Thúc đẩy thanh toán song phương qua mã QR
Ngày 5/9, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNH) ban hành Văn bản số 437/HHNH-PLNV về thúc đẩy thanh toán bán lẻ song phương qua mã QR gửi tới lãnh đạo các tổ chức hội viên nhằm thống nhất các giải pháp, đẩy nhanh kết nối liên thông thanh toán bán lẻ song phương qua mã QR.
Tại văn bản, HHNH cho biết, để thúc đẩy thanh toán giữa các quốc gia, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hợp tác với ngân hàng trung ương một số nước (như: Thái Lan, Campuchia và Lào) triển khai kết nối thử nghiệm thanh toán song phương qua mã QR, cho phép người dân mỗi nước có thể quét mã QR thanh toán trả tiền hàng hóa, dịch vụ tại nước ngoài ngay trên ứng dụng di động của ngân hàng nội địa trong nước, mang lại tiện ích thanh toán bằng đồng bản tệ cho người dân Việt Nam khi sang các nước có hợp tác, cũng như người dân các nước này khi đến Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay các giao dịch thanh toán song phương qua mã QR giữa Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, chưa phát sinh giao dịch chiều thanh toán tại Việt Nam - nghĩa là người Việt Nam khi sang Thái Lan, Campuchia mua hàng hóa dễ dàng quét mã QR để trả tiền (Vietnam outbound) nhưng ở chiều ngược lại việc thanh toán của người dân từ Thái Lan hoặc Campuchia đến Việt Nam gần như không có (Vietnam inbound).
Ngoài ra, mức độ nhận diện thương hiệu tại các điểm chấp nhận thanh toán song phương của ngân hàng và mạng lưới chấp nhận thanh toán tại Việt Nam còn chưa đồng bộ, dễ gây nhầm lẫn giữa mã QR thanh toán nội địa và mã QR thanh toán song phương.
Nhằm thúc đẩy thanh toán bán lẻ song phương qua mã QR giữa Việt Nam và các quốc gia, ngày 21/8/2024, HHNH đã phối hợp với Vụ Thanh toán (NHNN) tổ chức cuộc họp với sự tham dự của đại diện 18 ngân hàng và 3 trung gian thanh toán.
Tại cuộc họp, nhiều giải pháp thúc đẩy thanh toán bán lẻ song phương qua mã QR đã được đưa ra.
Để thống nhất các giải pháp, đẩy nhanh kết nối liên thông thanh toán bán lẻ song phương qua mã QR đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, đặc biệt trong thời gian tới, nếu tiếp tục triển khai thanh toán song phương qua mã QR với thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc... thì lượng khách tiềm năng sẽ rất lớn; do vậy, các tổ chức hội viên dự họp thống nhất:
Thứ nhất, trước mắt các ngân hàng xây dựng hạ tầng kết nối song phương giữa các ngân hàng tham gia qua mã QR tại một số quốc gia NHNN đã hợp tác với ngân hàng trung ương quốc gia đó, như: Thái Lan, Campuchia, Lào.
Thứ hai, các ngân hàng thương mại và trung gian thanh toán chủ động triển khai và có các chính sách khuyến khích triển khai mảng chấp nhận thanh toán QR, thúc đẩy khách du lịch chi tiêu thanh toán tại các đơn vị chấp nhận thanh toán (ĐVCNTT) mã VietQR; có các chương trình hỗ trợ ĐVCNTT để thúc đẩy giao dịch mã QR xuyên biên giới, tăng trải nghiệm, nhận diện cho du khách nước ngoài; đồng thời tập trung triển khai việc nhận diện thanh toán mã QR đúng thương hiệu mà ngân hàng trung ương các nước đã thống nhất, đảm bảo thực chất, hiệu quả.
Thứ ba, HHNH làm đầu mối phối hợp với NAPAS và các tổ chức hội viên đẩy mạnh công tác truyền thông về chủ trương giải pháp, phối hợp với các đơn vị chuyển mạch/đơn vị đầu mối kết nối tại các quốc gia đã triển khai thành công để đồng bộ truyền thông đến khách hàng.
Thứ tư, để triển khai có hiệu quả, HHNH sẽ thành lập Tổ xây dựng Sổ tay hạ tầng kết nối thanh toán xuyên biên giới qua mã QR giữa các tổ chức hội viên (trước mắt là các NHTM) với các thành phần bao gồm: NAPAS và một số ngân hàng (Vietcombank, BIDV, VietinBank, TPBank, MB, Agribank, Techcombank, Sacombank, Wooribank) do NAPAS làm đầu mối.