Các nước lớn trên thế giới tăng trưởng không dễ dàng trong những tháng cuối năm 2024
Về tình hình tăng trưởng GDP của các nước lớn trên thế giới, sẽ là không dễ dàng khi động lực tăng trưởng của Mỹ suy giảm, Trung Quốc buộc phải nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng trong những tháng cuối năm, báo cáo mới nhất của VDSC cho hay.
Động lực tăng trưởng của Mỹ suy giảm
Tại chuyên đề vĩ mô mới công bố đầu tháng 8, Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, sau khi điều chỉnh các yếu tố mùa vụ và lạm phát, quý II, tăng trưởng GDP của Mỹ đạt mức tăng trưởng hàng năm 2,8%. Trong đó, tiêu dùng tăng 2,3%, cao hơn mức tăng 1,5% trong quý I, đóng góp 1,6 điểm % vào tăng trưởng GDP quý II.
Ngoài ra, hoạt động tăng hàng tồn kho đóng góp 0,8 điểm % vào tăng trưởng GDP quý II. Nhờ mức tăng 3,9% của chi tiêu liên bang, được thúc đẩy mạnh nhất bởi chi tiêu quốc phòng tăng 5,2%, chi tiêu chính phủ cũng đóng góp 0,5 điểm % vào tăng trưởng chung của quốc gia này.
Mặc dù nhu cầu có vẻ vẫn tích cực nhưng VDSC cho rằng, các thước đo đầu vào để duy trì sự bền vững của chi tiêu đang suy yếu. Cụ thể, thu nhập cá nhân thực tế khả dụng chỉ tăng 0,9% so với cùng kỳ trong quý II, thấp hơn mức tăng 1,5% trong quý I và tiết kiệm cá nhân tiếp tục giảm từ mức tăng 3,8% trong quý I còn 3,5% trong quý II.
Số liệu tháng 6 tiếp tục cho thấy thu nhập khả dụng chỉ tăng 0,2% so với tháng trước, thấp hơn mức tăng 0,4% sau điều chỉnh của tháng 5. Đồng thời, tỷ lệ tiết kiệm ghi nhận tại tháng 6 giảm về mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022, chỉ đạt 3,4%.
Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng 2,6% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái, giảm tốc từ mức tăng 3,3% ghi nhận trong quý I. PCE lõi không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, tăng 2,9% so với mức tăng 3,6% trong quý I. Chỉ số PCE tháng 6 tiếp tục đi xuống, tăng 2,5% so với cùng kỳ, trong đó giá hàng hoá giảm 0,2% và giá dịch vụ tăng 3,9%. PCE lõi tăng 2,6% so với cùng kỳ, cao hơn một chút so với kỳ vọng nhưng về cơ bản xu hướng lạm phát vẫn đang đi đúng hướng.
Tốc độ tăng trưởng trong nửa đầu năm của Mỹ đạt bình quân 2,1%, bằng một nửa mức tăng 4,2% được ghi nhận trong 6 tháng cuối năm 2023. Tốc độ này tương đương với kỳ vọng tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 của FED nhưng chỉ cao một chút so với kỳ vọng tăng trưởng kinh tế dài hạn của FED là 1,8%.
"Trong nửa cuối năm 2024, dự kiến suy thoái kinh tế sẽ không xảy ra, tuy nhiên, tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ có thể chậm lại với các tín hiệu suy yếu ban đầu của thị trường lao động, niềm tin tiêu dùng yếu và áp lực nợ của hộ gia đình đang gia tăng", VDSC dự báo.
Trung Quốc tiếp tục nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng
Quý II, tăng trưởng GDP của Trung Quốc tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 5,3% trong quý I. Kinh tế Trung Quốc thể hiện bức tranh tương phản với Mỹ khi động lực tăng trưởng đến từ sản xuất và xuất khẩu. Xuất khẩu Trung Quốc tiếp tục tăng 8,3% so với cùng kỳ trong tháng 6, cao hơn mức tăng lần lượt là 1,5% và 7,6% trong tháng 4 và tháng 5. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 6,0% so với cùng kỳ.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), xuất khẩu ròng hàng hóa và dịch vụ đóng góp 13,9% vào tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2024, đóng góp 0,7 điểm % vào tăng trưởng GDP.
Trái lại, tiêu dùng tại Trung Quốc không đạt được mức tăng như kỳ vọng. Doanh số bán lẻ hàng hoá trong tháng 6 chỉ tăng 2,0% so với cùng kỳ, thấp hơn kỳ vọng 3,4% và mức tăng lần lượt là 3,7% và 2,3% trong tháng 4 và tháng 5. Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh số bán lẻ tăng 3,7% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 4,7% trong quý I.
Thị trường bất động sản tại Trung Quốc vẫn đang tiếp tục ở vùng đáy, trong khi mức suy giảm đầu tư bất động sản đã thu hẹp trên cơ sở mức nền thấp. Trong tháng 6, mức giảm số lượng bất động sản khởi công đã thu hẹp từ -22,1% trong tháng 5 xuống -21,7%. Trong khi đó, mức giảm đầu tư phát triển bất động sản so với cùng kỳ đã thu hẹp từ -11,0% trong tháng 5 xuống -10,1%. Giá nhà mới giảm tháng thứ 13 liên tiếp -4,9% so với cùng kỳ trong tháng 6, giá nhà đã qua sử dụng cũng giảm 7,9%.
Tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc dù đạt mục tiêu đề ra là 5% trong nửa đầu năm nhưng không đồng đều với ngành sản xuất vững chắc và tiêu dùng vẫn còn yếu. Trong khi đó, căng thẳng thương mại sau bầu cử Mỹ có thể gây ra những bất ổn đối với triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế này trong quý cuối năm.
Trong một động thái chính sách mới nhất, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã giảm một loạt lãi suất chính sách trong nỗ lực nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, PBOC đã giảm 10 điểm cơ bản lãi suất repo đảo ngược kỳ hạn 7 ngày và lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 1 năm và 5 năm xuống lần lượt 1,7%, 3,35% và 3,85%. Đồng thời, PBOC sau đó cũng giảm 20 điểm cơ bản lãi suất cho vay trung hạn (MLF) xuống 2,3%. Nhiều nhà kinh tế dự báo PBOC sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành và tỷ lệ dự trữ bắt buộc khi FED bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất.