TP. Hồ Chí Minh: 7 tháng đầu năm, tín dụng tăng 11,47% so với cùng kỳ
Đến cuối tháng 7/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt 3.680 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ so với tháng trước (giảm 0,09%) song tăng 3,9% so với cuối năm trước và tăng 11,47% so với cùng kỳ.
Tỷ lệ này cùng kỳ năm 2023 là 5,34%; năm 2022 là 16,8%; năm 2021 là 13,1% và năm 2020 là 9,1%. Trong đó, tín dụng bằng VND 7 tháng đầu năm tăng 4,54% so với cuối năm trước và tăng 13,52% so với cùng kỳ. Lãi suất thấp, cùng với các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và thực hiện tốt các chương trình tín dụng cho các nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên, là yếu tố tác động chính đến hoạt động tín dụng VND trên địa bàn trong 7 tháng đầu năm.
Tín dụng tháng 7/2024 giảm nhẹ chủ yếu là khoản tín dụng ngắn hạn đến hạn và tín dụng ngoại tệ giảm. Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là những nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực, là yếu tố môi trường quan trọng để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Chỉ tính riêng tín dụng đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên, gồm: doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu; lĩnh vực nông nghiệp & nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dư nợ đến nay đạt 1.652 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng trước. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 83% trong tổng dư nợ tín dụng của 5 nhóm ngành lĩnh vực này, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố trong thời gian qua.
Về hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đến cuối tháng 7/2024, ngành ngân hàng TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức 26 hội nghị kết nối ngân hàng- doanh nghiệp và đã giải ngân các gói tín dụng đạt 306.414 tỷ đồng (do 17 thương hiệu ngân hàng đăng ký từ đầu năm với tổng số tiền 509.864 tỷ đồng), bằng 60% quy mô gói, với 97.138 khách hàng là doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã được hỗ trợ.
Thông qua hoạt động này, không chỉ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tổ chức triển khai thực hiện cơ chế chính sách về lãi suất; về cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ; về các gói tín dụng ưu đãi; thực hiện đối thoại và truyền thông chính sách… mà còn là giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và là nhiệm vụ trọng tâm trong các tháng cuối năm, để đạt được mục tiêu cũng như hoàn thành nhiệm vụ năm của ngành ngân hàng trên địa bàn.