Chứng khoán

Tâm lý lo lắng bao trùm thị trường, VN-Index chìm trong sắc đỏ

Quỳnh Dương {Ngày xuất bản}

Áp lực bán tiếp tục gia tăng và lan rộng ngay từ phiên đầu tuần khiến VN-Index giảm mạnh về mức thấp nhất trong vòng 1 tháng.

image(21).png
Diễn biến VN-Index

Khởi đầu tuần mới, lực cầu tích cực ngay từ đầu phiên giúp VN-Index mở cửa trong sắc xanh. Tuy nhiên, áp lực bán cùng diễn biến điều chỉnh rung lắc có xu hướng lan tỏa diện rộng khiến chỉ số chung dần suy yếu trượt điểm dưới tham chiếu sau hơn 1 tiếng giao dịch. Một số cố phiếu blue-chips đi ngược dòng như TCB hay SSB giúp thị trường phần nào bớt tiêu cực.

Việc VN-Index chưa thoát khỏi vận động lình xình cho thấy thị trường cần thêm thời gian để kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.250 cũng như chờ đợi sự chủ động của dòng tiền. Bên cạnh đó, mức thanh khoản trong phiên sáng tiếp tục duy trì ở mức thấp thể hiển cho tâm lý thận trọng của thị trường chung sau chuỗi ngày giảm điểm liên tục.

Bước sang phiên chiều, áp lực bán gia tăng mạnh mẽ đã xóa bỏ mọi nỗ lực nâng đỡ thị trường từ nhóm cổ phiếu blue-chips ngược dòng. VN-Index liên tục có những nhịp giằng co với sự suy giảm phía lực cầu khiến nỗ lực phục hồi gần như không có kết quả. Nhóm cổ phiếu có đà tăng mạnh trong phiên sáng như TCB và SSB bị bán tháo lùi về quanh giá tham chiếu.

image(18).png
Bản đồ thị trường

Nhóm VN30 hôm nay tiếp tục giảm sâu khi có tới 25 mã giảm, chỉ duy nhất GVR tăng nhẹ 0,87% cùng 4 cổ phiếu ngân hàng là MBB, SSB, TCB, VIB giữ được mốc tham chiếu. Trong đó, cổ phiếu POW giảm sâu nhất với 3,91%, tiếp theo là các mã lớn như VHM giảm 2,91%, GAS giảm 2,3%, VRE giảm 2,07%, VIC giảm 1,98%...

Tâm lý lo lắng bao trùm thị trường trước những thiệt hại do báo Yagi gây ra. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng; ước cả năm GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản ước tăng trưởng có thể đạt 6,8-7%.

Thanh khoản phiên hôm nay dù vẫn ở mức thấp song vẫn tăng khá mạnh so với phiên trước. Giá trị giao dịch cả 3 sàn đạt khoảng 15.200 tỷ đồng.

Điểm sáng trong phiên hôm nay là việc khối ngoại đi ngược chiều với dòng tiền khối nội khi tập trung mua ròng với tổng giá trị ròng đạt 250,86 tỷ đồng, chủ yếu mua các mã TCB, NAB, FPT.

image(20).png
Giao dịch khối ngoại

Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, sàn HOSE có 97 mã tăng và 312 mã giảm, VN-Index giảm 12,45 điểm (-0,99%), xuống 1.239,26 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 608 triệu đơn vị, giá trị đạt 13.485 tỷ đồng, tăng 26% về khối lượng và 21% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 154,4 triệu đơn vị, giá trị đạt 2935.5 tỷ đồng.

Sàn HNX có 58 mã tăng và 96 mã giảm, chỉ số HNX-Index giảm 1,58 điểm (-0,68%), xuống 230,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 49 triệu đơn vị, giá trị đạt 871 tỷ đồng, tăng 4% khối lượng và 17% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 17 triệu đơn vị, giá trị đạt 927,5 tỷ đồng.

Sàn UPCoM có 114 mã tăng và 143 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,38 điểm (-0,41%), xuống 92,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 24,4 triệu đơn vị, giá trị 383 tỷ đồng, giảm 19% về khối lượng và tăng 13% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,2 triệu đơn vị, giá trị đạt 52 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, với VN30F2409 giảm 12,1 điểm, tương đương -0,9% xuống 1.282 điểm, khớp lệnh gần 168.580 đơn vị, khối lượng mở 44.600 đơn vị.

Đánh giá về diễn biến thị trường, CTCK Vietcombank (VCBS) lưu ý, những nhịp rung lắc điều chỉnh trong thời gian gần đây của VN-Index cho thấy việc thị trường đang thiếu động lực từ dòng tiền cũng như thiếu vắng sự xuất hiện của một nhóm cổ phiếu có tính chất dẫn dắt tạo xu hướng. Điều này cũng ảnh hưởng tới tâm lý của nhà đầu tư khiến giao dịch có phần trầm lắng, thể hiện qua thanh khoản giảm sút và lực mua chủ động là khá thấp.

VCBS khuyến nghị, nhà đầu tư vẫn có thể duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục, nhưng cần chủ động hạ tỷ trọng đòn bẩy và bám sát diễn biến thị trường trong phiên để có thể kịp thời hành động nếu cổ phiếu chạm ngưỡng chốt lời/cắt lỗ hoặc nếu thị trường bất ngờ xuất hiện xu hướng mới trong những phiên tới.

Về chiến lược giao dịch tuần này, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK VNDIRECT cho biết, kinh nghiệm quá khứ cho thấy “đỉnh thị trường luôn xuất hiện trong giai đoạn giao dịch sôi động và đáy thị trường hình thành khi thanh khoản thị trường trầm lắng”. Do vậy, VN-Index đang ở trong giai đoạn tích lũy cho sóng tăng cuối năm và nhà đầu tư nên tận dụng gia đoạn này để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu quanh vùng hỗ trợ 1.250 điểm, ưu tiên những nhóm ngành có câu chuyện tăng trưởng tích cực cuối năm như ngân hàng, chứng khoán, xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ) và bất động sản khu công nghiệp.

Chuyên gia này đồng thời giữ quan điểm tích cực đối với triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn cuối năm và kịch bản VN-Index vượt mốc 1.300 điểm trong năm nay hoàn toàn khả thi nhờ những yếu tố hỗ trợ: Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến hạ lãi suất điều hành khoảng 0,75% trong những tháng cuối năm; áp lực tỷ giá và lạm phát hạ nhiệt giúp NHNN có điều kiện để chuyển hướng mục tiêu sang ưu tiên tăng trưởng kinh tế, gia tăng cung tiền và duy trì mặt bằng lãi suất ở vùng thấp; kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục cải thiện; tiến triển mới trong câu chuyện nâng hạn thị trường.

Quỳnh Dương