mạnh đến việc phân phối tài sản một cách công bằng vào thời điểm đất nước đang phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế.
Các cơ quan quản lý hàng đầu có kế hoạch giới hạn mức lương hàng năm của nhân viên tài chính ở mức khoảng 3 triệu Nhân dân tệ, như một phần của chiến dịch xóa bỏ sự lãng phí và chủ nghĩa hưởng thụ cũng như thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, theo các nguồn tin trước đây cho biết.
Cũng theo nguồn tin, có thể nhiều quan chức cấp cao của các công ty môi giới và quỹ đầu tư sẽ bị trừng phạt vì hành vi tham nhũng trong những tháng tới.