Thế Giới Di Động đóng hàng loạt cửa hàng Điện Máy Xanh, An Khang, mở mới Bách Hoá Xanh, EraBlue
Thế Giới Di Động đóng 59 điểm bán Điện Máy Xanh, 18 cửa hàng Thế Giới Di Động (bao gồm Topzone), 94 cửa hàng thuốc An Khang, chiều ngược lại mở mới 3 cửa hàng Bách Hoá Xanh, 6 cửa hàng EraBlue tại Indonesia.
Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG) đã công bố kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm 2024. Doanh thu MWG đạt 76.541 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm 2023 và hoàn thành 61% kế hoạch doanh thu (125.000 tỷ đồng). Riêng trong tháng 7, doanh thu của Tập đoàn đạt xấp xỉ 11.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, chuỗi Thế giới Di Động (bao gồm Topzone) và Điện Máy Xanh đạt tổng doanh thu 51.300 tỷ đồng sau 7 tháng đầu năm, tăng hơn 6% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 7, MWG thu khoảng 7.200 tỷ đồng từ bán đồ điện tử, điện máy, điện lạnh.
Theo MWG, doanh thu tháng tăng 5% so với cùng kỳ nhưng giảm nhẹ so với tháng liền trước do qua mùa cao điểm máy lạnh và kết thúc sự kiện bóng đá. Với lợi thế kinh doanh danh mục sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng và luôn chủ động triển khai các giải pháp bán hàng mang lại lợi ích thiết thực cho khách hàng, một số ngành hàng đã ghi nhận tăng trưởng dương khi bắt đầu vào mùa cao điểm như máy tính xách tay và máy giặt, bên cạnh nhóm điện thoại vẫn đang duy trì mức tăng trưởng tích cực liên tục sau nhiều tháng.
Tính đến cuối tháng 7, MWG có 1.028 cửa hàng Thế Giới Di Động (bao gồm Topzone), giảm 18 cửa hàng so với cuối tháng 6. Tương tự, chuỗi Điện Máy Xanh cũng thu hẹp 59 điểm bán xuống còn 2.034 cửa hàng.
Với chuỗi Bách Hóa Xanh, lũy kế 7 tháng đầu năm, chuỗi bách hóa đem về 23.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 40% so với cùng kỳ. Riêng tháng 7, doanh thu đạt hơn 3.600 tỷ đồng, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cả 2 ngành hàng tươi sống và FMCG đều duy trì mức tăng trưởng 2 chữ số so.
Doanh thu bình quân trong tháng 7 đạt 2,1 tỷ đồng/cửa hàng. Hiện chuỗi có 1.704 cửa hàng, tăng 3 cửa hàng so với cuối tháng 6/2024.
Đáng lưu ý, chuỗi cửa hàng thuốc An Khang ghi nhận hoạt động tái cơ cấu mạnh, giảm 94 cửa hàng trong vòng 1 tháng xuống còn 387 nhà thuốc đang hoạt động vào cuối tháng 7.
Trước đó, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Thành viên HĐQT kiêm CEO Dược phẩm An Khang từng cho biết, chuỗi cửa hàng thuốc An Khang đang trải qua quá trình tái cấu trúc, xem xét từng nhà thuốc và đóng những điểm hoạt động kém hiệu quả, không đóng góp nhiều doanh thu cũng như lợi nhuận. Kế hoạch đến cuối năm 2024, số lượng cửa hàng thuốc An Khang sẽ thu hẹp xuống còn khoảng 300 cửa hàng.
Với các cửa hàng thuốc An Khang đang hoạt động, doanh thu hiện đã đạt trên 500 triệu đồng/cửa hàng/tháng – tốt hơn con số 450 triệu đồng hồi cuối năm 2023. Trong khi đó, điểm hoà vốn đối với chuỗi nhà thuốc là doanh thu trên 550 triệu đồng/cửa hàng/tháng.
Về định hướng, đầu tiên sẽ thu hẹp số lượng cửa hàng thuốc An Khang để vận hành với chi phí thấp nhất, tiếp đó sẽ hoàn thiện mô hình kinh doanh để đạt được kết quả hòa vốn rồi mới đến tăng tốc mở rộng sau.
Giai đoạn 2022-2023, mỗi năm chuỗi cửa hàng thuốc An Khang lỗ hơn 300 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2024, chuỗi cửa hàng thuốc An Khang lỗ 172 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế tính tới cuối tháng 6/2024 lên gần 834 tỷ đồng.
Chuỗi EraBlue tại Indonesia tăng 4 cửa hàng lên con số 65. Mục tiêu của Thế Giới Di Động nâng số cửa hàng EraBlue lên 100 vào năm 2024 và 500 cửa hàng vào năm 2027. Như vậy, EraBlue còn cách mục tiêu năm nay 35 cửa hàng.
Chỉ với chưa đầy 2 năm xuất hiện, EraBlue giờ đây đã trở thành chuỗi bán lẻ theo mô hình hiện đại lớn nhất tại Indonesia. Các cửa hàng EraBlue có doanh thu gần như gấp đôi so với một shop Điện máy Xanh có cùng diện tích tại Việt Nam. Cụ thể doanh thu các shop size M (diện tích khoảng 280 - 320m2) là 4 tỷ đồng/tháng còn size S (diện tích từ 180 – 220m2) là 2,2 tỷ đồng/tháng.
Theo lãnh đạo Thế Giới Di Động, có nhiều lý do khiến cho niềm tin vào tương lai của EraBlue là có cơ sở. Thứ nhất, thị trường bán lẻ điện tử, điện máy tại Indonesia hiện còn đang phân mảnh, chuỗi bán lẻ có số lượng cửa hàng lớn nhất cũng chỉ có khoảng 60 cửa hàng, trong khi nhu cầu là rất lớn.
Thứ hai, mặc dù Indonesia có nét giao thông tương đồng với Việt Nam, khách hàng chủ yếu di chuyển bằng xe máy, nhưng tất cả các chuỗi bán lẻ hiện đại đều mở ở trong các trung tâm thương mại. Ngược lại, mô hình EraBlue khá thân thiện, được mở trên các con đường giao thông đông đúc, điều này tạo điều kiện cho khách hàng có thể nhận diện và tiếp cận dễ dàng với cửa hàng ở khắp mọi nơi.
Thứ ba, dịch vụ giao hàng, lắp đặt các thiết bị điện tử tại đây khá sơ khai. Để mua một chiếc máy giặt, khách hàng phải chờ từ 7-10 ngày để giao hàng và lắp đặt, trong khi dịch vụ của EraBlue chỉ trong 4 tiếng. Văn hóa phục vụ, sự tận tâm vốn là thế mạnh của Thế Giới Di Động được áp dụng cho EraBlue đã giành được cảm tình lớn từ khách hàng Indonesia.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là giá cả. Mặc dù chất lượng dịch vụ tương đương với mô hình hiện đại, mức giá của EraBlue chỉ tương đương với mô hình truyền thống.