Tín dụng chính sách giúp sức hộ nghèo đổi đời ở Đồng Tháp
Nhờ chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách; kịp thời rà soát đối tượng, nhu cầu vay vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Tháp giải ngân nguồn vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn để khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống...
Đặc biệt, từ các nguồn vốn tín dụng chính sách, từ đầu năm đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Tháp đã kịp thời hỗ trợ cho 301 lượt hộ nghèo, 605 lượt cận nghèo và 902 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế; tạo việc làm cho 6.909 lao động; xây mới và sửa chữa 13.001 công trình nước sạch và 12.037 công trình vệ sinh môi trường nông thôn; 909 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn phục vụ học tập; 747 lao động có chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đồng thời, hỗ trợ 15 khách hàng vay vốn xây mới nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP; 77 lượt hộ gia đình người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, ổn định cuộc sống...
Thực hiện Nghị quyết số 51/2023/NQ-HĐND ngày 10/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người tham gia chương trình học và thực hành tại doanh nghiệp ở nước ngoài do UBND tỉnh ký kết, hợp tác đào tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Tháp đã ban hành văn bản, triển khai các hướng dẫn về các quy định, chính sách hỗ trợ người lao động; đến toàn thể cán bộ, viên chức; thực hiện tốt công tác truyền thông về chính sách vay vốn, tư vấn hỗ trợ kịp thời đối với người lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Cùng với đó, triển khai chính sách cho vay trong các kỳ họp giao ban tại các điểm giao dịch xã, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn và người dân. Phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát, nắm bắt kịp thời khó khăn của người lao động trong việc tiếp cận nguồn vốn; điều kiện trả nợ, qua đó đề xuất, tham mưu hỗ trợ kịp thời chính sách cho người lao động.
Kết quả, đến nay có 667 người lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài, với tổng số tiền cho vay hơn 48 tỷ đồng, nâng tổng số tiền đã giải ngân vay vốn đi làm việc ở nước ngoài từ trước đến nay hơn 894 tỷ đồng với tổng số 12.890 lao động nhận vốn vay... Sau khi nhận nguồn vốn vay, người lao động rất thuận tiện khi thực hiện các thủ tục hồ sơ làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và các nước khác. Đặc biệt, các đối tượng được xét vay đi làm việc ở nước ngoài bao gồm hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Thông qua nguồn vốn vay, người lao động tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng giảm bớt gánh nặng chi phí làm thủ tục, hồ sơ, yên tâm đăng ký đi làm việc ở nước ngoài để có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Với chính sách hỗ trợ và cho vay vốn theo Nghị quyết số 51/2023/NQ-HĐND ngày 10/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh mang lại những tác động tích cực, tạo điều kiện cho nhiều lao động có hoàn cảnh khó khăn tham gia đi làm việc ở nước ngoài, nâng cao thu nhập, chuyển đổi ngành, nghề, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông nghiệp.
Trong thời gian tới, Sở Lao đồng –Thương binh và xã hội tỉnh và các sở, ngành liên quan, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Tháp, các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương tiếp tục triển khai, thực hiện tốt công tác tuyên truyền chính sách đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn, thường xuyên tổ chức kiểm tra tình hình sử dụng nguồn vốn sau khi giải ngân; quan tâm tuyên truyền người lao động thực hiện chuyển tiền về nước qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động và thuận lợi trong việc đôn đốc thu hồi nợ đến hạn; cân đối nguồn tiền cho vay mỗi năm để người lao động tiếp cận nguồn vốn vay kịp thời, đầy đủ.
Tại các huyện, thành phố, Phòng Lao động – Thương binh và xã hội phối hợp Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện đôn đốc thu hồi nợ đối với những trường hợp người lao động vay vốn nhưng không đi làm việc ở nước ngoài; về nước trước thời hạn; bỏ trốn và những trường hợp chưa trả nợ đúng theo kỳ hạn thỏa thuận.
Để nâng cao hơn hiệu quả hoạt động, thời gian tới, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động; tập trung xây dựng giải pháp để nâng cao chất lượng quản lý các nguồn vốn vay chính sách. Đồng thời, Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp phối hợp với địa phương, các đơn vị liên quan để giải quyết các khó khăn, tồn tại trong quá trình vay vốn để nâng cao kế hoạch tăng trưởng tín dụng; tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn…
Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW về tín dụng chính sách; xem đây là giải pháp quan trọng cho công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới tại địa phương; tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách; thực hiện lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với các chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm nhằm giúp người vay sử dụng vốn vay có hiệu quả, cải thiện đời sống và trả được nợ ngân hàng… Đặc biệt, quan tâm thực hiện các giải pháp phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, bảo đảm nguồn vốn đến với các đối tượng thụ hưởng kịp thời; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc cho vay, sử dụng vốn đúng mục đích…