Kết nối

Quảng Bình định hướng những mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Thanh Loan 29/08/2024 - 09:02

Hiện tỉnh Quảng Bình có khoảng 45 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu. Chỉ một số ít doanh nghiệp có khả năng xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là sang các nước Đông Nam Á (hưởng các ưu đãi từ Hiệp định ATIGA) và phần lớn xuất khẩu theo đường tiểu ngạch hoặc xuất ủy thác qua các đơn vị trung gian tới thị trường Trung Quốc.

347ad01d0c71ab2ff260.jpg
Tỉnh Quảng Bình tổ chức xúc tiến thương mại tại Thái Lan

Kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh đạt 230 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 78,7 triệu USD, nhập khẩu 154,4 triệu USD. Hàng hóa xuất khẩu gồm: vật liệu xây dựng, dăm gỗ, gỗ chế biến, hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, hàng may mặc…. Hàng hóa nhập khẩu gồm: trái cây các loại, trâu bò sống, lợn sống, gà sống, phân bón kali, gạo các loại, thiết bị nhập khẩu phục vụ đầu tư các dự án, nguyên liệu sản xuất.

Ông Phan Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình cho biết: Hàng hóa chủ lực và có nhiều tiềm năng xuất khẩu của Quảng Bình gồm thuỷ sản chế biến, nông sản, nhựa thông, cao su, tinh bột sắn, chế biến gỗ, xi măng, phân bón, sản phẩm may mặc, vật liệu xây dựng.

Một số công ty chế biến thuỷ sản đã đạt tiêu chuẩn sản phẩm an toàn thực phẩm quốc tế (HACCP) và xuất khẩu sang các thị trường yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng cao như Nhật Bản, Hàn Quốc

Mặt hàng gỗ các loại cũng là mặt hàng xuất khẩu có hiệu quả của tỉnh. Sản lượng nguyên liệu gỗ rừng trồng bình quân 500.000m3/năm. Hiện nay tỉnh Quảng Bình đang tập trung triển khai đưa vào hoạt động các dự án gỗ MDF, gỗ OKAL và viên nén năng lượng đã được cấp chủ trương đầu tư; hoàn thành giai đoạn 2 các Nhà máy sản xuất gỗ ván ép Quảng Phát, Trường Thành và Thăng Long. Dự kiến, đến năm 2030, xúc tiến kêu gọi và đưa vào đầu tư 3-4 nhà máy sản xuất gỗ MDF và ván sàn tại các Khu công nghiệp của tỉnh, công suất 100.0000 m3/nhà máy/năm.

Quảng Bình cũng chú trọng phát huy công suất các nhà máy may hiện có, với công suất 3-4 triệu sản phẩm/nhà máy/năm. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: sản lượng xi măng các loại đạt 6 triệu tấn.

Thời gian tới, Quảng Bình ưu tiên phát triển xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng và đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường truyền thống, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng cho các sản phẩm hàng hóa.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, tỉnh cũng chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng logistics, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, cửa khẩu, hạ tầng kho bãi, cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp, hệ thống kho phân phối, trung tâm logistics cấp huyện gắn các cụm công nghiệp và các khu vực sản xuất hàng hóa tập trung nhằm nâng cao hiệu quả kết nối giao thương giữa tỉnh Quảng Bình với các địa phương vùng Duyên hải Trung bộ Việt Nam với các tỉnh của Lào; Đông Bắc Thái Lan; Myanma trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây.

Tỉnh cũng đề xuất với Bộ Công Thương, các cơ quan, đơn vị liên quan tạo điều kiện, hướng dẫn hỗ trợ cập nhật thông tin và giới thiệu tỉnh Quảng Bình trên Cổng thông tin Xúc tiến đầu tư vào Công nghiệp Việt Nam (investvietnam.gov.vn), kết nối cơ sở dữ liệu vùng sản xuất và nguyên liệu với đối tác nước ngoài, giới thiệu thế mạnh của Quảng Bình trên nền tảng số, hỗ trợ đưa sản phẩm nông sản của tỉnh tham gia giao dịch tại sàn thương mại điện tử; tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Bình tham gia các chương trình ngày mua sắm trực tuyến, tham gia Hệ sinh thái Xúc tiến thương mại số (DECOBIZ) và kinh doanh kết nối với thị trường xuất khẩu trên nền tảng online.

Thanh Loan