Hoạt động ngân hàng

Hậu Giang thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW

ThS. Trần Trọng Triết 24/08/2024 10:32

Qua 10 năm triển khai Chỉ thị số 40, tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã đạt nhiều kết quả tích cực trong việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.

Sự quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền sở, ban ngành tỉnh Hậu Giang đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về vai trò, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định an ninh, chính trị và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, tạo sự thống nhất trong hành động, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

do-may-nghe-tu-cay-coi-beo-1.jpg
Hậu Giang thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW

Qua 10 năm triển khai Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của đối với tín dụng chính sách xã hội, tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh hiện 4 tổ chức hội đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh đang thực hiện ủy thác hơn 4.286 tỷ đồng, với hơn 100.000 khách hàng còn dư nợ.

Theo đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh bổ sung nguồn vốn để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn được vay vốn.

Đến nay, nguồn vốn ủy thác qua ngân hàng để bổ sung vốn cho vay trên địa bàn tỉnh đã tăng hơn 355 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, tăng 103 tỷ đồng, đây là mức tăng cao nhất trong vòng 20 năm qua. Các chương trình tín dụng ưu đãi do NHCSXH thực hiện cùng với các chính sách khác góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đầu năm 2015 từ 8,4% xuống còn 3,29% cuối năm 2023.

Về cho vay nhà ở xã hội, đến nay, tổng dư nợ cho vay chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100 trên địa bàn tỉnh đạt trên 231 tỷ đồng, với 600 khách hàng đang còn dư nợ. Hiện chi nhánh đang đợi NHCSXH phân bổ nguồn vốn để tiếp tục thực hiện cho vay đến đối tượng hưởng.

Luôn đồng hành cùng hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách trong công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập, thời gian qua, Phòng giao dịch NHCSCH huyện Châu Thành A đã nỗ lực giúp người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi thuận lợi nhất. bình quân dư nợ của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác hiện nay là 37,6 triệu đồng/hộ. Thông qua các chương trình tín dụng chính sách đã giúp cho 3.197 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện được vay vốn, tổng số hộ được tiếp cận vốn tín dụng chính sách là 14.109 hộ, trong đó có 839 lượt hộ nghèo, 544 hộ cận nghèo, 5.911 hộ mới thoát nghèo vay vốn sản xuất kinh doanh... trong 7 tháng đầu năm 2024 đã phát vay cho 165 lượt hộ nghèo, với số tiền 13,5 tỉ đồng.

Tính đến nay, tổng dư nợ cho vay các chương trình trên địa bàn huyện được 530 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách thực hiện trên địa bàn huyện Châu Thành A đã góp phần hỗ trợ, tạo việc làm cho 2.466 lượt lao động, xây dựng trên 12.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ vốn trang trải chi phí học tập cho 553 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, hỗ trợ 150 người lao động vay vốn để đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, 74 căn nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp, 15 người chấp hành xong án phạt tù. Qua đó, góp phần tích cực cùng với địa phương thực hiện tốt chính sách giảm nghèo. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 1,16%, giảm 1,26% so với năm 2022.

Hay trong 6 tháng đầu năm 2024, Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Long Mỹ thực hiện cho vay được trên 88 tỷ đồng, tăng trên 49 tỷ đồng so cùng kỳ năm 2023. Nâng tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến nay đạt trên 396 tỉ đồng, tăng 9,7% so với năm 2023, với 13.000 lượt khách hàng vay vốn.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã tác động tích cực đến người nghèo. Nếu như trước đây họ không được tiếp cận với nguồn vốn vay do không có tài sản thế chấp, thì đến nay, việc tiếp cận nguồn vốn đã trở nên dễ dàng hơn, giúp phần lớn hộ nghèo đã chuyển biến được nhận thức về cách làm ăn, biết đầu tư phát triển sản xuất tăng thu nhập, cải thiện được cuộc sống.

Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách đã lồng ghép với công tác khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, tăng thu nhập. Nguồn vốn tín dụng chính sách không những phát huy về tính kinh tế, mà còn góp phần làm ổn định xã hội, tạo sự đoàn kết, giúp đỡ nhau của các hộ dân phấn đấu vượt khó, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách, NHCSXH tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền Chỉ thị số 40, chính sách về tín dụng chính sách xã hội, để giúp đối tượng thụ hưởng được tiếp cận, cũng như bố trí nguồn lực tài chính cho các chương trình tín dụng chính sách... Cấp ủy, chính quyền tỉnh tiếp tục cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang NHCSXH nhằm bổ sung nguồn vốn để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội.

ThS. Trần Trọng Triết