Bulog liên tục mở nhiều cuộc đấu thầu nhập khẩu gạo
Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia (Bulog) thông báo mở thầu mua 450.000 tấn gạo trắng, loại 5% tấm, niên vụ 2024 (xay xát không muộn hơn quá 6 tháng) có xuất xứ từ Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Pakistan. Thời gian giao hàng từ tháng 10 đến tháng 11/2024. Đây là lần thứ 8 Bulog mở thầu nhập khẩu gạo trong năm nay.
Ngày cuối cùng nộp chào thầu là ngày 23/9/2024. Các cuộc đàm phán về giá dự kiến sẽ diễn ra trong vài ngày trước khi hoàn tất giao dịch mua. Thời gian giao hàng dự kiến từ tháng 10 đến tháng 11 năm nay.
Nguồn tin thương mại cho biết, 450 ngàn tấn gạo Bulog đang mở thầu có tổng số 15 lô, đến thời điểm này gạo có 6 lô trúng thầu (từ lô 1 đến lô 5 và lô 15) có nguồn gốc từ Việt Nam/Myanmar, tổng khối lượng là 180,1 ngàn tấn gạo. Các lô còn lại có nguồn gốc từ Thái Lan, Pakistan, Campuchia với tổng khối lượng là 269,9 ngàn tấn.
Về giá bán, Bulog đang trong quá trình đàm phán với các doanh nghiệp trúng thầu và sẽ chính thức công bố vào ngày 25/9 như lịch đấu thầu.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trước đó, Bulog đã mở đợt thầu lần thứ 7 trong năm 2024, với mục tiêu nhập 350.000 tấn gạo trắng 5% tấm niên vụ 2024. Trong tổng số 13 lô dự thầu, chỉ có 6 lô trúng thầu có nguồn gạo từ Miến Điện, Pakistan và Việt Nam, 7 lô còn lại với khối lượng 184.100 tấn vẫn còn đang trong quá trình đàm phán giá. Bulog cùng với Thái Lan và Campuchia vẫn chưa hoàn tất các đàm phán đối với các lô còn lại do giá dự thầu cao.
Như đã dự báo, năm 2024, Chính phủ Indonesia sẽ mở cửa nhập khẩu gạo với tổng số 4,046 triệu tấn. Bao gồm 3,63 triệu tấn gạo nhập khẩu thông thường, việc thực hiện được giao cho Bulog.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Indonesia đã phát hành tổng cộng 8 gói thầu, trong 7 gói thầu trước đó, Indonesia đã mua khoảng 2,2 triệu tấn gạo và sử dụng hơn một nửa hạn ngạch. Trong đó, Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Pakistan là những nhà cung cấp chính cho Xứ sở vạn đảo.
Dữ liệu về nguồn gốc nhập khẩu gạo của Indonesia trong 8 tháng đầu năm 2024, gồm: Thái Lan: 1,024 triệu tấn; Việt Nam: 758,679 ngàn tấn; Pakistan: 380,725 ngàn tấn; Myanmar: 309,288 ngàn tấn; Campuchia: 22,500 ngàn tấn. Tổng lượng thực hiện nhập khẩu, cả hàng đã bốc hàng và đến Indonesia, là 2,68 triệu tấn.
Nhận định thị trường gạo xuất khẩu từ nay đến cuối năm, GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam cho biết, từ nay đến cuối năm thị trường gạo xuất khẩu sẽ chịu tác động từ 2 nước nhập khẩu lớn là Philippines và Indonesia. Bên cạnh đó, khả năng quay lại thị trường của Ấn Độ là rất cao, bởi nước này không thể dự trữ gạo quá lâu được. Tuy nhiên, khoai tây, lúa mì của Ấn Độ đều bị mất mùa rất nghiêm trọng, riêng lúa gạo thì ít ảnh hưởng hơn.
“Chính phủ Ấn Độ rất sợ lương thực bị mất mùa, vì dân số của họ đã trên 1,4 tỷ người. Do vậy, chiến lược phòng vệ của họ là phải đóng cửa xuất khẩu lương thực, nhưng không loại trừ khả năng họ sẽ “xả cảng” gạo. Trên thực tế từ nay đến cuối năm vẫn chưa có tín hiệu gì cho thấy Ấn Độ quay lại thị trường, và gạo Việt Nam vẫn còn có giá rất tốt”, ông Bửu nói.
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tháng 8/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 851,079 ngàn gạo, trị giá 509,817 triệu USD, tăng 13,3% về lượng và tăng 12,8% về trị giá so với tháng trước.
Lũy kế, 8 tháng đầu năm xuất khẩu gạo đạt hơn 6,15 triệu tấn, mang về 3,85 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái tăng 5,8% về lượng và tăng 21,7% về kim ngạch.
Xuất khẩu gạo tăng nhẹ về khối lượng nhưng tăng mạnh về kim ngạch do giá gạo xuất khẩu bình quân tăng 14,8 % so với cùng kỳ năm 2023, lên mức 625 USD/tấn. Top 3 thị trường xuất khẩu gạo lần lượt là: Philippines, Indonesia và Malaysia.
Trong đó, Philippines là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam. Tháng 8/2024, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 497,266 ngàn tấn, trị giá 294,589 triệu USD, so với tháng 8/2023, tăng 21,38% về khối lượng và tăng 20,69% về trị giá.
Lũy kế, 8 tháng đầu năm xuất khẩu gạo sang Philippines đạt 2,808 triệu tấn, mang về 1,716 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 19,7% về khối lượng và 39,7% về kim ngạch, chiếm 54,35% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Đứng thứ hai là Indonesia, tháng 8/2024, nước này nhập khẩu 135,196 ngàn tấn gạo từ Việt Nam, trị giá 76,081 triêu USD, so với tháng 8/2023 tăng 17,12% về khối lượng và tăng 23% về kim ngạch.
Luỹ kế 8 tháng, xuất khẩu gạo sang Indonesia đạt 913,888 ngàn tấn, trị giá 557,77 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 27,26% về khối lượng và tăng 54,40% về giá trị, chiếm 14.85% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước.