Nhiều kết quả tích cực trong chuyển dịch từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán thẻ trong thời đại chuyển đổi số
Thanh toán thẻ và các phương tiện thanh toán không tiền mặt đã trở thành một phần tất yếu của xã hội hiện đại vì những tiện ích mang lại cho người tiêu dùng. Làn sóng thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đang mang đến vô vàn tiềm năng tăng trưởng và đổi mới.
Theo Chi Hội Thẻ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, số lượng giao dịch qua Internet, Mobile và mã QR đang tăng trưởng nhanh chóng tại Việt Nam và mang đến sự tiện lợi chưa từng có cho người tiêu dùng.
Năm 2023, thanh toán không dùng tiền mặt đạt 11 tỷ giao dịch, tăng 50% so với năm 2022. Trong đó: thanh toán qua di động chiếm tỉ trọng cao nhất, đạt 7 tỷ giao dịch; thanh toán qua QR Code tăng trưởng bứt phá về số lượng với 172%.
Tổng giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 200 triệu tỷ đồng, thanh toán qua Internet và di động chiếm 50%.
Hoạt động thẻ tại Việt Nam đạt được những bước tiến đáng kể nhờ nhiều yếu tố thuận lợi có thể kể tới như: trên 87% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng, với tổng 180 triệu tài khoản và 138 triệu thẻ ngân hàng.
Số lượng điểm chấp nhận thẻ đạt 1,8 triệu đơn vị, cùng mạng lưới thanh toán chấp nhận mã QR đang ngày càng phủ rộng nhanh chóng.
Đặc biệt, từ sau đại dịch COVID-19, thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán không chạm chiếm ưu thế vượt trội và trở nên phổ biến.
Số liệu thống kê của Chi Hội Thẻ cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 6/2024, hoạt động thẻ của thị trường Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan.
Đối với hoạt động phát hành thẻ, tổng số lượng thẻ đạt 138 triệu, tăng 14% so với năm 2021. Trong đó, thẻ ghi nợ nội địa chiếm tỷ trọng lớn nhất với 65%, thẻ ghi nợ quốc tế 25% và thẻ tín dụng quốc tế 8%.
Tổng doanh số sử dụng thẻ đạt 3,1 triệu tỷ đồng năm 2021, tăng lên 3,8 triệu tỷ đồng năm 2023 và đạt 2 triệu tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024.
Điểm nổi bật được ghi nhận là xu hướng chuyển dịch từ rút tiền mặt sang thanh toán bằng thẻ. Tỷ trọng thanh toán, chi tiêu bằng thẻ tăng từ 23% lên 39%.
Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng doanh số chi tiêu thẻ bình quân năm đạt 33%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng số lượng thẻ lưu hành (5%) cho thấy sự cải thiện tích cực về chất lượng thẻ.
Đối với hoạt động thanh toán thẻ, tổng doanh số chấp nhận thẻ (bao gồm cả doanh số thanh toán và rút tiền mặt) đạt trung bình 3,5 triệu tỷ đồng/năm và 1,8 triệu tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024. Tăng trưởng doanh số thanh toán thẻ bình quân năm đạt 32%.
Tỷ trọng doanh số thanh toán thẻ trong tổng doanh số chấp nhận thẻ tăng từ 26% lên 34%. Doanh số thanh toán tại POS vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 69%
Số lượng đơn vị chấp nhận thẻ tăng trưởng mạnh qua các năm, hiện đạt 1,8 triệu đơn vị. Trong đó, số lượng đơn vị chấp nhận mã QR đóng góp tỷ trọng lớn nhất với hơn 1 triệu đơn vị, tăng gấp 8,2 lần so với năm 2021. Số lượng POS và mPOS cũng đều tăng gấp 2 lần so với năm 2021.
Trong triển khai các sản phẩm dịch vụ thẻ mới, với phương châm lấy khách hàng làm trọng tâm, các ngân hàng không ngừng nâng cao trải nghiệm khách hàng, cải tiến, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ với các tính năng, ưu đãi, hình ảnh thẻ phù hợp với từng phân khúc khách hàng, từ sản phẩm cho giới trẻ, đến các sản phẩm dành cho khách hàng cao cấp.
Sự ra đời của thẻ phi vật lý, các giải pháp công nghệ hiện đại như eKYC, xác thực sinh trắc học, mã hóa số thẻ, thanh toán qua thiết bị di động: đã đánh dấu bước phát triển quan trọng trong hoạt động thẻ tại thị trường Việt Nam, mang lại nhiều tiện ích, giá trị cho người tiêu dùng cũng như xã hội.
“Trong thời đại công nghệ số không ngừng phát triển, các giải pháp thanh toán mới liên tục được đưa ra thị trường, tuy nhiên, thẻ vẫn là nền tảng cho sự phát triển của các phương thức thanh toán này”, đại diện Chi Hội Thẻ khẳng định điều này tại một hội thảo tổ chức hồi tháng 8/2024.