Hoạt động ngân hàng

Tăng hiệu quả nguồn vốn cho vay hỗ trợ việc làm ở TP. Bạc Liêu

ThS. Trần Trọng Triết {Ngày xuất bản}

Với việc tích cực hỗ trợ người dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu đã giúp hàng nghìn lượt hộ dân có thêm “điểm tựa” tài chính vững chắc để đầu tư khởi nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống theo hướng bền vững.

Số liệu báo cáo từ Phòng Lao động –Thương binh và Xã hội TP. Bạc Liêu cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, đã có 511 hộ vay vốn hỗ trợ tạo việc làm với số tiền trên 18 tỷ đồng. Bên cạnh đó, NHCSXH còn hỗ trợ nguồn vốn vay để phát triển kinh tế cho 888 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với tổng số tiền trên 27,1 tỷ đồng.

Vốn tín dụng chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã giúp giải quyết việc làm cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội. Các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, hạn chế tình trạng vay nặng lãi (tín dụng đen), nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Nguồn vốn tín dụng chính sách cũng giúp cho người lao động có việc làm ổn định, phát triển kinh tế gia đình ở tại địa phương.

tin-dung-chinh-sach-dong-luc-giam-ngheo-..jpg
Tăng hiệu quả nguồn vốn cho vay hỗ trợ việc làm ở TP. Bạc Liêu

Đáng chú ý, ngoài hỗ trợ tạo việc làm, đồng vốn cho vay của NHCSXH còn là “đòn bẩy” giúp nhiều mô hình sinh kế, dự án, tổ hợp tác, hợp tác xã… được duy trì và phát triển.

Để thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác giảm nghèo, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho người lao động trên địa bàn, đồng thời thực hiện tốt chất lượng tín dụng chính sách, thời gian tới, TP. Bạc Liêu xác định tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền. Trong đó, duy trì, thực hiện tốt và tiếp tục phát huy hiệu quả các phương thức tuyên truyền hiện có, cũng như tận dụng các nền tảng mạng xã hội để tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi hơn.

Mặt khác, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra giám sát để ngăn ngừa rủi ro phát sinh như tập trung quan tâm phát huy vai trò giám sát của cả hệ thống chính trị và của toàn dân đối với các chương trình tín dụng chính sách xã hội.

Đối với NHCSXH, tiếp tục khai thác lợi thế, tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua ngân hàng. Đồng thời, phối hợp với NHCSXH và UBND các phường, xã xây dựng phương án, đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng giai đoạn 2024 - 2025 trình phê duyệt theo quy định.

Phối hợp cho vay vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH, như: nguồn vốn tín dụng cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm… Qua đó giúp giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp, giúp chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, mang lại hiệu quả thiết thực về phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, tăng cường phối hợp các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động tín dụng chính sách, quan tâm công tác huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn thành phố.

Phối hợp với NHCSXH tỉnh Bạc Liêu, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố nhận ủy thác, UBND phường, xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hộ vay trong việc sử dụng vốn trên địa bàn quản lý.

Với chủ trương thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn toàn diện theo hướng hiện đại, nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm sẽ trở thành công cụ đắc lực, chung tay giúp sức cho các địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tiếp tục nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của Thành ủy, UBND TP. Bạc Liêu trong việc chuyển bổ sung nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương để đáp ứng được ngày càng tốt hơn nhu cầu vay của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn.

ThS. Trần Trọng Triết