Hiệu quả tín dụng chính sách ở Bình Phước
Đồng hành với bà con thoát nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bình Phước luôn chú trọng cho vay vốn tín dụng chính sách đúng đối tượng chính sách và đối tượng khác vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng...
Đáng chú ý, qua 10 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, tín dụng chính sách xã hội thực hiện thông qua NHCSXH đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, số lượt người vay vốn tín dụng ngày càng nhiều, chất lượng tín dụng được nâng cao.
Đến nay, tổng dư nợ thực hiện theo phương thức ủy thác qua các hội, đoàn thể đạt trên 4.453 tỷ đồng, với 87.331 khách hàng vay, chiếm 99,86% tổng dư nợ.
Giai đoạn 2014-2024, nguồn vốn đã tạo điều kiện cho 21.453 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 27.401 lao động; 16.683 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng 223.613 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng 942 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách; 29 doanh nghiệp vay vốn với số tiền 21.979 triệu đồng để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 5.701 lượt lao động.
Để tiếp tục phát huy, lan tỏa ý nghĩa nhân văn của tín dụng chính sách xã hội thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, hệ thống NHCSXH trên địa bàn tỉnh tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tạo điều kiện cho nhiều hộ nghèo và đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn. Chính quyền địa phương cân đối, ưu tiên bố trí thêm nguồn lực, qua đó góp phần thiết thực cho mục tiêu đảm bảo công bằng xã hội, không ai bị bỏ lại phía sau.
Quyết tâm thực hiện chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình xây dựng đất nước là phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, mọi người dân đều được thụ hưởng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; không “hy sinh” tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; với tinh thần “tất cả cùng phát triển”, “không ai bị bỏ lại phía sau”, cùng chia sẻ, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển.
Tỉnh Bình Phước tiếp tục quan tâm, cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH tỉnh, nhất là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội. NHCSXH mở rộng quy mô tín dụng, nâng cao quy mô cho vay, tăng cường đối tượng cho vay, nhất là đối tượng người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa, người yếu thế, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế, tạo điều kiện cho những người yếu thế phát huy sức mạnh nội sinh, tự tin, tự lực, tự cường, vượt lên khó khăn, thách thức, nghịch cảnh, thoát nghèo, tiến tới làm giàu, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tiến bộ; góp phần thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội rất nhân văn, bao trùm, tổng thể, toàn diện của Đảng, Nhà nước ta.