Góc sinh viên

Quản trị đại học hướng tới đào tạo đa ngành

Minh Đức 16/09/2024 14:20

Quản trị đại học không chỉ mang tính chất cải cách mà còn là xu thế tất yếu, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng giáo dục và năng lực cạnh tranh của hệ thống giáo dục đại học trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

quang-canh-2-.jpg
Quang cảnh hội thảo

Đó là nhận định của PGS, TS Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc phụ trách Ban Giám đốc Học viện Ngân hàng tại hội thảo “Mô hình quản trị đại học hướng tới đào tạo đa ngành" do Câu lạc bộ Khối đào tạo và Nghiên cứu khoa học Ngân hàng thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Học viện Ngân hàng tổ chức ngày 13/9.

Hội thảo nhằm mục đích đóng góp ý kiến thiết thực trong việc tăng cường hiệu quả quản trị đại học cho các trường đại học tại Việt Nam nói chung, Học viện Ngân hàng nói riêng ở bối cảnh tự chủ tài chính và tiến tới tự chủ đại học.

Khai mạc hội thảo, PGS, TS. Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc phụ trách Ban Giám đốc Học viện Ngân hàng khẳng định, giáo dục đại học đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia. Quản trị đại học, với tư cách là một hoạt động trụ cột, quyết định đến sự thành bại của hệ thống giáo dục.

pham-thi-hoang-anh.jpg
PGS, TS Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc phụ trách Ban Giám đốc Học viện Ngân hàng

Theo PGS, TS. Phạm Thị Hoàng Anh, quản trị không chỉ là việc xây dựng các quy tắc và hệ thống quản lý, mà còn là sự phân bổ hiệu quả nguồn lực, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Sự hiệu quả trong quản trị giúp đảm bảo các trường đại học không chỉ đứng vững mà còn phát triển, thích nghi nhanh chóng với những thách thức toàn cầu. Đây cũng chính là yếu tố quyết định mức độ tin cậy và uy tín của các trường đại học trên trường quốc tế.

"Tự chủ đại học, bao gồm tự chủ tài chính, đã mở ra cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học nâng cao tính linh hoạt và hiệu quả hoạt động. Điều này không chỉ giúp tăng tính cạnh tranh giữa các trường mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc đa dạng hóa các hoạt động giáo dục", PGS, TS. Phạm Thị Hoàng Anh cho biết.

Nhận định xu hướng toàn cầu về tự chủ đại học đang chuyển từ mô hình kiểm soát của nhà nước sang mô hình giám sát, trong đó các trường được trao quyền tự chủ lớn hơn, Phó Giám đốc phụ trách Ban Giám đốc Học viện Ngân hàng đã liên hệ với thực tế hiện nay tại Việt Nam.

Theo đó, các trường đại học công lập đang từng bước chuyển đổi theo xu thế này, với sự hỗ trợ của Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 đã tạo điều kiện để các trường mở rộng quyền tự chủ trong nhiều lĩnh vực quan trọng như học thuật, tài chính và tổ chức bộ máy.

Sự chuyển đổi này không chỉ mang tính chất cải cách mà còn là xu thế tất yếu, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng giáo dục và năng lực cạnh tranh của hệ thống giáo dục đại học trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

pham-manh-hung.jpg
PGS, TS. Phạm Mạnh Hùng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng

Đi sâu hơn về các vấn đề đặt ra với mô hình quản trị đại học hướng tới đào tạo đa ngành, PGS, TS. Phạm Mạnh Hùng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng cho biết, việc đào tạo đa ngành sẽ mang lại những tác động tích cực trong việc nâng cao uy tín, chất lượng đào tạo cũng như hoạt động nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục đại học. Vì vậy, để thích nghi với xu hướng chuyển đổi từ mô hình đào tạo đơn ngành sang đa ngành thì quản trị đại học cần có những thay đổi tương ứng, kỹ càng.

PGS, TS. Phạm Mạnh Hùng cũng lưu ý, khi chuyển sang mô hình đại học đa ngành thì việc phân biệt quyền và trách nhiệm của từng cấu phần quản trị đại học (gồm Hội đồng trường, Ban giám hiệu và Hội đồng khoa học) sẽ là một vấn đề lớn mà các trường cần chú ý, để tâm.

Đồng quan điểm, GS, TS. Trần Thị Vân Hoa - Ủy viên hội đồng lý luận Trung ương, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, việc phân công công việc giữa Hội đồng trường và Ban giám hiệu hiện nay vẫn chưa thật sự rõ rang. Nguyên nhân là do các văn bản pháp luật quy định chức trách, nhiệm vụ của từng bộ phận trong cơ sở giáo dục đại học vẫn chưa thật sự rõ ràng, tường minh.

tran-thi-van-hoa.jpg
GS, TS. Trần Thị Vân Hoa - Ủy viên hội đồng lý luận Trung ương, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân lưu ý, trong bối cảnh hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học cần xác định và phân biệt rõ mục tiêu phấn đấu là trở thành đại học hay phát triển đa ngành.

Theo Nghị định ​​99/2019/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có nêu điều kiện để chuyển trường đại học thành đại học là phải “có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ”.

Tuy nhiên, "việc xác định mục tiêu phát triển của từng cơ sở giáo dục đại học là điều vô cùng quan trọng và không thể nhầm lẫn. Đào tạo đa ngành để phát triển quy mô cơ sở đào tạo hay tiến tới đại học vẫn là một bài toán khó giải hiện nay của nhiều trường", GS, TS. Trần Thị Vân Hoa nhận định.

dao-thi-thu-giang.jpg
PGS.TS Đào Thị Thu Giang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đại Nam

Ở góc nhìn khác, PGS.TS Đào Thị Thu Giang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đại Nam cho rằng để triển khai đào tạo đa ngành phụ thuộc vào ý chí của lãnh đạo.

Trong đó, phân tích sự phân vai của hội đồng trường và hiệu trưởng, PGS.TS Đào Thị Thu Giang đưa ra thực tế là vẫn sẽ có sự khác nhau giữa các trường đại học, đặc biệt là giữa hệ thống trường công và trường tư.

Để định hướng đa ngành, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đại Nam cũng lưu ý các trường đại học phải lựa chọn ngành học có liên quan, hỗ trợ với ngành của mình cùng với chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực khi triển khai.

dao-van-hung.jpg
PGS.TS. Đào Văn Hùng - Nguyên Giám đốc Học viện Chính sách & Phát triển

Đưa ra những kinh nghiệm quốc tế về triển khai mô hình quản trị đại học và đánh giá triển vọng áp dụng vào thực tiễn của Việt Nam, PGS.TS. Đào Văn Hùng - Nguyên Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng các trường đại học phải vận hành như một doanh nghiệp, phải cân bằng được thị trường đòi hỏi và yêu cầu về nhiệm vụ chính trị.

"Các trường đại học đào tạo đa ngành nên có 2 khối gồm khối làm kinh tế và khối thực hiện trách nhiệm, bổn phận của trường đại học", PGS.TS. Đào Văn Hùng góp ý thêm.

Minh Đức