EVN trước bài toán khó, làm thế nào để tránh thua lỗ?
Có thời điểm chênh lệch chi phí đầu vào và giá bán ra của EVN khoảng 208-216 đồng/kWh, điều này khiến EVN thua lỗ. Các chi phí đầu vào cho sản xuất điện theo giá thị trường nhưng đầu ra, giá bán lẻ điện phải bình ổn.
Phiên chất vấn tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 21/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nhận được câu hỏi của các đại biểu xoay quanh việc điều hành giá điện, làm thế nào để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tránh thua lỗ.
Theo ông Diên, ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ Công Thương thực hiện 3 chức năng là quy hoạch, kế hoạch; cơ chế chính sách và thanh tra, kiểm tra. Trong tham mưu xây dựng cơ chế, nhất là chính sách giá điện, bộ tuân thủ đúng quy định pháp luật, như Luật Điện lực và Luật Giá.
Điện là một trong số mặt hàng bình ổn giá, chịu sự quản lý của Nhà nước. Vì thế, các chi phí đầu vào cho sản xuất điện theo thị trường, tức nguyên liệu như than, dầu, khí... được EVN mua từ các đơn vị cung ứng theo giá thị trường. Nhưng đầu ra là giá bán lẻ điện phải bình ổn. Điều này để tránh ảnh hưởng tới đời sống người dân, sản xuất, nhưng giá điện chưa theo thị trường cũng là lý do khiến ngành điện bị lỗ. "Có thời điểm chênh lệch chi phí đầu vào và giá bán ra của EVN khoảng 208-216 đồng/kWh", ông Diên nói.
Để tránh thua lỗ, Bộ trưởng Diên cho biết, Bộ Công Thương tham mưu Chính phủ sửa đổi Luật Điện lực và dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 10. Trong đó, dự thảo luật sẽ bổ sung quy định xóa bù chéo giữa các khách hàng sử dụng điện. Giá điện cũng được tính đúng, đủ, tính hết giá thành sản xuất điện, điều độ, vận hành... Các quy định để thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vận hành tốt hơn cũng được bổ sung.
Cũng theo ông Diên, đầu tháng 8, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) được chuyển từ EVN về Bộ Công Thương. Việc này bảo đảm minh bạch, công bằng trong điều độ, vận hành hệ thống giữa các đối tượng phát, sử dụng điện.
6 tháng đầu năm 2024, EVN đạt 154.046 tỷ đồng doanh thu, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn bán hàng là 145.518 tỷ đồng, do đó, EVN ghi nhận lợi nhuận gộp đạt 8.527 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gộp gần 5.900 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí, EVN lỗ sau thuế 1.890 tỷ đồng trong quý II/2024, trong khi cùng kỳ lỗ gần 12.511 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, EVN ghi nhận doanh thu thuần đạt 282.908 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế 8.098 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ cùng kỳ, lỗ đến 29.107 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2023, EVN lỗ sau thuế 26.772 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD), trong khi năm 2022 lỗ 20.747 tỷ đồng, riêng công ty mẹ lỗ gần 27.900 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/6/2024, lỗ lũy kế của EVN ở mức 52.016 tỷ đồng.