Văn hóa

Tết Độc Lập, về Lệ Thuỷ háo hức xem đua thuyền trên sông Kiến Giang

Thanh Loan 01/09/2024 08:16

Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình là một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây. Lễ hội cầu cho mưa thuận gió hòa, mừng tết Độc lập, cũng là dịp để con cháu tỏ lòng tri ân tới những bậc tiền bối đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Tháng 8/2019, Lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

le-hoi-dua-thuyen.jpg

Sông Kiến Giang, là một trong hai phụ lưu của sông Nhật Lệ, dài khoảng 58km. Dòng Kiến Giang bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, qua vùng núi An Mã, chở nặng phù sa cho đồng bằng hai huyện là Lệ Thủy và Quảng Ninh sau đó nhập vào phá Hạc Hải rồi đổ ra sông Nhật Lệ.

Trước đây, hàng năm con sông này gây lũ lụt cho vùng đồng bằng xung quanh do sông dốc, ngắn. Sau khi có đập An Mã ngăn ở thượng nguồn, nạn lũ lụt đã được khống chế. Dòng sông này cũng mang đến phù sa bồi đắp, tạo nên cánh đồng trú phú cho những vùng đất nơi nó chảy qua.

Dòng sông Kiến Giang là nơi khơi nguồn cho nhiều giá trị văn hóa, trong đó phải kể đến những nét văn hóa thường ngày vùng sông nước và lễ hội đua thuyền truyền thống.

Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang ở Lệ Thủy được người dân duy trì nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu bình an. Đây cũng là dịp để khơi dậy tinh thần đoàn kết, rèn luyện sức khỏe của người dân, khẳng định lòng quyết tâm của người Lệ Thủy trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong thiên tai bão lũ.

87bc29bbdacc7d9224dd.jpg

Nhiều người lớn tuổi ở Lệ Thủy kể lại, Lễ hội đua thuyền ở sông Kiến Giang có từ cách đây hơn 500 năm, diễn ra vào mùa xuân, đây là lễ hội đua tài, vui chơi của người dân Lệ Thủy, nhằm mục đích cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Đây là lễ hội mang đậm bản sắc của người dân vùng sông nước, nhằm nhân lên sức mạnh của cộng đồng trong phát triển kinh tế và phòng chống thiên tai. Người dân Lệ Thủy tổ chức đua thuyền để trai gái được trổ tài bơi lội, chèo thuyền, cầu mong một năm thuận lợi.

Với người dân nơi đây, đua bơi là danh dự, là máu thịt, là một phần truyền thống không thể thiếu. Vậy nên các làng, xã tham dự giải đều rất nghiêm túc và quyết tâm để có thể đạt được kết quả cao. Nếu kết quả không tốt thì cũng phải thể hiện được độ chơi “đẹp” và tinh thần không nản chí của mình.

Bắt đầu từ tháng 8 người dân Lệ Thủy đã tuyển đội bơi, chuẩn bị thuyền để luyện tập. Giữa tháng 8, sẽ diễn ra các trận đấu vòng loại. Lễ hội chính thức diễn ra từ ngày 31 tháng 8 đến 2 tháng 9.

Để làm được thuyền, người dân sẽ lên rừng tìm gỗ, phơi khô và đóng thuyền bằng bí quyết riêng. Có những thôn sẽ đóng mới thuyền, mỗi thôn có vài ba chiếc, có thôn thuyền sử dụng trong vài ba năm, sau mỗi lần thi đua sẽ được thôn lau chùi, cất giữ cẩn thận. Trước khi đưa thuyền xuống đua trưởng thôn sẽ làm lễ cúng thần linh để mong thuyền đua về đích sớm nhất.

c7a68f907ce7dbb982f6.jpg

Các đội thi đến từ các xã và thôn khác nhau, thể hiện tinh thần đoàn kết và niềm tự hào địa phương. Với khoảng 24km dọc theo đường đua, hai bên bờ sông Kiến Giang trở nên náo nhiệt, hàng ngàn người dân từ khắp nơi đổ về để xem hội đua bơi. Dòng sông dậy tiếng hò reo.

Theo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lệ Thủy- Quảng Bình: công tác chuẩn bị cho lễ hội năm nay được các cơ quan, đơn vị, địa phương trên toàn huyện tích cực triển khai từ rất sớm. Lễ hội năm nay thu hút sự tham gia của 34 thuyền, trong đó có 24 thuyền bơi nam và 10 thuyền đua nữ.

Lễ hội Đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang không chỉ là một sự kiện thể thao mà còn là một phần không thể thiếu của đời sống văn hóa cộng đồng nơi đây. Đây là dịp để các thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử, truyền thống và văn hóa của địa phương, đồng thời thể hiện lòng tự hào dân tộc và sự đoàn kết cộng đồng.

Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, lễ hội đua thuyền trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân Lệ Thủy. Mỗi dịp Quốc khánh, người dân Lệ Thuỷ ở trên khắp đất nước đổ về quê hương. Họ truyền tai nhau những vần thơ khơi dậy nỗi khao khát được sum vầy rằng:

“Dù ai đi Tây về Đông.

Mùng 2 tháng 9 cũng mong về nhà.

Về nhà xem hội quê ta.

Dưới sông bơi chải, nhà nhà cờ bay”

Bà Đặng Thị Hồng Thắm – Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết: Đây không chỉ là dịp để kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9 mà còn là cơ hội để tôn vinh tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường và lòng yêu nước của người dân Lệ Thủy. Việc tổ chức và duy trì những lễ hội truyền thống như thế này không chỉ giúp bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia mà còn là cơ hội để kết nối cộng đồng, tạo nên một sức mạnh đoàn kết mạnh mẽ, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân cũng như du khách gần xa.

Qua lễ hội, người dân địa phương cùng nhau thể hiện lòng mến khách, sẵn sàng đón tiếp du khách từ khắp mọi miền đất nước đến với sông Kiến Giang để hòa mình vào không khí lễ hội sôi động và đậm chất văn hóa dân gian.

Thanh Loan