Bất động sản

10 công ty bất động sản tư nhân nộp 32.000 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước

M.Đ 13/08/2024 - 12:03

Trong năm 2023, 10 công ty bất động sản tư nhân nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam đã đóng góp tổng cộng hơn 32.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, trong đó, có 8/10 doanh nghiệp có số nộp trên 1.000 tỷ đồng.

Là một trong 20 ngành kinh tế cấp 1 và đứng thứ 11 về quy mô (theo số liệu năm 2022 của Tổng cục Thống kê), bất động sản đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam trong việc tạo dựng cơ sở hạ tầng, tạo việc làm và tạo ra tăng trưởng kinh tế, và là ngành thúc đẩy sự đi lên của nhiều lĩnh vực liên quan như bán lẻ, du lịch, giáo dục, cơ sở sản xuất…

Nhằm ghi nhận những đóng góp này của các công ty bất động sản tư nhân nói riêng và lĩnh vực bất động sản nói chung; CafeF vừa công bố Danh sách Top 10 công ty bất động sản tư nhân nộp ngân sách Nhà nước lớn nhất Việt Nam.

top-10-dn-bds.png

Theo đó, 10 công ty bất động sản tư nhân đứng đầu về nộp ngân sách nhà nước trong năm 2023, gồm: Công ty cổ phần (CP) Vinhomes, Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy; Công ty CP Đầu tư Bất động sản Taseco; Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản DOJILAND; Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest; Tổng công ty Idico; Công ty CP Vincom Retail; Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền; Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova; Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam.

Những dự án tại Hải Phòng

Điểm đáng chú ý là cả 5 cái tên đứng đầu danh sách đều liên quan đến từ khóa “Hải Phòng”.

Công ty CP Vinhomes (mã chứng khoán VHM) nộp khoảng 18.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước năm 2023. Trong đó, lớn nhất là thuế giá trị gia tăng (GTGT) với hơn 9.400 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hơn 5.800 tỷ đồng, tiền sử dụngđất/thuê đất gần 2.000 tỷ đồng, cùng các loại thuế khác

Tính chung cả năm 2023, VHM ghi nhận hơn 103.000 tỷ doanh thu thuần, tăng 66% so với năm trước, chủ yếu đến từ bàn giao 9.800 căn bất động sản thấp tầng tại hai dự án Vinhomes Ocean Park 2 và 3 tại Hưng Yên.

Bên cạnh Ocean Park thì một dự án thu hút sự chú ý rất lớn của Vinhomes hiện tại là Vinhomes Royal Island tại đảo Vũ Yên, Hải Phòng được mở bán hồi cuối tháng 3/2024. Đây là một đại đô thị với quy mô 877 ha, được gọi là thành phố đảo trong phố đầu tiên tại Việt Nam.

Bên cạnh Vinhomes đại diện cho Vingroup trong đứng Top các doanh nghiệp bất động sản tư nhân nộp thuế lớn nhất thì bản thân Vingroup cùng một số công ty thành viên khác hàng năm cũng có mức nộp ngân sách rất lớn.

gia-tri-nop-ngan-sach.png

Nộp ngân sách nhiều thứ 2 trong PRIVATE 100 ngành bất động sản là Công ty CP Đầu tư Dịch vụ tài chính Hoàng Huy (mã chứng khoán TCH). TCH nộp hơn 5.300 tỷ đồng (chủ yếu là thuế nhà đất và tiền thuê đất), trong đó công ty con bất động sản CRV đóng hơn 5.100 tỷ đồng.

Vốn là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh xe đầu kéo, TCH có bước ngoặt chuyển sang lĩnh vực bất động sản vào năm 2017, với dự án đầu tay Hoàng Huy Golden Land tại Hà Nội. Tuy nhiên sau đó, với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản Hải Phòng, TCH đã trở thành một trong những "tay chơi" lớn nhất ở đây với 7 dự án đã hoàn thiện, đang triển khai và sắp triển khai.

Vị trí thứ 3 trong PRIVATE 100 ngành bất động sản là Công ty CP Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land, mã chứng khoán TAL) với số nộp hơn 2.000 tỷ đồng.

Các dự án tại khu Ngoại Giao Đoàn là bước đệm cho Taseco Land khi mới đặt chân vào lĩnh vực bất động sản vào năm 2016. Từ đó đến nay, chủ đầu tư này đã phát triển nhiều dự án ở khu Ngoại giao đoàn, Tây Hồ Tây (Hà Nội). Đồng thời, công ty cũng có các dự án khu đô thị, khu dân cư ở Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa hay dự án hỗn hợp thương mại dịch vụ, căn hộ ở Quảng Ninh.

Dự án Central Riverside (Khu đô thị mới thuộc Dự án số 4) nằm tại phía Đông TP. Thanh Hóa với tổng diện tích đất 15,66 ha được Taseco Land nộp 1.200 tỷ tiền sử dụng đất vào quý III/2023, là yếu tố chính tạo nên con số nộp ngân sách năm 2023.

Mới đây, HĐQT của Taseco Land thông qua việc thành lập công ty con có tên Công ty cổ phần Taseco Hải Phòng, hé mở cho hoạt động bước chân vào thị trường bất động sản của đất Cảng.

Ở vị trí thứ 4, Công ty TNHH Đầu tư BĐS DOJILAND - công ty con của Công ty CP Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI, nộp ngân sách năm 2023 gần 2.000 tỷ đồng.

DOJILAND nổi tiếng với dòng sản phẩm bất động sản nghệ thuật kim hoàn. Tòa nhà tạo hình viên kim cương nổi tiếng của đơn vị này là DOJI Tower, trụ sở của Tập đoàn, tọa lạc trên mảnh đất vàng của thủ đô tại ngã ba Lê Duẩn – Nguyễn Thái Học – Điện Biên Phủ. Với tổng diện tích sử dụng lên tới gần 19.000 m2, cao 16 tầng và có 3 tầng hầm, trong đó từ tầng 1 tới tầng 5 được thiết kế trở thành trung tâm mua sắm, DOJI Tower là Trung tâm thương mại chuyên ngành – Trung tâm Vàng bạc đá quý và trang sức lớn nhất Việt Nam.

2 công trình biểu tượng tiếp theo đều được xây dựng tại Hải Phòng. Trong đó, Diamond Crown Hai Phong – dự án đầu tiên của DOJILAND tại thành phố cảng mang biểu tượng Vương miện Kim cương của Nữ hoàng còn Golden Crown Hai Phong được thiết kế theo hình tượng Vương miện Vàng của Nhà vua. Đây cũng là Tòa tháp chung cư cao nhất tại Hải Phòng tính đến thời điểm hiện tại.

Trước đó, đơn vị này cũng đã phát triển thành công nhiều dự án hạng sang tại Quảng Ninh gồm Khu đô thị hạng A The Sapphire Residence, Dự án căn hộ nghỉ dưỡng Best Western Premier Sapphire Ha Long và Khu dinh thự cao cấp The Sapphire Mansions...

Ở vị trí thứ 5, Công ty CP Đầu tư Văn Phú Invest (mã chứng khoán VPI) nộp hơn 1.500 tỷ đồng vào ngân sách trong năm 2023, trong đó gần 1.140 tỷ đồng là tiền đấu giá quyền sử dụng đất, chủ yếu đến từ dự án Vlasta Thuỷ Nguyên – Hải Phòng (hơn 950 tỷ đồng) và Song Khê - Nội Hoàng ở Bắc Giang (hơn 180 tỷ đồng).

Những công ty bất động sản nộp NSNN chủ yếu bằng thuế TNDN

Tổng Công ty Idico (IDC) là đại diện duy nhất của lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp (KCN) trong danh sách. Năm ngoái, đơn vị này đã nộp hơn 1.300 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, trong đó: lớn nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp (540 tỷ đồng), thuế GTGT (305 tỷ đồng) và thuế nhà đất, tiền thuê đất (340 tỷ đồng).

Bất động sản khu công nghiệp là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Idico bên cạnh bất động nhà ở, năng lượng và dịch vụ. Không chỉ nắm 10 dự án KCN đang hoạt động, tổng diện tích 3.400ha trên khắp cả nước, Idico còn là chủ đầu tư KCN niêm yết lớn thứ 3 về quỹ đất có thể cho thuê (580ha).

Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán VCG) nộp ngân sách hơn 700 tỷ đồng, một nửa là từ tiền sử dụng đất.

Công ty CP Vincom Retail (VRE) là công ty bất động sản bán lẻ duy nhất trong danh sách. Ở vị thế là doanh nghiệp sở hữu hệ thống 87 trung tâm thương mại – lớn nhất cả nước – Vincom Retail đã đóng hơn 1.170 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, chủ yếu là thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng.

Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (mã chứng khoán KDH) nộp hơn 1.000 tỷ đồng. Trong khi đa số doanh nghiệp bất động sản nhà ở trong danh sách nộp ngân sách năm này chủ yếu từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất thì phần lớn số nộp ngân sách của Khang Điền là thuế thu nhập doanh nghiệp (hơn 800 tỷ đồng).

Tương tự, Công ty CP Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova (Novaland, mã NVL) nộp 739 tỷ đồng vào ngân sách, chủ yếu là thuế thu nhập doanh nghiệp. Công ty này rơi vào cảnh "bất động" trong gần 2 năm để tập trung giải quyết các vấn đề tại các dự án cũ, dù vậy vẫn đứng thứ 10 trong Top10 các doanh nghiệp bất động sản nộp ngân sách nhiều nhất năm 2023.

M.Đ