Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ nhẹ nhàng hơn trong những tháng cuối năm
Ước tính khoảng 49.400 tỷ đồng và 34.600 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẽ lần lượt đáo hạn trong quý III và quý IV/2024, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh năm nay là 69.100 tỷ đồng vào quý II vừa qua
Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận tiếp tục chậm lại trong tháng 8/2024. Thống kê từ ngày 1 - 20/8 của MBS Research cho thấy, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công ước đạt hơn 32.000 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ, đa số là trái phiếu do ngân hàng phát hành, chiếm hơn 90%.
Các đợt phát hành đáng chú ý trong tháng 8/2024, gồm: Agribank (10.000 tỷ đồng, kỳ hạn 120 tháng, lãi suất 6,7%); OCB (5.000 tỷ đồng, kỳ hạn 24-36 tháng, lãi suất 5,6%), MB (4.000 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 5,5%).
Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành đạt hơn 220.800 tỷ đồng, tăng 50,4% so với cùng kỳ. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân trong 8 tháng đầu năm ước khoảng 7%, thấp hơn so với mức trung bình 8,3% của năm 2023.
Ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với khoảng 159.200 tỷ đồng, tăng 163% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 72%, lãi suất bình quân 5,5%/năm, kỳ hạn bình quân 4,3 năm. Các ngân hàng phát hành giá trị lớn nhất từ đầu năm đến nay gồm có: ACB (23.800 tỷ đồng), MBBank (23.300 tỷ đồng), Techcombank (17.000 tỷ đồng).
Tổng giá trị phát hành của nhóm doanh nghiệp bất động sản đạt 38.200 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2023 là 60.000 tỷ đồng), chiếm tỷ trọng 17%. Lãi suất bình quân của trái phiếu bất động sản vẫn ở mức 12%/năm, kỳ hạn bình quân là 2,5 năm. Các doanh nghiệp phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: CTCP Vinhomes (12.500 tỷ đồng), Tập đoàn Vingroup (10.000 tỷ đồng) và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển bất động sản Hải Đăng (5.400 tỷ đồng).
Theo dự báo của MBS Research, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ sôi nổi hơn trong quý IV/2024 khi nhu cầu vốn của doanh nghiệp phục hồi, thị trường bất động sản bắt đầu ấm dần, cũng như nhu cầu mở rộng sản xuất kinh đang tích cực theo đà phục hồi của nền kinh tế.
“Các ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát hành vốn cấp 2 nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay. Tính từ đầu năm tới giữa tháng 7/2024, tín dụng tăng 5,3%, cao hơn so với mức 4,5% cùng kỳ năm ngoái, tín dụng dự báo sẽ tăng tốc trong nhưng tháng cuối năm theo sự phục hồi mạnh mẽ của sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ”, chuyên gia MBS Research cho biết.
Trong tháng 8/2024, giá trị trái phiếu doanh nghiệp mua lại trước hạn ước tính khoảng hơn 2.400 tỷ đồng, giảm 93% so với tháng trước, trong đó nhóm ngân hàng chiếm 44%, nhóm bất động sản chiếm 9%. Lũy kế từ đầu năm đến nay, khoảng hơn 110.300 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được mua lại trước hạn, giảm 34% so với cùng kỳ.
Tình hình chậm trả đã có những dấu hiệu tích cực. Từ đầu tháng tới ngày 20/8, chưa ghi nhận thêm doanh nghiệp mới nào công bố chậm các nghĩa vụ thanh toán liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp. Hiện tại, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán ước khoảng 209.200 tỷ đồng, chiếm 30% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 68% giá trị chậm trả.
Theo nhận định của MBS Research, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ nhẹ nhàng hơn trong những tháng cuối năm.
“Chúng tôi ước tính khoảng 49.400 tỷ đồng và 34.600 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẽ lần lượt đáo hạn trong quý III và quý IV/2024, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh năm nay là 69.100 tỷ đồng vào quý II vừa qua”, chuyên gia MBS Research cho biết.
Tại Hội thảo “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hướng tới chuyên nghiệp, bền vững” được tổ chức mới đây, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đánh giá, câu chuyện đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất (tháng 6 - 8/2023) từ sau khi có Nghị định 08/2023/NĐ-CP cho phép đàm phán giãn, hoãn nợ.
"Về cơ bản, 60% doanh nghiệp đã gia hạn được 2 năm (điểm rơi tháng 6/2025), doanh nghiệp chủ động mua lại trái phiếu theo điều kiện phát hành và bắt đầu phát hành trở lại làm giảm áp lực vốn. Ngoài ra, thị trường bất động sản ấm lên, doanh nghiệp sẵn sàng bán tài sản để trích ra một phần trả nợ", TS. Cấn Văn Lực cho biết.
Do vậy, TS. Cấn Văn Lực đánh giá, hiện tượng vỡ nợ ít khả năng xảy ra vì khó khăn nhất đã qua, có nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết.