Nghiên cứu - Trao đổi

Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá: Điều hành giá, hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng

M.Đ {Ngày xuất bản}

Trước thực tế một số thời điểm khan hiếm lương thực, làm tăng giá cục bộ trước, trong và sau bão số 3, ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, sẽ điều hành giá, hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng sau bão lũ; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

pho-cuc-truong-cuc-quan-ly-gia.jpg
Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Phạm Văn Bình cho biết cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để minh bạch thông tin về giá

Phóng viên: Xin ông cho biết về tình hình giá cả thị trường trong thời gian chịu ảnh hưởng của bão số 3?

Ông Phạm Văn Bình: Cơn bão số 3 vừa qua đã tác động và gây ra hậu quả rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và giao thông vận tải, khiến hoạt động cung ứng hàng hoá, lương thực, thực phẩm bị gián đoạn, dẫn đến nhiều thời điểm khan hiếm cục bộ. Do đó, giá một số mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng rau củ đã tăng so với bình thường.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 95/CĐ-TTg ngày 13/9/2024 về tăng cường công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3. Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính cũng đã có công điện Công điện số 03/CĐ-BTC gửi các bộ, cơ quan ngang bộ; UBND các tỉnh, thành phố; thủ trưởng các đơn vị, tổ chức trực thuộc Bộ Tài chính về việc đẩy mạnh, tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá sau bão số 3.

Phóng viên: Bộ Tài chính đã triển khai những biện pháp như thế nào để đảm bảo ổn định giá cả thị trường, thưa ông?

Ông Phạm Văn Bình: Thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, trong thời gian qua và nhất là dịp xảy ra bão số 3, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị, bộ, ngành, địa phương sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Đặc biệt, trong quản lý điều hành thì không thể thiếu sự tham gia tích cực của hoạt động truyền thông, nên cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá, nhất là diễn biến giá các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để người dân nắm bắt thông tin trong công tác quản lý và điều hành giá, hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng sau bão lũ.

Phóng viên: Công tác điều hành giá cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương. Theo ông, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện những giải pháp gì cho công tác ổn định thị trường, giá cả?

Ông Phạm Văn Bình: Trong công điện số 03, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương, tiếp tục tăng cường sự phối hợp với Bộ Tài chính cũng như chủ động trong việc nghiên cứu, nắm bắt tình hình giá cả thị trường của những mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để tham mưu kịp thời cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có những giải pháp xử lý trong các tình huống liên quan tới hoạt động về quản lý, điều hành giá.

Các địa phương cần nắm bắt sát diễn biến giá cả thị trường, cung cầu hàng hóa trên địa bàn nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu của người dân, giám sát thị trường hàng hóa tại các chợ đầu mối, trung tâm mua sắm, siêu thị không để xảy ra tình trạng tạo khan hiếm, đầu cơ nâng giá, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý nhằm trục lợi.

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, đảm bảo nguồn cung hàng hóa, dịch vụ đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, chịu thiệt hại của bão lũ. Triển khai các hoạt động sản xuất tạo nguồn sản phẩm cung ứng góp phần ổn định thị trường, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu. Các đơn vị cũng cần chuẩn bị và tính toán kỹ các phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường để tránh tác động cộng hưởng lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong thời điểm thị trường giá cả bị tác động do bão lũ.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn ông!

Nghị định 87/2024/NĐ-CP ngày 12/7/2024 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá đã quy định các mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá các biện pháp điều hành phù hợp với thực tế tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá. Các bộ, ngành theo phạm vi, lĩnh vực ngành hàng quản lý, UBND các địa phương cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

M.Đ