Tin Hiệp hội Ngân hàng

Lấy ý kiến lần cuối hoàn thiện dự thảo Bộ quy tắc về chuyển tiền quốc tế

Quỳnh Lê 18/09/2024 16:21

Sáng ngày 18/9, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức họp lấy ý kiến lần cuối hoàn thiện dự thảo Bộ quy tắc và thực hành thống nhất về kiểm tra chứng từ đối với giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam (sau đây gọi là "Bộ quy tắc").

Tham dự cuộc họp, về phía Ngân hàng Nhà nước có ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối.

Về phía Hiệp hội Ngân hàng có ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký - Trưởng Ban soạn thảo Bộ quy tắc; các thành viên trong Ban soạn thảo và Tổ giúp việc xây dựng Bộ quy tắc.

Trên cơ sở được sự chấp thuận về chủ trương của Ngân hàng Nhà nước và công văn cử người tham gia của các ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng đã ban hành Quyết định số 87/QĐ-CQTT ngày 4/12/2023 thành lập và Quyết định số 31/QĐ-CQTT ngày 3/5/2024 kiện toàn nhân sự Tổ công tác gồm Ban soạn thảo và Tổ giúp việc xây dựng Bộ quy tắc.

Trước cuộc họp hôm nay, Tổ công tác đã họp 4 lần (ngày 11/12/2023, ngày 10/1/2024, ngày 15/4/2024, ngày 23/7/2024) để thống nhất xây dựng đề cương, bộ quy tắc triển khai thực hiện và dự thảo Bộ quy tắc.

img_3785.jpeg
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại cuộc họp

Ngày 26/7/2024, Hiệp hội Ngân hàng đã có công văn số 368/HHNH-PLNV đề nghị các ngân hàng thành viên rà soát nội dung dự thảo lần 2 và đóng góp ý kiến trên tinh thần bám sát 3 nguyên tắc lớn khi xây dựng Bộ quy tắc của Ngân hàng Nhà nước, gồm:

Thứ nhất, bám sát văn bản pháp luật và/hoặc có căn cứ pháp lý rõ ràng, không đề xuất mở rộng các nội dung chưa được hướng dẫn tại các văn bản quy định pháp luật như Pháp lệnh ngoại hối, Nghị định 70/2024/NĐ-CP, Thông tư 20/2022/TT-NHNN.

Thứ hai, không bổ sung quy định quá chi tiết đối với các tình huống ít phổ biến, chỉ hướng dẫn bao quát các tình huống phổ biến để đáp ứng nhu cầu chuyển tiền một chiều ra nước ngoài hợp pháp, hợp lệ, hợp lý của người cư trú là công dân Việt Nam.

Thứ ba, đề cao trách nhiệm tuân thủ quy định pháp luật và phòng chống rửa tiền của các ngân hàng thương mại và các cán bộ ngân hàng trong quá trình cung ứng dịch vụ chuyển tiền quốc tê cho khách hàng.

Trao đổi tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trên cơ sở tổng hợp, rà soát ý kiến góp ý của các tổ chức tín dụng, Tổ công tác đã bổ sung, chỉnh sửa và đến ngày hôm nay đã hoàn thành dự thảo lần 3 Bộ quy tắc.

"Với tinh thần làm việc hết sức tích cực, nỗ lực, khẩn trương, Dự thảo Bộ quy tắc gần như đã hoàn thiện và đây là cuộc họp góp ý cuối cùng. Cuộc họp sẽ xin ý kiến của Vụ Quản lý ngoại hối đối với những vấn đề còn gây tranh luận và đi đến thống nhất", Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nói.

img_3781.jpeg
Toàn cảnh cuộc họp

Tại cuộc họp, đại diện Ban soạn thảo Bộ quy tắc cho biết, sau cuộc họp ngày 23/7, các ngân hàng thành viên nghiêm túc rà soát, đánh giá, có ý kiến đề xuất chỉnh sửa đối với dự thảo lần 2. Đồng thời, Ban soạn thảo đã tổng hợp 110 ý kiến phản hồi tham gia góp ý của 7 ngân hàng gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank, MB, Techcombank và HSBC để xây dựng dự thảo lần 3.

Đại diện Ban soạn thảo đề xuất xin ý kiến chỉ đạo của Vụ Quản lý ngoại hối đối với toàn bộ nội dung dự thảo lần 3 và một số vấn đề chưa được thống nhất giữa các ngân hàng thành viên, tập trung vào các vấn đề: đối tượng áp dụng Bộ quy tắc; nguyên tắc xác định tình trạng cư trú; quy định về trường hợp người cư trú; giấy tờ chứng minh du học sinh được học tập ở nước ngoài; hộ chiếu Việt Nam của người hưởng thừa kế; xác định hạn mức chuyển tiền định cư ở nước ngoài;...

Bên cạnh đó, Ban soạn thảo cũng nêu rõ một số từ ngữ cần giải thích tại Bộ quy tắc, chẳng hạn: định cư ở nước ngoài; phí, lệ phí của nước ngoài; thân nhân ở nước ngoài; sinh hoạt phí/chi phí sinh hoạt...

Ngoài ra, Ban soạn thảo nhấn mạnh, để đảm bảo sự thống nhất, rõ ràng trong việc tham gia áp dụng Bộ quy tắc và trách nhiệm tuân thủ Bộ quy tắc, việc thiết kế các mẫu biểu là cần thiết. Bao gồm: phụ lục để các ngân hàng tham gia ký kết, thể hiện sự nhất trí và trách nhiệm tuân thủ thực hiện theo Bộ quy tắc; văn bản đề nghị gửi Hiệp hội Ngân hàng về việc ngân hàng thương mại thống nhất thực hiện Bộ quy tắc (áp dụng trong trường hợp các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không phải là thành viên Hiệp hội có nhu cầu thực hiện theo Bộ quy tắc).

Trao đổi tại cuộc họp, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, đánh giá cao nỗ lực và tinh thần làm việc của Tổ công tác. Đại diện Vụ Quản lý ngoại hối khẳng định, việc lựa chọn Hiệp hội Ngân hàng là đầu mối thực hiện Bộ quy tắc là rất đúng đắn.

Đối với tất cả các ý kiến mà Tổ công tác đưa ra trong cuộc họp, ông Đào Xuân Tuấn đã giải thích, nêu ra một số thực tiễn liên quan và đưa ra phản hồi dưới góc nhìn của cơ quan quản lý. Đồng thời, nhấn mạnh, trách nhiệm của các tổ chức tín dụng khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền quốc tế là tuân thủ theo Pháp lệnh Ngoại hối và Nghị định 70/2024/NĐ-CP.

Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, với tinh thần làm việc đầy trách nhiệm, cuộc họp đã làm sáng tỏ nhiều nội dung còn vướng mắc và đã đi đến thống nhất. Sau cuộc họp này, Ban soạn thảo sẽ rà soát, chỉnh sửa, trau chuốt lại câu chữ và khẩn trương hoàn thiện dự thảo lần cuối cùng dựa trên phản hồi của Vụ Quản lý ngoại hối.

Sau khi hoàn thiện dự thảo cuối cùng, Hiệp hội Ngân hàng sẽ gửi xin ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Toà án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối, Vụ Pháp chế, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Cục Phòng chống rửa tiền) trong tháng 9/2024.

Với tinh thần làm việc đầy trách nhiệm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng tin tưởng, Bộ quy tắc sẽ được ban hành trong tháng 10/2024.

Quỳnh Lê