Các Hiệp hội ngành, nghề

Trong bối cảnh nguồn cung đang cạn kiệt, doanh nghiệp Việt Nam có tham gia thầu Bulog?

Nguyễn Huyền 25/08/2024 - 13:47

Ngày 23/8, Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia (Bulog) đã công bố đợt đấu thầu lần thứ 7 trong năm nay để mua 350 ngàn tấn gạo trắng, loại 5% tấm, niên vụ 2024 từ Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Pakistan.

_ltg0855.jpg
Ảnh minh họa

Thời gian để doanh nghiệp đăng ký tham gia chậm nhất là đến 2 giờ chiều ngày 27/8. Ngày 3/9, mở và đánh giá hồ sơ đấu thầu. Ngày 5/9, Bulog sẽ ra thông báo nhà thầu trúng thầu đến doanh nghiệp. Thời gian giao hàng vào ngày 5/9 đến tháng 10/2024. Bulog yêu cầu loại gạo mua được xay xát không muộn hơn sáu tháng.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nguồn cung từ Việt Nam cạn kiệt, gói thầu 350 ngàn tấn gạo Bulog dự kiến chứng kiến sự cạnh tranh giữa Thái Lan và Pakistan và ưu thế được cho sẽ nghiêng về Pakistan nhiều hơn, vì nước này sẽ thu hoạch vụ mới vào tháng 9, khi nguồn cung dồi dào giá cả sẽ cạnh tranh hơn so với các nước có nguồn cung hạn hẹp.

Theo phân tích của ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Phước Thành 4, Việt Nam đang cạn dần nguồn cung và giá gạo trong nước cũng đang tăng, nếu tham gia gói thầu lần nay khả năng lượng gạo trúng thầu của doanh nghiệp Việt Nam sẽ ít hơn so với lần trước.

Pakistan dù được đánh giá là có khả năng trúng thầu cao hơn do họ sắp thu hoạch vụ lúa mới vào tháng 9 và tháng 10, trùng với thời điểm giao hàng thầu Bulog, nhưng lượng gạo của họ không lớn và điều kiện xuất khẩu của Pakistan không thể so với doanh nghiệp Việt Nam và Thái Lan, cho nên họ cũng sẽ rất cân nhắc.

Trong khi đó, khả năng Thái Lan sẽ trúng thầu nhiều hơn Việt Nam, vì tồn kho của họ lúc nào cũng cao và gạo của Thái Lan phù hợp để đi Indonesia.

Tồn kho của doanh nghiệp trong nước không còn nhiều, nếu còn cũng đã có hợp đồng, như các hợp đồng thầu Bulog còn lại chưa giao xong, hợp đồng thương mại đi Philippines và một số nước châu Phi. Mặt khác, một số công ty cũng đang trả nợ hợp đồng cũ, nhưng loại gạo bán đi Indonesia rất khác so với gạo xuất đi Philippines, một số nước châu Phi, Trung Đông hay EU, đây là hai phân khúc khác nhau hoàn toàn nên không bị ảnh hưởng.

“350 ngàn tấn gạo 5% tấm Bulog gọi thầu lần này, nếu doanh nghiệp Việt Nam tham gia tôi nghĩ sẽ không nhiều vì tồn kho còn rất ít, với những doanh nghiệp không có chân hàng thì chắc chắn họ cũng không tham gia. Ngoài ra, vụ Thu Đông ở đồng bằng sông Cửu Long người nông dân sản xuất phần lớn các loại gạo chất lượng cao, và giống ST24 và ST25, không có loại gạo đi Indonesia, vấn đề này các doanh nghiệp đều biết rõ, nên họ sẽ cân nhắc trước khi quyết định tham gia thầu Bulog”, ông Thành nói.

Hai “ông lớn” trong ngành gạo Việt Nam là Vinafood1 và Vinafood2, được cho là có nhiều khả năng tham gia với khối lượng lớn, nhưng vẫn còn đơn hàng trúng 185 tấn gạo thầu Bulog trước đó. Riêng Vinafood1 trúng đến 104 ngàn tấn, nên tồn kho cũng giảm nhiều.

“Do nguồn cung hạn chế nên doanh nghiệp tư nhân sẽ không tham gia nhiều, với họ nguồn cung quan trọng hơn cả tài chính, vì khi có hợp đồng xuất khẩu ngân hàng sẵn sàng trợ vốn lên đến 90% trị giá hợp đồng, nên họ không ngại vấn đề tài chính”, Giám đốc Công ty Phước Thành 4 nói.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Indonesia đã phát hành 7 gói thầu, mua 2 triệu tấn gạo trong 6 gói thầu đầu tiên, sử dụng hơn một nửa hạn ngạch. Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Pakistan là những nhà cung cấp chính cho Xứ sở vạn đảo này.

Như đã dự báo, năm 2024, Chính phủ Indonesia sẽ mở cửa nhập khẩu gạo với tổng số 4,046 triệu tấn. Bao gồm 3,63 triệu tấn gạo nhập khẩu thông thường, việc thực hiện được giao cho Công ty Perum Bulog.

Ngoài ra, còn có gạo công nghiệp nhập khẩu khoảng 412 ngàn tấn và gạo đặc sản khoảng 33,70 ngàn tấn.

Trưởng phòng Kế hoạch hoạt động và Dịch vụ công của Bulog, Rini Andrida, tiết lộ rằng nhập khẩu gạo thực hiện cho đến nay đã đạt gần 2,5 triệu tấn. Điều này đã được truyền đạt trong cuộc họp điều phối kiểm soát lạm phát khu vực năm 2024, được phát sóng trên tài khoản YouTube của Bộ Nội vụ, ngày 19/8/2024.

Dữ liệu về nguồn gốc nhập khẩu gạo của Indonesia năm 2024, gồm: Thái Lan: 1,024 triệu tấn; Việt Nam: 758,679 ngàn tấn; Pakistan: 380,725 ngàn tấn; Myanmar: 309,288 ngàn tấn; Campuchia: 22,500 ngàn tấn. Tổng lượng thực hiện nhập khẩu, cả hàng đã bốc hàng và đến Indonesia, là 2,68 triệu tấn.

Nguyễn Huyền