Vấn đề - Nhận định

Top 10 ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất

Anh Kiệt 16/09/2024 - 16:34

Theo thống kê từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, trong Top 10 ngân hàng dẫn đầu về vốn chủ sở hữu toàn ngành, có sự xuất hiện của: Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, Techcombank, VPBank, MB, ACB, SHB, HDBank.

Số liệu được Hiệp hội Ngân hàng cập nhật từ báo cáo tài chính quý II/2024 của 30 ngân hàng cho thấy, tổng quy mô vốn mô vốn chủ sở hữu của các ngân hàng này đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 8 % so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, Vietcombank là ngân hàng có vốn chủ sở hữu cao nhất, ở mức 181.703 tỷ đồng vào cuối quý II/2024, tăng 10% so với thời điểm cuối 2023.

Ở vị trí thứ 2 là Techcombank, với vốn chủ sở hữu đạt 138.522 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm.

VPBank xếp thứ 3 trong danh sách với vốn chủ sở hữu đạt 138.067 tỷ đồng, giảm 1% so với thời điểm cuối năm ngoái.

VietinBank và BIDV lần lượt giữ vị trí thứ 4 và 5 trong danh sách, với vốn chủ sở hữu đạt 135.973 tỷ đồng và 134.700 tỷ đồng, tăng lần lượt 8% và 10% so với cuối 2023.

Agribank xếp thứ 6 trong danh sách với vốn chủ sở hữu ở mức 117.074 tỷ đồng, tăng 16% so với thời điểm cuối năm. Agribank đã được tăng vốn thêm 10.347 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024.

Ngoài ra, Top 10 còn có sự góp mặt của các ngân hàng như MB, ACB, SHB và HDBank. Trong đó, MB là một trong 7 ngân hàng có vốn chủ sở hữu vượt mốc 100.000 tỷ đồng.

Dẫn số liệu thống kê từ WiChart, tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) trượt 4 quý của 27 ngân hàng niêm yết vào cuối quý II/2024 đã có sự phục hồi, đạt 17,1%, tăng thêm 0,4 điểm % so với quý I/2024. Nếu lấy mốc cuối năm 2023, ROE của những ngân hàng trên vẫn giảm 0,1 điểm %.

Top 10 ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ ROE, gồm: BIDV, Vietcombank, HDBank, LPBank, VIB, ACB, MB, Techcombank, OCB, Nam A Bank, trong đó:

HDBank tiếp tục duy trì vị trí đầu bảng với tỷ lệ ROE đạt 26,6%, tăng 2,4 điểm % so với đầu năm. LPBank đã vượt qua cả VIB, ACB và MB, xếp vị trí thứ 2 với ROE đạt 26,1%, tiến thêm 6,9 điểm % - mức tăng cao nhất toàn Ngành ngân hàng. ACB đã tụt xuống vị trí thứ thứ ba với ROE ở mức 23,9%, giảm 1 điểm % so với số liệu cuối năm ngoái. MB đứng vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng với ROE là 22,7%, giảm 1,2 điểm %. VIB tụt xuống vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng với ROE đạt 21,4%, giảm 2,9 điểm % so với thời điểm đầu năm. Nam A Bank đã có sự cải thiện về thứ hạng, đã vượt qua Vietcombank khi ROE tăng 1,9 điểm %, lên 20,7% vào cuối quý II/2024. Những vị trí còn lại trong Top 10 lần lượt thuộc về Vietcombank, BIDV, Sacombank, Techcombank. 6 tháng đầu năm, các ngân hàng OCB, VIB và Vietcombank đã ghi nhận ROE giảm sâu nhất, lần lượt là 5,1 điểm %, 2,9 điểm % và 1,72 điểm %.

Về tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA), chỉ số tỷ suất sinh lời của tài sản (ROA) của các ngân hàng niêm yết đã có sự phục hồi so với cuối năm 2023. ROA của ngành Ngân hàng (gồm 27 nhà băng) đã tăng 0,04 điểm % lên 1,52% vào cuối quý II/2024.

Theo đó, 3 ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ ROA lần lượt là Techcombank, MB và ACB, với ROA 4 quý gần nhất dao động trong khoảng từ 2,64% đến 2,34%. Ngoài ra, Top 10 ngân hàng dẫn đầu về ROA còn có sự góp mặt của HDBank, LPBank, VIB, Vietcombank, MSB, SeABank và Nam A Bank.

Anh Kiệt