Hoạt động ngân hàng

Đồng Nai: Tín dụng chính sách là “cầu nối” trong phát triển kinh tế tập thể

ThS. Trần Trọng Triết 19/09/2024 - 09:42

Thời gian qua, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cùng với các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đẩy mạnh tăng độ bao phủ của vốn tín dụng nhằm hạn chế tình trạng người dân có nhu cầu vay vốn chính đáng không tiếp cận được các kênh tín dụng chính thức phải tìm đến “tín dụng đen”.

Số liệu thống kê từ NHCSXH tỉnh Đồng Nai cho biết, toàn tỉnh có gần 127 nghìn trường hợp đang vay vốn chính sách, với số tiền đạt trên 5,4 nghìn tỷ đồng. 99,9% số tiền cho vay này được ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội, gồm: Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn.

Hiện 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận vốn ủy thác cho vay tín dụng chính sách thông qua 2.558 tổ tiết kiệm và vay vốn, tăng 60 tổ so với đầu năm. Trong số này, có 2.181/2.558 tổ tiết kiệm và vay vốn không có nợ quá hạn nhưng có đến 377 tổ tiết kiệm và vay vốn có nợ quá hạn.

quang-canh-le-ky-ket-thoa-thuan-hop-tac-tin-dung-chinh-sach-cho-vay-hinh-te-hop-tac..jpg
Ảnh minh họa

Ông Lê Bá Chuyên, Giám đốc NHCSXH tỉnh Đồng Nai chia sẻ, thời gian qua Đồng Nai đã bố trí 1,3 nghìn tỷ đồng từ ngân sách vào tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của tỉnh. Hiện vốn địa phương của Đồng Nai chiếm 27% vốn NHCSXH tỉnh, gấp đôi bình quân của nước và đứng thứ 6 toàn quốc.

Đến thời điểm này, NHCSXH các cấp phối hợp với Công ty Cổ phần Kinh doanh nhà Đồng Nai tổ chức tư vấn, hỗ trợ khách hàng hoàn thiện hồ sơ vay vốn. Đến nay, đã có 103 khách hàng được thông báo đủ điều kiện vay với số tiền 89,1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đơn vị còn ký kết chương trình hợp tác trong lĩnh vực tín dụng, truyền thông, đào tạo và các lĩnh vực khác để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn với Liên minh Hợp tác xã (HTX) Đồng Nai.

Theo nội dung phối hợp, NHCSXH tỉnh tăng cường cung ứng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ thanh toán ngân hàng cho các HTX, liên hiệp HTX và thành viên tổ hợp tác thuộc Liên minh HTX Đồng Nai; tiếp nhận nguồn vốn ủy thác từ Liên minh HTX Việt Nam phân bổ về Đồng Nai và của các thành viên thuộc hệ thống Liên minh HTX Đồng Nai để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn.

Còn Liên minh HTX Đồng Nai ưu tiên mở tài khoản thanh toán, gửi tiền, sử dụng dịch vụ của NHCSXH trong hệ thống thành viên mình và thành viên của các tổ hợp tác, HTX.

Đồng thời, ưu tiên lựa chọn NHCSXH để thực hiện một số hoạt động cho các dự án có nguồn vốn từ nước ngoài, quỹ đầu tư tài trợ qua liên minh trên cơ sở phù hợp với điều kiện, khả năng và yêu cầu thực tế của địa phương. Tuyên truyền, hỗ trợ khách hàng vay vốn tại Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Đồng Nai lựa chọn NHCSXH là ngân hàng cung cấp tài khoản để thanh toán dòng tiền từ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hai bên cũng sẽ phối hợp để tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội ưu đãi của Nhà nước, nâng cao năng lực quản lý, sử dụng vốn hiệu quả của các thành viên Liên minh HTX Đồng Nai.

Hỗ trợ nhau trong lĩnh vực đào tạo các nghiệp vụ ngân hàng; phối hợp xây dựng chiến lược truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của kinh tế tập thể, HTX và hoạt động tín dụng chính sách xã hội...

Định kỳ hằng năm hai bên có hình thức phù hợp tổ chức đánh giá sơ kết, kết quả tổ chức thực hiện và sau mỗi 3 năm, 5 năm sẽ tiến hành đánh giá tổng kết cũng như xây dựng phương hướng, nhiệm vụ cho giai đoạn tiếp theo.

Đặc biệt hơn nhằm kịp thời đề xuất, giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, hỗ trợ thành viên, các đối tượng chính sách, người lao động tiếp cận nguồn vốn; phối hợp phổ biến, tuyên truyền, giới thiệu các kênh vay vốn chính thống; đẩy mạnh phát triển các loại hình tiết kiệm, tín dụng vi mô; đưa ra các hình thức hỗ trợ tài chính đối với hội viên, đoàn viên gặp khó khăn nhằm hạn chế tối đa tình trạng người dân có nhu cầu vay tiến chính đang nhưng không vay được vốn, phải tìm đến các hình thức “tín dụng đen”.

ThS. Trần Trọng Triết