Chứng khoán

Sự kiện tại Bangladesh và cơ hội cho cổ phiếu dệt may

Quỳnh Dương 11/08/2024 08:58

Ngành dệt may Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ những biến động đang diễn ra tại Bangladesh. Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam có thể đón nhận những đơn hàng dịch chuyển từ Bangladesh. MSH, TNG là những cái tên được giới chuyên gia đặt kỳ vọng cao trong cơ hội lần này.

Ngày 4/8, cuộc bạo loạn tại Bangladesh diễn ra khiến ít nhất 97 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Trước đó vào tháng 7, bạo loạn cũng đã xảy ra khiến 67 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình tại quốc gia này. Trước tình hình bất ổn leo thang hiện nay, Chính phủ Bangladesh đã phải ban bố tình trạng giới nghiêm trên toàn quốc vô thời hạn đến khi tình hình lắng xuống.

Trong bối cảnh đó, Hiệp hội Các nhà sản xuất và xuất khẩu may mặc Bangladesh đã yêu cầu tất cả các nhà máy ở nước này đóng cửa cho đến khi cuộc bạo loạn được kiểm soát. Và đến ngày 7/8 vừa qua, các nhà máy may mặc tại Bangladesh đã mở cửa trở lại sau sự việc vừa rồi.

Điểm đáng lưu ý, Bangladesh hiện nay là quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ ba thế giới và là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong chuỗi giá trị ngành dệt may. Việc sự kiện bạo động diễn ra tại quốc gia này khiến chuỗi cung ứng ngành dệt may tạm thời bị gián đoạn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của các công ty may mặc toàn cầu, đặc biệt với các công ty có đặt cơ sở sản xuất tại Bangladesh như H&M, Zara,...

Trước sự kiện trên, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) dẫn nguồn tin của Business Standard của Bangladesh cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may của Bangladesh đang phải chứng kiến số lượng đơn hàng giảm từ 25% - 40%. Đó là chưa kể đến giá xuất khẩu cũng đang phải chịu sự sụt giảm. Nguyên nhân là do nhu cầu sụt giảm trên thế giới. Nhập khẩu từ Tây Âu sụt giảm vì lạm phát; nhập khẩu từ Nga cũng giảm sâu. Một số doanh nghiệp, trước xuất khẩu được sang Nga giá trị hơn 1 triệu USD/tháng thì nay giảm về bằng 0.

Bên cạnh đó, VITAS cho biết, nguyên nhân quan trọng hơn được cho là cuộc khủng hoảng nguồn cung khí đốt mà Bangladesh đang phải đối mặt. Tình hình ngân sách eo hẹp được cho đã buộc Chính phủ Bangladesh phải cắt giảm trợ cấp khí đốt. Đơn hàng vốn đã eo hẹp hơn trước, nhưng với tình hình này dù có đơn hàng thì nhiều doanh nghiệp cũng phải quyết định bỏ đơn. Dệt may vốn là ngành thâm dụng khí đốt. Trong nhiều trường hợp chi phí sản xuất của các doanh nghiệp Bangladesh hiện nay còn cao hơn giá có thể xuất khẩu trên thị trường.

bu-cblqcf.jpg

Theo VITAS, là đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ của Việt Nam, với tình hình trên thì trước mắt sẽ có một số lợi thế cho dệt may Việt Nam khi ngành dệt may Bangladesh gặp khó khăn.

Thứ nhất, tạm thời năng lực sản xuất hàng dệt may của Bangladesh sẽ bị giảm sút giữa mùa cao điểm đang sản xuất hàng cho mùa đông; nhiều khách hàng sẽ phải dịch chuyển đơn hàng sang nước khác, để bù đắp số lượng thiếu hụt.

Thứ hai, niềm tin của khách hàng đối với ngành dệt may Bangladesh sẽ bị giảm sút.

Thứ ba, sẽ có sức ép tăng lương cho lao động dệt may Bangladesh, như vậy lợi thế về cho phí nhân công của Bangladesh cũng sẽ bị giảm sút.

CTCK Agribank (Agriseco Research) cũng đánh giá ngành dệt may Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự kiện bạo động tại Bangladesh khi các doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc ở Việt Nam có thể đón nhận những đơn hàng dịch chuyển từ quốc gia này. Hiện tại cũng là cao điểm mùa xuất khẩu đối với các mặt hàng may mặc nhằm phục vụ mùa lễ hội cuối năm.

cbsjckbsa.jpg

“Về dài hạn, các doanh nghiệp FDI chắc chắn sẽ suy nghĩ đến việc tìm một quốc gia thay thế Bangladesh trong chuỗi cung ứng ngành dệt may bởi tình trạng bất ổn và những rủi ro gián đoạn tiềm ẩn. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều lợi thế như nguồn nhân công giá rẻ, có tay nghề cao, các chính sách ưu đãi thu hút các doanh nghiệp FDI, cơ sở hạ tầng cũng đang ngày càng hoàn thiện”, chuyên gia của Agriseco Research nhấn mạnh.

FOB (viết tắt của: free on board) có nghĩa là doanh nghiệp sản xuất nhận đơn đặt hàng may mặc chỉ có trách nhiệm vận chuyển hàng ra ngoài cảng biển là hết trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất. Phần chi phí phát sinh như trả tiền vận chuyển tàu biển và bảo hiểm đơn hàng từ cảng cho điểm đến cuối cùng của đơn hàng sẽ do người đặt hàng (khách hàng) chịu trách nhiệm.

Đây sẽ cũng sẽ là cơ hội trên thị trường chứng khoán. Chuyên gia Agriseco Research phân tích, các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam hưởng lợi là các doanh nghiệp có năng lực sản xuất đủ để tiếp nhận các đơn hàng mới dịch chuyển sang từ thị trường Bangladesh.

“Chúng tôi đánh giá cao các doanh nghiệp có tỷ trọng đơn hàng FOB cao trong cơ cấu doanh thu kể đến như MSH, TNG”, chuyên gia cho biết.

Quỳnh Dương