Trung Đông "nóng lên", dòng tiền đầu tư chảy mạnh vào thị trường dầu thô và kim loại quý
Thị trường dầu vẫn giữ nguyên “sức nóng” trong bối cảnh nguy cơ địa chính trị tại Trung Đông leo thang. Bên cạnh đó, dòng tiền cũng chảy mạnh vào kênh trú ẩn an toàn, thúc đẩy đà tăng của các mặt hàng kim loại quý.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), lực mua tiếp tục áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới ngày giao dịch đầu tuần (ngày 12/8). Trong đó, nhóm năng lượng dẫn dắt xu hướng toàn thị trường khi cả 5 mặt hàng đồng loạt tăng giá. Đóng cửa, chỉ số MXV-Index tăng thêm 0,86% lên 2.130 điểm.
Giá dầu tăng phiên thứ 5 liên tiếp
Đóng cửa ngày giao dịch hôm qua, giá dầu thế giới nối dài đà tăng bất chấp việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu 2024. Sức nóng tại khu vực Trung Đông quay lại tạo đà thúc đẩy giá. Kết phiên, giá dầu WTI tăng 4,19% lên mức 80,06 USD/thùng, dầu thô Brent tăng 3,31% đạt 82,3 USD/thùng.
Bộ Quốc phòng Mỹ cuối tuần qua cho biết sẽ gửi một tàu ngầm tên lửa dẫn đường đến Trung Đông khi khu vực này chuẩn bị cho các cuộc tấn công có thể xảy ra vào Israel của Iran và các đồng minh. Iran và Hezbollah trước đó đã tuyên bố sẽ trả đũa vụ ám sát lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh và chỉ huy quân sự Hezbollah Fuad Shukr. Một cuộc tấn công có thể làm gia tăng xung đột Trung Đông, đồng thời thắt chặt khả năng tiếp cận nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Trong khi đó, Bộ Năng lượng Mỹ tiếp tục cho biết họ đang tìm mua thêm 6 triệu thùng dầu thô để lấp đầy kho dự trữ chiến lược. Cho đến nay, Mỹ đã bổ sung 43 triệu thùng dầu vào kho dự trữ, những động thái liên tiếp từ Bộ Năng lượng cũng phần nào thúc đẩy đà tăng đối với giá.
Đà tăng trên thị trường tiếp tục được củng cố sau khi công ty nghiên cứu năng lượng Energy Aspects cho biết, tỷ lệ nền kinh tế toàn cầu phải trải qua một cuộc suy thoái là rất thấp. Energy Aspects cũng tương đối lạc quan với tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm nay với dự báo 1 triệu thùng/ngày.
Mức dự báo từ Energy Aspects thận trọng hơn nhiều so với ước tính tăng trưởng 2,11 triệu thùng/ngày trong năm nay của OPEC. Mặc dù hạ dự báo từ mức 2,25 triệu thùng/ngày trước phản ánh kỳ vọng yếu hơn về tăng trưởng nhu cầu dầu của Trung Quốc vào năm 2024, tăng trưởng nhu cầu năm nay vẫn cao hơn mức trung bình lịch sử 1,4 triệu thùng/ngày trước đại dịch Covid vào năm 2019. Theo nhóm xuất khẩu, mặc dù mùa lái xe mùa hè có khởi đầu chậm so với năm trước, nhu cầu nhiên liệu vận tải dự kiến sẽ vẫn tích cực trong bối cảnh di chuyển đường bộ và đường hàng không hồi phục tốt.
Thị trường kim loại khởi động tuần mới trong sắc xanh
Sau tuần giao dịch đỏ lửa, thị trường kim loại đã bắt đầu tuần mới với phiên giao dịch khởi sắc khi có tới 9/10 mặt hàng tăng giá. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc, bạch kim đồng loạt phục hồi và tăng trên 1,5%, đóng cửa lần lượt lại mức 28 USD/ounce và 946,6 USD/ounce.
Trong phiên hôm qua, dòng tiền chảy mạnh vào kênh đầu tư trú ẩn an toàn khi xung đột Trung Đông tiềm ẩn nguy cơ leo thang hơn nữa. Lực lượng Israel vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc không kích gần thành phố Khan Younis, phía nam Gaza, bất chấp việc Mỹ tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận nhằm ngừng giao tranh ở dải Gaza. Hơn nữa, truyền thông nước ngoài đưa tin Iran và lực lượng ủy nhiệm có thể tấn công Israel trong một ngày tới để trả đũa việc thủ lĩnh Hamas bị tiêu diệt vào cuối tháng trước.
Thêm vào yếu tố hỗ trợ, giá kim loại quý cũng được hưởng lợi trong bối cảnh thị trường vẫn đang lạc quan về triển vọng lãi suất của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), nhất là khi lạm phát tại Mỹ được kỳ vọng tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 7. Hai thước đo lạm phát là chỉ số giá sản xuất (PPI) và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ lần lượt được công bố vào 2 ngày 13 - 14/8. Hai báo cáo này sẽ làm sáng tỏ hơn lộ trình cắt giảm lãi suất của FED trong thời gian tới.
Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX tiếp đà tăng từ cuối tuần trước với mức tăng gần 2% lên 8.969 USD/tấn, sau một loạt các tin tức làm gia tăng rủi ro nguồn cung. Oxford Economics Africa đưa tin việc Zambia đóng cửa biên giới với CHDC Congo đang chặn tuyến đường xuất khẩu khoáng sản chính của nước sản xuất đồng lớn thứ 2 thế giới này. Điều này có thể khiến hoạt động xuất khẩu đồng của Congo bị trì hoãn và nguồn cung đồng toàn cầu bị ảnh hưởng.
Hơn nữa, dữ liệu do Bộ Năng lượng và Mỏ Peru (MINEM) công bố hôm qua cho thấy, sản lượng đồng ở Peru chỉ đạt hơn 213.500 tấn vào tháng 6, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 7,7% so với tháng trước.
Trong diễn biến khác, giá quặng sắt lại đi ngược chiều cả nhóm kim loại khi ghi nhận mức giảm 1,76% về 99,31 USD/tấn. Triển vọng tiêu thụ kém tại Trung Quốc vẫn đang gây sức ép lên giá quặng sắt, đặc biệt là khi áp lực cắt giảm sản lượng tại các nhà máy thép ngày càng tăng.