Thanh toán thẻ tiếp tục phát triển, hòa vào dòng chảy chung của thanh toán không dùng tiền mặt với đa dạng phương thức
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Chủ tịch Chi Hội thẻ Ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng khẳng định điều này tại Hội thảo “Thẻ trong bối cảnh và xu hướng thanh toán số” tổ chức ngày 16/8/2024, tại Quảng Ninh. Hội thảo là hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị thường niên 2024 và Hội nghị Nhiệm kỳ 2024-2027 Chi hội Thẻ Ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (Chi Hội thẻ).
Đây là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, các hội viên Chi Hội thẻ cùng nhau trao đổi, chia sẻ, thảo luận về các giải pháp thúc đẩy thanh toán thẻ hiệu quả, an toàn trong bối cảnh chuyển đối số và thanh toán điện tử phát triển mạnh mẽ.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng tham dự và có phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.
Cùng dự hội thảo, về phía Hiệp hội Ngân hàng có ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký.
Các diễn giả, khách mời tham dự có: ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước; ông Thái Mạnh Cường, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh; Đại tá Hoàng Ngọc Bách, Trưởng phòng 4, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an; ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin, Cục Thương mại Điện tử, Bộ Công Thương.
Về phía Chi Hội thẻ Ngân hàng có: bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Chủ tịch; ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Chủ tịch; bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao thành viên Ban Chấp hành Chi Hội.
Dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo cao cấp của 4 tổ chức thẻ (Visa, Mastercard, UnionPay, JCB); các đối tác MK Group, VNPay, Idemia, URBOX, Thales; cùng các ông/bà đại diện lãnh đạo, cán bộ đến từ hơn 40 hội viên Chi Hội thẻ.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Chủ tịch Chi Hội thẻ cho biết: “Trong suốt những năm vừa qua, thanh toán thẻ và các phương tiện thanh toán không tiền mặt đã trở thành một phần tất yếu của xã hội hiện đại vì những tiện ích mang lại cho người tiêu dùng. Làn sóng thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đang mang đến vô vàn tiềm năng tăng trưởng và đổi mới”.
Các số liệu thống kê cho thấy rõ sự chuyển dịch trong thói quen thanh toán của người tiêu dùng từ thanh toán tiền mặt sang thanh toán thẻ. Doanh số rút tiền mặt có xu hướng giảm dần, doanh số chi tiêu thẻ trong 4 năm gần đây tăng trưởng bình quân ở mức 33%, cao hơn tốc độ tăng trưởng số lượng thẻ lưu hành (5%) cho thấy thị trường đã có sự cải thiện tích cực về chất lượng.
“Trong thời đại công nghệ số không ngừng phát triển, các giải pháp thanh toán mới liên tục được đưa ra thị trường, tuy nhiên, thẻ vẫn là nền tảng cho sự phát triển của các phương thức thanh toán này”, bà Oanh nhấn mạnh.
Một số dấu ấn nổi bật trong hoạt động thẻ giai đoạn 2021-2024
Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Chi Hội thẻ đã điểm lại một số dấu ấn nổi bật trong hoạt động thẻ giai đoạn 2021-2024.
Về công nghệ: Hàng loạt giải pháp công nghệ hiện đại đã được triển khai làm thay đổi hoàn toàn phương thức thanh toán thẻ truyền thống.
Thẻ phi vật lý cùng với giải pháp định danh eKYC, mã hóa số thẻ tokenization và các phương thức thanh toán qua di động như Apple Pay, Samsung Pay, Google Pay cho phép người dùng phát hành thẻ online mọi lúc mọi nơi và sử dụng thẻ tiện lợi chỉ với một chiếc smartphone, không cần phải sử dụng thẻ vật lý.
Chuyển dịch hành vi khách hàng: Với sự nỗ lực của các tổ chức hội viên trong truyền thông – giáo dục tài chính cho người tiêu dùng, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và ảnh hưởng của đại dịch Covid, hành vi thanh toán đã có sự thay đổi rõ rệt:
Khách hàng có xu hướng giảm rút tiền mặt, tăng sử dụng thẻ để chi tiêu, thanh toán hàng hóa dịch vụ.
Doanh số sử dụng thẻ để thanh toán hàng hóa dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng 33%/năm trong giai đoạn 2021 – đến tháng 6/2024, tỷ trọng thanh toán, chi tiêu bằng thẻ so với rút tiền mặt tăng từ 23% trong 2021 lên 39% trong 6 tháng năm 2024.
Bên cạnh đó, khách hàng cũng thể hiện sự ưa thích với hình thức thanh toán mã QR vì tiện lợi, dễ dàng sử dụng và được chấp nhận rộng rãi ở khắp các khu vực đô thị và lan tỏa đến cả khu vực nông thôn.
Hiện nay, số lượng đơn vị chấp nhận mã QR đóng góp tỷ trọng lớn nhất trong số các đơn vị chấp nhận thanh toán, với hơn 1 triệu đơn vị, tăng gấp 8,2 lần so với năm 2021.
Trong 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023, thanh toán qua mã QR tăng trưởng khoảng 100% cả về số lượng giao dịch và giá trị giao dịch.
Sản phẩm: Trong những năm gần đây, các ngân hàng đã rất năng động, sáng tạo, kịp thời nắm bắt xu hướng và tạo ra xu hướng để cho ra đời các sản phẩm thẻ độc đáo, hấp dẫn, may đo cho từng đối tượng khách hàng.
Những sản phẩm dành cho giới trẻ có những thiết kế thời trang, tính năng ưu đãi phù hợp với cá tính phong cách của giới trẻ.
Những sản phẩm dành cho khách hàng cao cấp đều có những ưu đãi chuyên biệt, vượt trội, thiết kế sang trọng, khẳng định đẳng cấp riêng có của tập khách hàng này.
Trải nghiệm khách hàng: Sự cộng hưởng của công nghệ mới và kiến tạo của các ngân hàng trong nghiên cứu phát triển sản phẩm đã mang đến những trải nghiệm mới mẻ, số hóa, cá nhân hóa… nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Để có được những kết quả tích cực của thị trường thẻ trong thời gian vừa qua, bên cạnh nỗ lực của các tổ chức hội viên và Chi Hội thẻ, đại diện Chi Hội nhấn mạnh “không thể thiếu sự chỉ đạo và hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước, sự đồng hành của các bộ, ban ngành có liên quan. Đặc biệt, trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an đã ban hành nhiều văn bản pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, hoạt động thẻ và các giải pháp xác thực định danh khách hàng, ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc học, tạo hành lang và cơ sở cho thanh toán thẻ và thanh toán số phát triển theo hướng an toàn bảo mật, giúp bảo vệ cả đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán và người tiêu dùng”.
Tăng cường quản trị rủi ro trước những diễn biến phức tạp, khó lường trong giao dịch thanh toán
Song hành cùng sự phát triển trong thói quen và hành vi thanh toán không dùng tiền mặt của người dân, bên cạnh những cơ hội thì hoạt động thẻ cũng đặt ra không ít vấn đề cần quan tâm giải quyết.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quý, Trưởng Tiểu ban Quản lý rủi ro Chi Hội thẻ, tình hình rủi ro giao dịch thẻ/thanh toán nội địa và cả thanh toán thẻ quốc tế diễn biến phức tạp và khó lường với rất nhiều thủ đoạn tinh vi của các đối tượng tội phạm.
Đối với các thủ đoạn lừa đảo khách hàng tự thực hiện, Tiểu ban Quản lý rủi ro thống kê được tới 24 hình thức lừa đảo như: Cuộc gọi video deepface, deepvoice; combo du lịch giá rẻ; giả mạo biên lai chuyển tiền; giả danh nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu; tuyển người mẫu nhí; thông báo khoá sim vì chưa chuẩn hoá thuê bao; giả danh công ty tài chính; cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ; giả mạo website; giả mạo SMS; lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo; lừa đảo tuyển dụng cộng tác viên; đánh cắp tài khoản mạng xã hội nhắn tin lừa đảo; giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, toà án; rao bán hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử; chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng; đánh cáp thông tin căn cước công dân đi vay nợ; dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa; tung tin giả về cuộc gọi mất tiền FlashAI; dịch vụ lấy lại tài khoản facebook; Seeding quảng cáo bẩn trên mạng xã hội; cho số đánh đề; bẫy tình cảm; gửi bưu kiện, trúng thưởng.
Ngoài những hình thức lừa đảo được thống kê nêu trên ông Quý cũng đi sâu vào trình bày 2 trường hợp lừa đảo phổ biến nhất trong thời gian vừa qua, đó là: giả mạo ứng dụng để chiếm quyền kiểm soát thiết bị; hay kẻ gian giả danh cán bộ ngân hàng liên hệ qua điện thoại/ mạng xã hội mời chào mở thẻ phi vật lý trên app ngân hàng, lừa đảo cung cấp số thẻ, mã OTP để thực hiện giao dịch.
Đối với thẻ quốc tế, tội phạm thường khai thác lỗ hổng bảo mật, lấy thông tin khách hàng trên phạm vi lớn hoặc chủ đích đoán định thông tin khách hàng để tích luỹ lượng lớn thông tin khách hàng/thẻ. Ngoài ra, cũng đã ghi nhận những trường hợp khách hàng cố tình trục lợi/gian lận thông qua đặc điểm chính sách bán hàng/hoàn tiền khi phát sinh khiếu nại của Facebook, Google, Apple…
Thông tin rõ hơn về một số hình thức lừa đảo, đại tá Hoàng Ngọc Bách, Trưởng phòng 4, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) cho biết, tình trạng giả danh lực lượng thực thi pháp luật của tội phạm liên tục tục gia tăng về số vụ việc. Đối tượng mạo danh lực lượng thực thi pháp luật để thao túng tâm lý, đe doạ cưỡng ép chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng. Thủ đoạn của các đối tượng tội phạm hết sức tinh vi khi thường đánh vào tâm lý người dân ở những vấn đề liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật (rửa tiền, buôn bán ma tuý...), hay các vấn đề về hỗ trợ khai báo miễn trừ thuế, hỗ trợ cái đặt VneID.
Cùng với đó còn xuất hiện nhiều vụ việc liên quan đến hoạt động lừa đảo đầu tư tài chính. Theo đó, đối tượng mời nhà đầu tư tham gia vào các nhóm tư vấn, trao đổi trên zalo, telegram… từ đó cùng những thành viên khác nhắn tin, gọi điện thuyết phục nhà đầu tư tham gia đầu từ nhằm chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn tội phạm thường dùng là các “mồi nhử” như lãi suất cao, an toàn, có thể rút vốn bất cứ lúc nào, không cần bỏ ra nhiều thời gian, trí tuệ; hỗ trợ khai báo miễn trừ thuế; tạo tài khoản mạng xã hội ảo đóng vai doanh nhân, chuyên gia rồi kết bạn làm quen.
Đại tá Hoàng Ngọc Bách cũng lưu ý thêm, thời gian gần đây khi Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức phát hành thẻ siết chặt quản lý tài khoản cá nhân, các đối tượng đã có những động thái chuyển sang mua bán tài khoản doanh nghiệp (đặc biệt là tài khoản của doanh nghiệp siêu nhỏ) để phục vụ cho mục đích lừa đảo.
Thủ đoạn của đối tượng lừa đảo muôn hình, vạn trạng không ngừng thay đổi bởi vậy, đại tá Hoàng Ngọc Bách cho rằng để có thể đối phó hiệu quả, cần: Tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống đặc biệt là hệ thống xác thực sinh trắc học, eKYC để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động gian lận, giả mạo khi mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng. Tăng cường công tác hậu kiểm việc mở tài khoản, thẻ ngân hàng qua eKYC; kết nối nền tảng trực tuyến hệ thống cơ sở dữ liệu cảnh báo danh sách tài khoản ngân hàng, ví điện tử liên quan đến hoạt đông vi phạm pháp luật của Bộ Công an để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn thu hồi tài sản cho khách hàng. Đồng thời, ban hành quy trình phối hợp chung, thống nhất toàn ngành Ngân hàng để cùng ứng xử đối với các tài khoản trong danh sách cảnh báo; đầu tư về con người, công nghệ, hậu kiểm tài khoản, phát triển hệ thống sàng lọc, phân tích, cảnh báo tài khoản phát sinh đáng ngờ theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền hay các quy định tại Công văn số 4884/NHNN-TT ngày 22/6/2023 về việc áp dụng các biện pháp hạn chế việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán cho mục đích gian lận, lừa đảo; Tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn để không ngừng nâng cao nhận thức và kiến thức bảo đảm an ninh, an toàn cho cán bộ, nhân viên, khách hàng.
Đứng từ góc độ Tiểu ban Quản lý rủi ro, ông Nguyễn Ngọc Quý đề xuất tăng cường hơn nữa sự phối hợp và hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị như Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Chi Hội thẻ, Tổ chức thẻ quốc tế/Napas. Theo đó, Napas cần đẩy nhanh tốc độ ban hành quy trình phối hợp hỗ trợ xử lý tài khoản/thẻ nghi ngờ liên quan đến giả mạo, gian lận giữa các tổ chức thành viên; Ngân hàng Nhà nước ban hành hướng dẫn cụ thể về phương thức xác thực làm cơ sở để các tổ chức tín dụng áp dụng và triển khai tuân thủ; Tổ chức thẻ quốc tế chia sẻ thông tin trên nguyên tắc hỗ trợ thị trường như cung cấp thông tin cảnh bảo miễn phí, giảm phí sử dụng các chương trình cảnh báo phù hợp….
Phát triển hệ sinh thái thanh toán trong bối cảnh số hoá
Cơ hội và thách thức luôn song hành, bởi vậy, theo khẳng định của bà Nguyễn Thị Kim Oanh: “Trong thời gian tới, thanh toán thẻ sẽ tiếp tục phát triển, hòa vào dòng chảy chung của thanh toán không dùng tiền mặt với đa dạng các phương thức thanh toán mới và hiện đại hơn nữa, mang lại tiện ích cho người tiêu dùng và giá trị bền vững cho xã hội”.
Theo số liệu thống kê của Vietcombank, giá trị giao dịch thẻ hàng năm trên thị trường thẻ và thanh toán thẻ Việt Nam vào khoảng 36,6 tỷ USD. Dự báo tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2023-2027 sẽ ở mức 15%.
Dịch vụ thanh toán thẻ tại Việt Nam đang có nhiều thuận lợi để phát triển nhờ các chính sách được Ngân hàng Nhà nước ban hành gần đây luôn hướng đến việc bảm bảo an toàn thông tin trong giao dịch ngân hàng, giao dịch thẻ của người dân. Thị trường phát triển đa dạng hình thức thanh toán online với nhiều giải pháp thanh toán mới đến từ đa dạng các nhà cung cấp trong và ngoài nước, ví như các giải pháp thanh toán token của Apple Pay, Google Pay… đã chính thức ra mắt tại thị trường trong năm 2023, gia tăng tiện ích và bảo mật thành toán cho người dùng.
Các ngân hàng và trung gian thanh toán tích cực cải tiến các phương thức thanh toán không tiếp xúc. Năm 2023, thị trường ra mắt sản phẩm softPOS cho phép người dùng sử dụng điện thoại di động như một thiết bị POS, chấp nhận thanh toán không tiếp xúc.
Đề cập về cơ hội cho phát triển hệ sinh thái thanh toán trong bối cảnh số hoá, ông Trần Văn Thành, Phó trưởng phòng phát triển kênh số và đối tác Vietcombank cho rằng, có 2 vấn đề cần quan tâm: Thứ nhất, chú trọng chuyển đổi các giải pháp thanh toán đơn giản với chi phí thấp như thanh toán qua QR code, tài khoản, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các chính sách ưu đãi phí, đặc biệt với một số lĩnh vực thiết yếu như dịch vụ công, y tế…; Thứ hai, tối ưu chi phí đầu tư thiết bị cứng.
Dẫn ví dụ ở ngân hàng mình, ông Thành cho biết, từ năm 2023, Vietcombank đã tiên phong trong triển khai VCB Tap To Phone và hiện đang thu được những kết quả hết sức tích cực khi chiếm tới 24% doanh số thanh toán softPOS tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2024.
Trong khi đó, tại Techcombank, ông Koustuv Banerjee - Giám đốc cao cấp Phân tích dữ liệu kinh doanh đã chia sẻ một cách tiếp cận khác của ngân hàng này với thanh toán thẻ. Theo đó, Techcombank tập trung ứng dụng AI trong thanh toán thẻ với quan điểm “Dữ liệu là bộ não và trái tim của chuyển đối số”. Việc tập trung khai thác sức mạnh dữ liệu và ứng dụng AI cho phép Techcombank “tư duy” như khách hàng, thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận từ bị động sang chủ động và tiến tới “dự báo” nhu cầu của họ từ đó gia tăng được giá trị.
"Mong muốn của Techcombank là thực sự thấu hiểu, thậm chí “tư duy” như khách hàng của mình – biết được chính xác sản phẩm nào được ưa chuộng và vì sao, tính năng nào hữu ích với khách hàng hoặc ngược lại….", đại diện Techcombank chia sẻ.
Tham luận và phát biểu thảo luận tại hội thảo, đại diện tới từ các tổ chức thẻ quốc tế Visa, Mastercard cũng đã có những chia sẻ thú vị về tầm nhìn của tổ chức mình trước những thay đổi của xu hướng phát triển thanh toán số. Điểm chung nhất của các ý kiến đều cho rằng, thanh toán số, chuyển đổi trong hoạt động thanh toán là điều tất yếu mang lại cơ hội cho cả nhà cung cấp và khách hàng. Tất cả đều hướng tới mang lại trải nghiệm thanh toán thân thiện, mượt mà cho người dùng, với những tiêu chuẩn nhằm đảm bảo an toàn nhất.
Sau khi nghe báo cáo và trình bày tại Hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Phạm Tiến Dũng đánh giá cao nội dung, chủ đề và các trao đổi tại Hội thảo. Phó Thống đốc bày tỏ ấn tượng với cách thức ứng xử mà các tổ chức phát hành thẻ đang linh hoạt thực hiện để thích ứng với những phát triển và những đòi hỏi của thị trường.
Phó Thống đốc lưu ý một số việc mà tổ chức phát hành thẻ cần quan tâm trong thời gian tới, bao gồm: việc tổ chức triển khai tuân thủ theo đúng các quy định pháp lý dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước; chung tay trong triển khai mở rộng hoạt động thanh toán song phương theo chủ trương của chính phủ; quan tâm hơn nữa đến đảm bảo an toàn bảo mật trong thanh toán thẻ, lưu ý các vấn đề vừa được đại diện Bộ Công an nêu trong thảo luận; làm việc cùng các tổ chức thẻ quốc tế để có thể đồng hành, hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các khách hàng trên thị trường Việt Nam.
Tại hội thảo đại diện các cơ quan quản lý, các tổ chức phát hành thẻ đều có chung quan điểm: Phát triển an toàn hoạt động thanh toán thẻ, bảo vệ quyền lợi khách hàng sử dụng thẻ và dịch vụ ngân hàng luôn là mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức phát hành thẻ, và các các cơ quan liên quan luôn hướng tới.