Tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Vietcombank là cần thiết
Chiều 17/9, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã thẩm tra sơ bộ tờ trình Chính phủ về đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) từ nguồn lợi nhuận còn lại luỹ kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại của năm 2021. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp.
Theo tờ trình của Chính phủ, vốn điều lệ của Vietcombank hiện nay là 55,891 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với Ngân hàng VPBank, Techcombank và không có sự cách biệt lớn so với một số Ngân hàng thương mại cổ phần khác như MB, ACB, SHB.
Trong khi đó, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của Vietcombank tại thời điểm ngày 31/12/2023 mặc dù đảm bảo quy định nhưng tỷ lệ này đang phụ thuộc vào phần lợi nhuận sau thuế, một phần vào trái phiếu tăng vốn và không bền vững. Do vậy, để đạt tỷ lệ an toàn vốn ở mức 13,5% vào năm 2026 thì mức vốn tự có phải đạt 300.801 tỷ đồng. Như vậy, giai đoạn 2024-2026 cần 118.166 tỷ đồng để bù đắp mức vốn tự có thiếu hụt.
Qua thẩm tra, các đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết tăng vốn điều lệ để giúp Vietcombank có tiềm lực để tiếp tục phát huy trong việc thực thi các chính sách của Nhà nước và hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, hồ sơ trình cần làm rõ thêm căn cứ pháp lý và ý kiến tiếp thu, giải trình của các bộ, ngành liên quan để làm rõ hơn về tính hiệu quả khi bổ sung vốn cho Vietcombank.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ cụ thể hoá hơn phần lợi nhuận qua các năm, chứng minh tính hiệu quả kinh doanh Vietcombank cũng như sứ mệnh của Vietcombank trong việc góp phần làm lành mạnh hoá và ổn định hệ thống ngân hàng.