Dòng tiền bắt đáy được "kích hoạt", VN-Index nối dài đà hồi phục
Sau những nhịp điều chỉnh mạnh, thị trường đã trở mức hấp dẫn hơn và kích hoạt dòng tiền bắt đáy nhập cuộc. Lực cầu chiếm ưu thế trong phiên hôm nay ( ngày12/8) đã giúp VN-Index tăng gần 7 điểm, vượt ngưỡng 1.230 điểm.
VN-Index mở cửa phiên đầu tuần trong sắc xanh và ghi nhận nhịp giằng co với biên độ nhỏ trong phiên sáng. Thị trường chung giao dịch tương đối trầm lắng và không có biến động nổi bật, thanh khoản cũng duy trì ở mức trung bình. Nguyên do chính đến từ sự thiếu đồng thuận ở nhóm blue-chips khiến thị trường vẫn xuất hiện một số nhịp giằng co xuống dưới tham chiếu. Tuy nhiên, điểm tích cực là dòng tiền đã có sự phân hóa khi tìm đến nhóm ngành và cổ phiếu riêng lẻ.
Diễn biến của thị trường đầu phiên chiều tương tự phiên sáng. Nổi bật trong phiên là sắc xanh được duy trì tốt ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn như FPT, GVR, GAS giúp nâng đỡ điểm số chung. Gần cuối phiên, lực cầu bất ngờ có xu hướng tăng, đồng thời nhóm blue-chips hồi phục đồng thuận hơn giúp VN-Index mở rộng biên độ tăng điểm.
Cổ phiếu ngân hàng hôm nay cũng có phiên khởi sắc khi hầu hết đều kết phiên trong sắc xanh với những mã nổi bật như MBB tăng 1,07%, ACB tăng 0,85%, TPB tăng 0,88%, VPB tăng 0,83%.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu họ Vingroup trở thành gánh nặng của chỉ số chung khi VHM và VIC lần lượt kéo lùi VN-Index 0,75 và 0,56 điểm. Kết phiên, VHM giảm 1,88%, VIC giảm 1,46%, VRE giảm 0,57%.
Thanh khoản phiên hôm nay tiếp tục suy so với phiên cuối tuần qua và duy trì ở mức thấp với giá trị giao dịch cả 3 sàn đạt khoảng 15.580 tỷ đồng.
Khối ngoại cũng có tín hiệu giao dịch chậm lại và mua ròng với tổng giá trị ròng đạt 68 tỷ đồng, tập trung mua HDB, MWG, FPT.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, sàn HOSE có 238 mã tăng và 168 mã giảm, VN-Index tăng 6,64 điểm (+0,54%), lên 1.230,28 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 551 triệu đơn vị, giá trị đạt 14.033 tỷ đồng, giảm 6% về khối lượng và 2% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 56,5 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.989 tỷ đồng.
Sàn HNX có 84 mã tăng và 71 mã giảm, chỉ số HNX-Index tăng 1,39 điểm (+0,61%) lên 230,77 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh hơn 44 triệu đơn vị, giá trị đạt 974 tỷ đồng, giảm 21% khối lượng và 14% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,3 triệu đơn vị, giá trị đạt 392 tỷ đồng.
Sàn UPCoM có 156 mã tăng và 104 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,20 điểm (+0,22%), lên 93,00 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 37,6 triệu đơn vị, giá trị đạt 573 tỷ đồng, giảm 22% về khối lượng và 5% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,4 triệu đơn vị, giá trị đạt 21,6 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng nhẹ, với VN30F2408 tăng tốt nhất là 5,1 điểm, tương đương +0,4% lên 1.270 điểm, khớp lệnh hơn 226.420 đơn vị, khối lượng mở hơn 51.620 đơn vị.
Nhận định về phiên giao dịch đầu tuần, Công ty Chứng khoán (CTCK) Vietcombank (VCBS) đánh giá, lực cầu đã dần quay trở lại trong phiên giúp thị trường tiếp tục ghi nhận phiên giao dịch hồi phục tăng điểm. Với diễn biến hiện tại, VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục giải ngân từng phần ở những cổ phiếu có dòng tiền vào đều đặn, duy trì vận động ổn định quanh đường MA20 và không có cản kháng cự mạnh trong ngắn hạn. Một số nhóm ngành nên chú ý trong thời điểm này bao gồm xăng dầu, vận tải cảng biển, bán lẻ.
Về chiến lược giao dịch trong tuần này, CTCK VNDIRECT nhận định, sau nhịp điều chỉnh mạnh đầu tuần trước, định giá của thị trường cũng về mức hấp dẫn hơn khi P/E của VN-INDEX đã có thời điểm chạm mức -1 độ lệch chuẩn, từ đó kích thích dòng tiền “bắt đáy” nhập cuộc.
Với những biến động trên thị trường tài chính trong nước và quốc tế vừa qua, VNDIRECT vẫn duy trì quan điểm tích cực đối với triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung hạn từ 6 - 12 tháng tới nhờ: Kết quả kinh doanh tích cực trong quý II/2024 đã củng cố cho dự báo rằng lợi nhuận toàn thị trường có thể tăng trưởng 18% trong năm nay; Kịch bản FED hạ lãi suất điều hành 2-3 lần từ nay đến cuối năm đang dần trở nên hiện hữu, điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực tỷ giá và Ngân hàng Nhà nước có thể linh hoạt hơn để bơm thanh khoản vào hệ thống, đặc biệt là trong quý IV/2024 (thông qua kênh OMO và mua vào USD), qua đó giúp duy trì mặt bằng lãi suất trong nước ở mức hấp dẫn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tuy vậy, nhà đầu tư cũng cần lưu ý duy trì tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý (60-70% cổ phiếu) và không sử dụng đòn bẩy để quản trị rủi ro khi trong ngắn hạn thị trường vẫn còn nguy cơ rung lắc mạnh.