Vấn đề - Nhận định

Luật Các tổ chức tín dụng 2024: Tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng chính thức cho người dân

ThS. Trần Trọng Triết 21/08/2024 06:30

Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, ông Nguyễn Tuấn Dũng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh An Giang cho rằng, Luật đã luật hóa các quy định mới về cấp tín dụng theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng chính thức cho người dân, đặc biệt là với các khoản tín dụng giá trị nhỏ.

Phóng viên: Thưa ông, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Các TCTD năm 2024. Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Xin ông chia sẻ về những điểm mới, nổi bật của Luật Các TCTD năm 2024?

Ông Nguyễn Tuấn Dũng: Một số điểm mới, nổi bật được quy định tại Luật Các TCTD năm 2024 so với Luật Các TCTD năm 2010, gồm:

Thứ nhất, luật có sự gia tăng đáng kể về số lượng chương và điều luật. Nếu như Luật Các TCTD năm 2010 chỉ gói gọn trong 10 chương với 163 điều luật thì Luật Các TCTD năm 2024 đã được nâng lên thành 15 chương với 210 điều luật.

Cụ thể, Luật Các TCTD năm 2024 đã luật hóa quy định về ngân hàng chính sách tại Chương II; chuyển quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu lên trước quy định về tổ chức lại, giải thể, phá sản. Đồng thời, quy định chi tiết, cụ thể hơn về kiểm soát đặc biệt, chuyển giao bắt buộc, phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Thứ hai, luật được đánh giá đã hoàn thiện quy định về nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của TCTD.

Thứ ba, luật hoàn thiện quy định về hoạt động và bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD và quỹ tín dụng nhân dân.

Thứ tư, hoàn thiện quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử và xây dựng khung pháp lý cho việc thử nghiệm ứng dụng công nghệ và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong hoạt động ngân hàng, tạo nền tảng cho việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ năm, luật hoàn thiện các quy định nhằm tạo cơ sở thúc đẩy quá trình cơ cấu lại TCTD và xử lý TCTD yếu kém.

Thứ sáu, luật hóa quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu…

z5745722535196_5215ee39363d0bb958bbaffaa3097000.jpg
Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh An Giang

Phóng viên: Vậy những điểm mới này tác động ra sao đến các TCTD, người dân, thưa ông?

Ông Nguyễn Tuấn Dũng: Luật Các TCTD năm 2024 được thông qua trong bối cảnh môi trường hoạt động của lĩnh vực tài chính - ngân hàng đã và đang có nhiều sự thay đổi về pháp lý, công nghệ, quản trị - điều hành, xu thế tăng trưởng xanh được đặt ra, nhất là một số rủi ro, vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính, bất động sản gây xôn xao dư luận vừa qua.

Do vậy, các quy định mới của luật được xây dựng theo hướng chặt chẽ, thận trọng và bao trùm hơn. Luật vừa góp phần khắc phục những bất cập, vướng mắc hiện tại, như: sở hữu chéo, thao túng hoạt động ngân hàng, luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu, vừa kiến tạo và thúc đẩy sự phát triển một số hoạt động mới của các TCTD hướng tới nâng cao tiện ích cho khách hàng, người dân, như: ngân hàng số, giao dịch điện tử, ngân hàng đại lý…

Đồng thời, góp phần đồng bộ hóa và phù hợp với các quy định mới khi Quốc hội vừa thông qua một loạt dự án luật quan trọng khác, gồm: Luật Giao dịch điện tử, Luật Giá, Luật Đất đai năm 2024,…

Có thể nói, Luật Các TCTD năm 2024 là hành lang pháp lý quan trọng góp phần giúp hệ thống các TCTD hoạt động ổn định, minh bạch và tiệm cận với chuẩn quốc tế; đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững của ngành ngân hàng…

Về phía khách hàng, người dân, Luật Các TCTD năm 2024 đã luật hóa các quy định mới về cấp tín dụng theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng chính thức cho người dân, đặc biệt là với các khoản tín dụng giá trị nhỏ; bổ sung quy định về nghiêm cấm gắn sản phẩm bảo hiểm không cần thiết để luật hóa việc bảo vệ quyền lợi khách hàng.

Luật xây dựng các quy định, tiêu chuẩn cụ thể hơn cho các hoạt động thanh toán số, ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt yêu cầu các TCTD phải cùng vào cuộc trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường các giải pháp công nghệ trong hoạt động góp phần đảm bảo an toàn hệ thống và bảo vệ quyền lợi khách hàng. Những quy định cụ thể này có thể ngăn ngừa, hạn chế tối đa “tín dụng đen”.

Phóng viên: Ngành Ngân hàng trong tỉnh sẽ tổ chức triển khai, đưa Luật Các TCTD mới vào cuộc sống như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Tuấn Dũng: Ngay khi Luật Các TCTD năm 2024 được Quốc hội thông qua vào tháng 1/2024, NHNN đã khẩn trương nghiên cứu, tham mưu Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành các điểm mới của luật; đồng thời, các vụ, cục trong hệ thống NHNN cũng tham mưu Thống đốc NHNN ban hành các thông tư mới để cụ thể hóa các quy định tại luật để triển khai kịp thời, thông suốt từ ngày 1/7/2024.

Về phía NHNN chi nhánh An Giang, đơn vị luôn xác định thực thi nhiệm vụ và triển khai công tác quản lý, điều hành trên tinh thần thượng tôn pháp luật, vì vậy luôn quán triệt việc chủ động nghiên cứu, tiếp cận và triển khai các chính sách, quy định mới có liên quan trực tiếp đến hoạt động ngân hàng trong tập thể công chức, cán bộ ngành ngân hàng; kịp thời chuẩn bị và có lộ trình áp dụng ngay khi các chính sách, quy định mới có hiệu lực.

Trên cơ sở các thông tư mới của NHNN được ban hành và có hiệu lực, NHNN chi nhánh An Giang đã khẩn trương có nhiều văn bản triển khai đến hệ thống các ngân hàng thương mại, các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh, cũng như các thể chế có liên quan một cách có hệ thống.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

ThS. Trần Trọng Triết