Pháp đồng hành hỗ trợ phát triển giao thông bền vững tại Việt Nam
Ngày 11/9, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức họp báo chia sẻ kinh nghiệm của Pháp trong hỗ trợ giao thông bền vững tại Việt Nam. Trong đó, dự án tuyến đường sắt trên cao kết nối Nhổn - Cầu Giấy được xem như đánh dấu cột mốc quan trọng cho sự hợp tác sâu rộng giữa hai nước trong lĩnh vực giao thông đô thị
Đoạn trên cao của tuyến đường sắt đô thị số 3 của thành phố Hà Nội (gồm 8 ga) đã vận hành thương mại vào ngày 8/8 vừa qua. Đoạn tuyến trên cao kết nối Nhổn đến Cầu Giấy với chiều dài 8 km bằng phương tiện giao thông đảm bảo môi trường và giảm ùn tắc cho thủ đô Hà Nội.
Đoạn tuyến ngầm (4 ga tiếp theo đến Ga Hà Nội) sẽ được vận hành vào cuối năm 2027.
Dự án này đánh dấu một cột mốc quan trọng, biểu trưng cho quan hệ hợp tác giữa hai nước Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực giao thông đô thị bền vững.
Tuyến đường sắt đô thị số 3 của thành phố Hà Nội nhận được hỗ trợ tài chính lớn từ nước Pháp thông qua các khoản vay ưu đãi mà Tổng cục Kho bạc Pháp (Bộ Kinh tế, Tài chính và Chủ quyền công nghiệp và số hóa) và Cơ quan phát triển Pháp giành cho Việt Nam với giá trị tương ứng là 355 triệu euro và 159 triệu euro. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu cũng đồng tài trợ dự án này.
Dự án được triển khai với các công nghệ và kinh nghiệm của các công ty Pháp hàng đầu trong lĩnh vực như Alstom, Thales và Colas Rail với việc cung cấp đầu máy toa xe, hệ thống thông tin tín hiệu, đường ray và các thiết bị cơ điện tại các nhà ga. Bên cạnh đó, RATP Smart Systems cung cấp hệ thống thẻ vé.
Về mặt tư vấn, Công ty Systra hỗ trợ Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội – MRB quản lý dự án với tư cách là đơn vị tư vấn chung trong khi Bureau Veritas, APAVE và Certifer tham gia công tác chứng nhận an toàn hệ thống.
Việc khánh thành đoạn trên cao của tuyến đường sắt đô thị số 3 thành phố Hà Nội – tuyến số 2 của Việt Nam đi vào vận hành – là minh chứng cho năng lực thực hiện tốt các dự án phức tạp và tham vọng trong lĩnh vực giao thông đô thị tại Việt Nam của toàn thể đội ngũ Pháp – Việt Nam.
Dự kiến, tuyến đường sắt đô thị số 3 sẽ được kéo dài, tiếp tục đi ngầm dưới phố Trần Hưng Đạo và xuống phía Nam của thành phố Hà Nội tới Hoàng Mai, thêm 8 km ngầm. Phần tuyến kéo dài này sẽ được hỗ trợ tài chính từ các nhà tài trợ châu Âu là Cơ quan phát triển Pháp, Ngân hàng đầu tư châu Âu và Ngân hàng phát triển châu Á. Với những kinh nghiệm lớn đúc kết từ tuyến số 3, các công ty Pháp sẵn sàng huy động để góp phần giảm thiểu phát thải các-bon trong giao thông bằng việc tham gia các dự án giao thông đường sắt đang triển khai tại Việt Nam.
Ông Olivier Brochet, Đại sứ Pháp tại Việt Nam chia sẻ: “Việc khánh thành đoạn trên cao của tuyến đường sắt đô thị số 3 thành phố Hà Nội - tuyến số 2 của Việt Nam đi vào vận hành – chứng tỏ năng lực của toàn thể đội ngũ Pháp - Việt Nam trong việc triển khai tốt các dự án hạ tầng đầy tham vọng của lĩnh vực vận tải đường sắt. Điều này cũng thể hiện cam kết của Pháp đồng hành cùng Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi hướng tới nền kinh tế phi các-bon, đặc biệt thông qua việc cung cấp các giải pháp kĩ thuật đạt tiêu chuẩn quốc tế cao nhất”.